1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đa dạng hóa nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2021

An Bình

(Dân trí) - Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, công tác phi chính phủ nước ngoài vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2020, với giá trị viện trợ cho Việt Nam đạt hơn 220 triệu USD.

Đa dạng hóa nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2021 - 1

Ông Phan Anh Sơn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài (Ảnh: Tuấn Việt).

Chiều ngày 17/3 tại Hà Nội, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) với 63 điểm cầu hội nghị tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Hội nghị nhằm tổng kết công tác năm 2020 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì hội nghị.

Giá trị viện trợ đạt hơn 220,7 triệu USD

Tóm tắt công tác hoạt động của Ủy ban năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng ban Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), cho biết trong một năm mà Covid-19 hoành hành, hoạt động của các tổ chức PCPNN, công tác của Ủy ban cũng như của địa phương chịu nhiều tác động từ bối cảnh, tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước. Tuy nhiên với sự chủ động, linh hoạt và đổi mới của Ủy ban và các cơ quan liên quan, công tác PCPNN vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2020, giá trị viện trợ PCPNN cho Việt Nam đạt hơn 220,7 triệu USD. Trong đó, viện trợ PCPNN từ khu vực châu Âu chiếm 41,3%, khu vực Bắc Mỹ chiếm 36,2%, khu vực châu Á chiếm 22,5%. Đáng chú ý, các tổ chức PCPNN đã hỗ trợ Việt Nam tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, đào tạo, tập huấn trị giá hơn 6,5 triệu USD để ứng phó với đại dịch Covid-19; hỗ trợ các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt với giá trị gần 9 triệu USD.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới, trong nước và chính các tổ chức PCPNN gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, các kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực.

Thích ứng trong tình hình mới

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý rằng, trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khắp thế giới, năm 2021 có thể tiếp tục là năm công tác PCPNN bị tác động mạnh.

Do đó, về công tác vận động PCPNN trong năm 2021, ông Hùng cho biết Ủy ban sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ bộ, ngành, địa phương thực hiện, đa dạng hóa nguồn viện trợ, mở rộng đối tượng và phương thức vận động. Ủy ban cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vận động chính trị, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, đối ngoại nhân dân với các nước.

Về công tác quản lý, Ủy ban tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác PCPNN, tăng cường hiệu quả quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động vi phạm; hoàn thiện các văn bản pháp quy trong công tác PCPNN; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan và địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi xu hướng, chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức PCPNN.

Phát biểu từ các điểm cầu, các địa phương, bộ/ngành đã trao đổi và thảo luận về tình hình công tác PCPNN năm 2020 với các đề xuất và kiến nghị cụ thể. Ủy ban ghi nhận các nỗ lực nhằm chủ động thích ứng nhanh với tình hình mới, phối hợp tốt trong công tác PCPNN, đồng thời ghi nhận và có ý kiến trao đổi để xử lý các vướng mắc, hạn chế mà các địa phương, bộ/ngành gặp phải.

Tại hội nghị, Đại diện Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ những điểm mới, cần lưu ý trong Nghị định 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 9/2020, về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. 

Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Anh Sơn nhấn mạnh, cần luôn luôn duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Ủy ban, các cơ quan trung ương và các địa phương, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và vận động PCPNN để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động và vận động viện trợ của các tổ chức và vận động viện trợ PCPNN, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.