Cựu Tổng thống Ba Lan: Mỹ lẽ ra nên bắn rơi máy bay Su-24 của Nga
(Dân trí) - Giữa lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng, cựu Tổng thống Ba Lan hôm qua 2/7 đã bình luận rằng Hải quân Mỹ không nên ngần ngại bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga nếu bị quấy rầy.
Hãng tin Sputnik dẫn lời cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa nói rằng, Hải quân Mỹ lẽ ra nên bắn rơi các máy bay Su-24 của Nga khi máy bay này áp sát tàu khu trục Donald Cook của Mỹ ở cự ly chỉ khoảng 10m trên biển Baltic hồi tháng 4.
“Nếu tôi là hạm trưởng, khi nhìn thấy những máy bay này lượn trên đầu, tôi sẽ lập tức cho bắn hạ. Tuy không bắn hạ các phi công, nhưng tôi sẽ bắn xuyên cánh máy bay”, ông Walesa nói.
Ông cho rằng, Washington không nên quá mềm mỏng với Nga, bởi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11/2015 đã không ngần ngại bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Syria với cáo buộc xâm phạm không phận.
Cựu quan chức này nói rằng, đó là cách thức để đáp trả lại cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”. Tuy nhiên, theo ông, điều này sẽ không dẫn đến xung đột quân sự với Nga. “Không ai muốn xung đột, cả Nga cũng vậy”, ông nhấn mạnh.
Máy bay Su-24 của Nga áp sát tàu khu trục Mỹ ở biển Baltic hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)
Những bình luận của ông Walesa đưa ra sau hàng loạt vụ đối đầu giữa Nga và Mỹ ở vùng biển Balltic. Hồi giữa tháng 4, khi tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ tới biển Baltic để tập trận chung cùng hải quân Ba Lan, trong mấy ngày liền, hai máy bay chiến đấu Su-24 của Nga liên tục áp sát tàu này của Mỹ giống như “mô phỏng tấn công”.
Mỹ sau đó đã lên tiếng chỉ trích hành động này của máy bay Nga là “nguy hiểm, thiếu chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, Moscow nói rằng, sở dĩ các máy bay Su-24 được triển khai sau khi phát hiện tàu khu trục Mỹ vào sát một căn cứ hải quân của Nga ở Baltic, và rằng những máy bay này đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc an toàn cần thiết.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu để đề phòng Nga. Bất chấp cảnh báo của Moscow, Washington tiếp tục hoàn thiện lá chắn tên lửa ở Đông Âu đặt tại các nước thành viên NATO, trong đó có Ba Lan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 27/5 cảnh báo có thể đặt Ba Lan và Romania trong tầm ngắm tên lửa vì cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa mà Moscow cho rằng đe dọa an ninh của Nga.
Hồi đầu tháng 5, Mỹ đã kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania và tiếp đến là kích hoạt lá chắn ở Ba Lan - một phần trong hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Âu. Địa điểm cuối cùng tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, hoàn thành tuyến phòng thủ vốn được khởi động gần 10 năm trước.
Khi hoàn thành, chiếc ô phòng vệ sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Toàn bộ lá chắn tên lửa cũng bao gồm các tàu và radar trên khắp châu Âu. Nó sẽ được bàn giao cho NATO vào tháng 7, với việc căn cứ không quân của Mỹ tại Đức sẽ kiểm soát và chỉ huy.
Minh Phương
Tổng hợp