1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu thủ tướng Đức và bê bối dầu khí với Nga

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder hôm qua phải cố gắng bảo vệ danh tiếng chính trị sau khi có thông tin là chính phủ của ông đã bí mật cho tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vay một khoản lớn.

Chỉ ít ngày trước khi rời nhiệm sở hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ của Schroeder đã có hành động bất thường khi đồng ý cho Gazprom vay khoảng 1 tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn khí giữa Nga và Đức.

 

Trước đó, vị cựu thủ tướng đã bị chỉ trích vì nhận chức chủ tịch trong hội đồng giám sát hệ thống đường ống kể trên của Gazprom và nhận lương 300 nghìn USD mỗi năm.

 

Hôm qua, những người chỉ trích đã yêu cầu Schroeder rút khỏi vị trí trong Gazprom và cho rằng ông đã bôi nhọ nền chính trị Đức kể từ khi rời nhiệm sở. Guido Westerwelle, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Tự do, nói: "Vụ việc này bốc mùi lên tận thiên đường".

 

Đảng Xanh, cựu liên minh chính trị của Schroeder, cũng không hài lòng. "Ông ấy không chỉ đang vứt bỏ uy tín của bản thân mà còn hủy hoại uy tín của chính trường và văn hóa chính trị tại Đức", đồng chủ tịch đảng Xanh Claudia Roth phát biểu.

 

"Nếu ông ấy còn chút tự trọng nào thì nên từ chức", Fritz Kuhn, một thành viên khác của đảng Xanh bình luận.

 

Schroeder khẳng định rằng ông không làm gì sai trái và nói rằng ông không biết gì về vụ cho vay bí mật kể trên. Theo vị cựu thủ tướng, Putin chỉ đề nghị ông giữ chức chủ tịch tổ hợp kinh doanh đường ống dầu khí từ Nga sang Đức hôm 9/12, sau khi ông đã rời nhiệm sở. "Tôi không thấy những gì mình đã làm có gì sai trái cả", ông nói.

 

Wolfgang Clement, bộ trưởng Tài chính dưới thời Schroeder, cho rằng vụ ký kết đó là vì lợi ích của nước Đức. "Việc ký khoản cho vay đó là hành động khôn ngoan nhất mà chúng ta từng làm", Clement nói.

 

Một ủy ban của quốc hội sẽ điều tra vụ cho vay bí mật kể trên vào thứ tư. Khi còn tại nhiệm thủ tướng, Schroeder là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho dự án đường ống dẫn dầu từ Nga tới biển Baltic. Đường ống này được ông cho là sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho Đức trong tương lai.

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/AP