Cựu Thủ tướng Anh thừa nhận cuộc chiến Iraq khiến phiến quân IS lớn mạnh
(Dân trí) - Trả lời trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình CNN hôm Chủ Nhật, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã thừa nhận rằng cuộc chiến Iraq năm 2003 là nguyên nhân chính khiến lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời và phát triển.
Ông Tony Blair cũng thừa nhận những sai lầm là đã tham gia phát động chiến tranh lúc đó. Quyết định gửi quân của ông để tham gia lực lượng liên quân do Mỹ phát động lúc đó vẫn còn là chủ đề chính trị chính đang được bàn luận tại Anh hiện nay khi cuộc điều tra kéo dài 6 năm về vấn đề này chưa đi đến hồi kết.
Khi được hỏi liệu chiến dịch có phải là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời và phát triển của IS hay không, lực lượng này đang kiểm soát nhiều vùng rộng lớn tại Iraq và quốc gia láng giềng Syria, ông Blair thừa nhận sự thật là có.
“Tất nhiên, bạn không thể nói những người trong số chúng tôi tham gia lật đổ cựu lãnh đạo Iraq Saddam (Hussein) vào năm 2003 lại không chịu trách nhiệm nào về tình hình hiện nay (năm 2015)”, ông Blair phát biểu.
Các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ lật đổ ông Saddam đã để lại một lỗ hổng lớn về an ninh mà lực lượng khủng bố al-Qaeda đã khai thác và cuối cùng được thay thế bởi lực lượng phiến quân IS.
Một số cựu quan chức quân đội Iraq, thành viên nhóm Hồi giáo dòng Sunni, nói rằng họ đã bị loại khỏi cuộc chơi bởi một nhà nước do nhóm Hồi giáo dòng Shi’ite do phương Tây hậu thuẫn và giờ họ là những chiến lược gia tham gia nhóm IS.
Ông Blair còn nói thêm “các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả rập” lan ra trên toàn khu vực Trung Đông cũng ảnh hưởng đến Iraq và chính IS đã phát triển lên từ Syria chứ không phải Iraq. Ông cũng xin lỗi cho những sai lầm đã tham gia vào cuộc chiến và những chuẩn bị sau đó khi Saddam bị phế truất.
“Chúng tôi đã can thiệp vào cuộc chiến bằng việc gửi quân đến Iraq, rồi sau đó chúng tôi cũng can thiệp và không gửi quân đến Libya và bây giờ chúng tôi cố không can thiệp nhưng yêu cầu thay đổi chế độ ở Syria. Với tôi, có một điều không rõ là nếu các chính sách của chúng tôi đưa ra không hiệu quả thì liệu những chính sách khác sau này có tốt hơn?”, ông Blair đặt vấn đề.
“Tôi nhận ra rất khó khăn để đưa ra lời xin lỗi là đã tham gia phế truất Saddam. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn ông ta bị loại bỏ hơn là còn tại vị ở Iraq”, ông Blair chia sẻ.
Vũ Duy