1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Cố vấn an ninh Mỹ thách thức cuộc điều tra của Thượng viện

(Dân trí) - Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã từ chối giao nộp tài liệu liên quan tới Nga theo yêu cầu của Thượng viện, qua đó thách thức cuộc điều tra cáo buộc ông nhận tiền từ các công ty Nga và nghi vấn Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn (Ảnh: Getty)
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn (Ảnh: Getty)

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ gửi trát yêu cầu cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn giao nộp toàn bộ thư điện tử và các tài liệu liên quan để phục vụ cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, ngày 22/5, ông Flynn đã viện dẫn Tu chính án số 5 và từ chối giao nộp các tài liệu này. Đây là văn bản pháp lý cho phép các cá nhân được quyền từ chối đưa ra những tài liệu có thể trở thành chứng cứ buộc tội họ. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng việc các cá nhân vận dụng Tu chính án số 5 thường là một bước đi sai lầm bởi điều này chưa chắc đã giúp họ thoát tội.

Trong một lá thư gửi Ủy ban Tình báo Thượng viện, các luật sư của ông Flynn cho biết: “Ông Flynn là mục tiêu của các cáo buộc gây mất uy tín từ các nguồn giấu tên trong Quốc hội hoặc từ bất cứ đâu trong chính phủ Mỹ. Điều này là nực cười và thiếu căn cứ, chỉ nhằm mục đích làm gia tăng sự phản đối nhằm vào ông ấy”.

Ngay sau khi ông Flynn từ chối cung cấp tài liệu theo trát yêu cầu của Ủy ban Tình báo Thượng viện, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Hạ viện, Thượng nghị sĩ Elijah E. Cummings, đã viết thư gửi Chủ tịch Ủy ban, trong đó cho rằng ông Michael Flynn có thể đã nói dối về các khoản tiền mà ông nhận được từ các công ty Nga và mối quan hệ với các quan chức Nga trong thời gian ông chuẩn bị nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia vào cuối năm ngoái. Hiện các luật sư của ông Flynn từ chối bình luận về các cáo buộc trong thư ngày 22/5 của ông Cummings.

Việc ông Flynn không chứng minh được mình vô tội và không giao nộp tài liệu phục vụ cuộc điều tra có thể khiến ông lún sâu vào các rắc rối pháp lý. Tội cố ý khai man với các điều tra viên liên bang có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Hôm 14/2, Tổng thống Trump quyết định sa thải ông Flynn do phát hiện ông từng trao đổi với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moscow trước khi ông Trump nhậm chức, đồng thời tìm cách giấu thông tin nhạy cảm này. Ngoài ra, ông Flynn còn bị điều tra với cáo buộc nhận tiền từ các công ty của Nga

Trả lời các nhà điều tra hồi tháng 2 vừa qua, ông Michael Flynn khẳng định mình không nhận bất cứ khoản tiền nào từ các công ty nước ngoài mà chỉ có mối quan hệ ngoại giao với các quan chức nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, hai tháng trước đó, ông Flynn đã từng ngồi cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện do RT - cơ quan thông tấn do chính phủ Nga bảo trợ tổ chức. Ông Flynn bị cáo buộc nhận 33.000 USD để tới tham dự bữa tiệc này, cùng với 11.250 USD từ một hãng hàng không của Nga và 11.250 USD khác từ chi nhánh tại Mỹ của Kaspersky - một tập đoàn an ninh mạng có trụ sở tại Nga.

Nhật Minh

Theo New York Times