Cựu chiến binh Mỹ trở lại VN với sứ mệnh hòa bình
Tác giả Dogen Hannah của Contra Costa Times đã viết lên những cảm xúc, tâm sự và nỗi niềm của những cựu chiến binh Mỹ trong cuộc hành trình trở lại Việt Nam.
Jerry Yahiro muốn trở lại cao nguyên Việt Nam nơi ông từng dẫn đầu một trung đội súng trường cách đây gần 40 năm.
Rich Vanucci muốn nhìn lại những chiến trường cũ ở Việt Nam nơi ông từng đặt chân thời gian ngắn khi còn là một thủy thủ cách đây gần năm thập niên. Là một cựu lính thủy, John Reese, khát khao trở lại Việt Nam với một sứ mệnh hòa bình và thiện chí, thay vì chiến tranh hay hủy diệt.
Hôm nay (24/11), họ và sáu cựu chiến binh Mỹ khác sẽ đến Việt Nam, một đất nước lần cuối cùng họ nhìn thấy là trong chiến tranh. Chuyến đi này không chỉ mang họ vượt qua một đại dương đơn thuần mà còn đưa họ trở lại một nơi họ không thể nào quên.
"Tôi chắc chắn rằng, tất cả mọi người đều có ám ảnh trong mình, tất cả đều muốn đối mặt với ám ảnh ấy'', nhà môi giới bất động sản cũng là người tổ chức chuyến đi Mike Weber - cựu chiến binh của Thung lũng Diablo nói. "Có một động cơ lớn thúc đẩy chúng tôi làm điều này''.
Chuyến đi mang lại hơn cả một cơ hội cho các lính Mỹ xưa về thăm lại Việt Nam với sứ mệnh hòa bình thay cho quá khứ chiến tranh. Trong 13 ngày ở Việt Nam, họ sẽ quyên tặng 560 xe lăn, cùng một số tiền lớn mà các cựu chiến binh đóng góp cho những người khuyết tật Việt Nam.
Trong suốt hai năm qua, nhóm cựu chiến binh này đã quyên góp được 22.000 USD để mua xe lăn. Qũy Wheelchair phi lợi nhuận có trụ sở tại Danville được thành lập bởi cư dân Blackhawk và ông chủ Seattle Seahawks - Ken Behring, chủ yếu nhằm quyên góp và tổ chức việc mua, phân phối xe lăn từ thiện.
Các cựu chiến binh Mỹ còn quyên góp được 3.500 USD khác hỗ trợ cho các trại trẻ mồ côi ở Việt Nam. Họ còn có kế hoạch mang tới cho các trại trẻ mồ côi vật dụng học tập. Ít nhất với 9 cựu chiến binh trong nhóm đây là lần đầu tiên họ trở lại Việt Nam, cơ hội để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà người Việt Nam phải hứng chịu.
Động lực trở lại
"Tôi nghĩ chuyến đi này, là chúng tôi trở lại với những điều tốt đẹp, để chôn vùi mọi đau thương mà tôi đeo đẳng'', Yahiro, 62 tuổi, một cựu chiến binh Mỹ nói.
Tuần trước, khi lịch trình được đưa ra, Danville vẫn còn lo lắng rằng, chuyến đi sẽ làm sống lại những ký ức buồn của cuộc chiến mặc dù ông sẵn sàng nắm bắt cơ hội thể hiện sứ mệnh hòa bình. "Tôi muốn thấy đất nước Việt Nam", Yahiro nói.
Với Vanucci, người đã có bảy tuần ở Việt Nam vào năm 1959 khi phục vụ trên hàng không mẫu hạm USS Ranger, chuyến đi này là một cơ hội để ông biết và học hỏi nhiều hơn về một cuộc chiến tranh.
Vị thuyền trưởng hải quân mong mỏi trở lại Việt Nam để biết được nhiều hơn lý do vì sao Việt Nam đánh thắng kẻ thù mạnh hơn mình như Pháp hay Mỹ. "Tôi muốn biết vì sao tướng Giáp có thể đánh bại được cả Pháp và Mỹ'', Vanucci, 69 tuổi, cư dân Thung lũng Castro đã thể hiện sự ngưỡng mộ với một vị tướng quân đội Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm cựu chiến binh muốn quay lại Việt Nam, một số người e rằng, chuyến đi sẽ khơi lại những ký ức đau thương mà họ cố gắng đào sâu chôn chặt. Thậm chí ngay cả trong đoàn hành trình cũng có người lo lắng không biết được nhận sự đối xử của mọi người ở đất nước này thế nào, Weber, người đầu tiên trở lại Việt Nam năm 2003 nay lại có mặt trong đoàn đi hiện tại nói.
Weber đã cam đoan với mọi người rằng, người Việt Nam, kể cả những người trực tiếp chịu hậu quả chiến tranh, đối đãi với các cựu binh trở lại không một chút oán hận và thường rất thân thiện, ấm áp. Trong chuyến đi đầu tiên của Weber, một phụ nữ Việt Nam đã thết cơm ông và kể rằng, cha ông đã chết dưới họng súng của quân đội Mỹ. "Chúng tôi đã có một khoảnh khắc lúng túng, tôi không biết phải phản ứng thế nào, tôi chỉ lặng thinh'', cựu lính cứu thương 58 tuổi kể lại. ''Nhanh chóng cô ấy nói, để sau đã, bây giờ là hiện tại, chúng ta hãy vui vẻ ăn nào''.
Những người còn lo âu đã không hề nghĩ ngợi khi họ gặp nhau lần cuối cùng vào tuần trước tại nhà của Weber chuẩn bị cho cuộc hành trình này. Sự vui vẻ, giản dị đã đi theo họ, theo cùng với những hành trang và sứ mệnh tới Việt Nam.
Trong số này có Reese, cựu trung úy hải quân 58 tuổi, từng mắc chứng trầm cảm vì những ký ức cuộc chiến. Anh cũng lo chuyến đi sẽ làm anh chịu đựng tâm lý nặng nề hơn, nhưng rồi cả anh và vị bác sĩ điều trị đều thống nhất rằng, hành trình hòa bình sẽ chữa trị và hàn gắn vết thương lòng. "Tôi chỉ trở lại với một lý do khác'', Reese khẳng định. "Trở lại và làm điều gì đó có ích cho một đất nước mà chúng tôi từng nổ súng trên mảnh đất của họ''.
Theo Kỳ Thư
Vietnamnet