1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chùm tin vắn:

Cựu bộ trưởng tài chính Pháp chính thức nhậm chức giám đốc IMF

(Dân trí) - Cựu bộ trưởng tài chính Pháp Dominique Strauss-Kahn ngày 1/11 đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị Giám đốc điều hành Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), thay thế người tiền nhiệm Rodrigo Rato.

Trong ngày làm việc đầu tiên tại trụ sở của IMF ở Washington, ông Strauss-Kahn đã cam kết sẽ thúc đẩy việc đổi mới tổ chức tiền tệ quốc tế, bao gồm việc cho phép các quốc gia đang phát triển có tiếng nói hơn và cải thiện vấn đề tài chính của IMF.

 

Ông Dominique Strauss-Kahn, 58 tuổi, là cựu bộ trưởng tài chính Pháp và từng là ứng cử viên của đảng Xã hội trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2007.

 

Trong cuộc bỏ phiếu tại ban điều hành của IMF hôm 28/9, ông Strauss-Kahn đã nhận được đa số phiếu ủng hộ so với ứng cử viên Josef Tosovsky - cựu chủ tịch ngân hàng trung ương Czech, do Nga đề xuất. Ông Strauss-Kahn trở thành người Pháp thứ 4 giữ vị trí đứng đầu IMF kể từ khi tổ chức tài chính này thành lập vào năm 1944.

 

Đoàn giải trừ hạt nhân Mỹ tới Bình Nhưỡng

 

Ngày 1/11, một nhóm các chuyên gia của Mỹ đã tới thủ đô Bình Nhưỡng để bắt đầu công việc vô hiệu hoá cơ sở hạt nhân chính của CHDCND Triều Tiên. Quá trình dự kiến sẽ diễn trong cuối tuần này tại một lò phản ứng của khu liên hợp hạt nhân Yongbyon.

Phát biểu tại Bắc Kinh trước khi tới Bình Nhưỡng, trưởng đoàn Mỹ, ông Sung Kim cho biết nhóm hạt nhân bao gồm các chuyên gia từ Bộ năng lượng và Bộ ngoại giao Mỹ sẽ làm việc luân phiên trong vòng từ 2-3 tuần.

Chuyến đi của phái đoàn do ông Kim dẫn đầu tới Bình Nhưỡng diễn tra sau khi trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề hạt nhân Christopher Hill đã có các cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày với người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan về các chi tiết kỹ thuật của quá trình vô hiệu hoá cơ sở hạt nhân.

Trước đó, trong 2 ngày 29 và 30/10, đại diện của các bên tham gia đàm phán 6 bên gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và hai miền Triều Tiên đã đạt được một thoả thuận trong đó Bình Nhưỡng đồng ý vô hiệu hoá các cơ sở hạt nhân để đối lấy viện trợ năng lượng.

 

Trung Quốc tăng giá bán lẻ xăng, dầu 10%

Hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Xinhua cho biết, bắt đầu từ ngày 1/11, Trung Quốc đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng, dầu diesel và dầu dùng cho hàng không lên 500 nhân dân tệ/tấn, tương đương với mức tăng khoảng 10%.

Như vậy, giá bán lẻ xăng và dầu diesel trung bình đã tăng lên mức 5.980 và 5.520 nhân dân tệ/ tấn so với mức giá cũ là 5.480 và 5.020 nhân dân tệ/tấn.

 

Theo Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, việc điều chính trên là nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá dầu thô quốc tế đang tăng cao so với giá xăng dầu trong nước.

 

Các cường quốc thảo luận gói biện pháp cấm vận Iran

Hôm nay, 2/11, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức sẽ nhóm họp tại thủ đô London của Anh để thảo luận về các biện pháp cấm vận Iran lần thứ 3.

Iran đã từ chối ngừng làm giàu uranium và phương Tây lo sợ này quốc gia Hồi giáo đang bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran kiên quyết phủ nhận.

Tuần trước, Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế Iran và không loại trừ các hành động quân sự chống lại quốc gia Hồi giáo. Phía Nga tin rằng việc giải quyết thông qua đối thoại là cách tốt nhất trong khi Trung Quốc bình luận các biện pháp trừng phạt của Washington là “quá vội vàng”.

VTH

Tổng hợp