1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: NATO nguy cơ tan rã nếu ông Trump tái đắc cử

An Hoàng

(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lo ngại viễn cảnh NATO tan rã trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: NATO nguy cơ tan rã nếu ông Trump tái đắc cử - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: ABC News).

"Tôi từng làm việc về các vấn đề NATO với cựu Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ của ông ấy. Nếu ông Trump tái đắc cử, một trong những động thái đầu tiên có thể sẽ là rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 6/12.

"Tiếp theo, ông Trump nhiều khả năng sẽ rút nước Mỹ ra khỏi NATO, kéo theo sự sụp đổ của liên minh. Đây không phải là điều Nga muốn thấy hay sao? Sau đó sẽ là gì? Rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia đồng minh khác? Theo quan điểm của tôi, điều này tương đối đáng lo ngại cho an ninh quốc gia", ông Esper thẳng thắn nhận xét.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng, viễn cảnh rút quân khỏi các "điểm nóng" trong chiến lược của Mỹ sẽ khiến an ninh quốc gia bị suy yếu.

Ông Mark Esper từng là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ tháng 7/2019 đến tháng 11/2020, trước khi bị Tổng thống thời điểm đó là ông Trump bãi nhiệm vì nỗ lực cản trở việc rút quân khỏi Afghanistan, Iraq và Somalia. Có thể thấy rõ, ông Esper có quan điểm trái ngược với quan điểm của ông Trump và những người ủng hộ về việc "kéo Mỹ ra khỏi những cuộc chiến không hồi kết".

Ông Esper cũng bày tỏ lo ngại ông Trump sẽ bổ nhiệm những người theo phe bảo thủ và trung thành với ông vào Lầu Năm Góc nếu tái đắc cử. Những người này có thể bao gồm cả cựu Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien, một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy tiến trình Mỹ rút quân khỏi Trung Đông.

Nhiều chuyên gia, bao gồm cả những thân tín cũ của ông Trump, từng lên tiếng chỉ trích chính sách này của cựu Tổng thống Mỹ. Ngoài thành tựu "là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong thập kỷ không khơi mào một cuộc chiến" và nỗ lực đàm phán đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump bị nhận xét là không hoàn toàn thành công với các chính sách ngoại giao, bao gồm cả việc giảm căng thẳng trong quan hệ với Nga, Trung Quốc và vấn đề tại Syria.

Những người ủng hộ ông Trump đã kêu gọi ông "đừng phạm sai lầm tương tự" nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2024.

Robert Kagan, học giả theo trường phái tân bảo thủ và là chồng của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Victoria Nuland, nhận định rằng có khả năng ông Trump sẽ quá tập trung vào vấn đề "trả đũa chính trị" thay vì theo đuổi những lợi ích thực sự của Mỹ ở nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, tính đến hiện tại, bất chấp những phản ứng trái chiều của giới truyền thông và hàng loạt vụ kiện hình sự chống lại ông, cựu Tổng thống Mỹ vẫn đang đi đúng hướng để giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa.

Theo kết quả khảo sát, ông Trump hiện là ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa và dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Joe Biden ở nhiều bang quan trọng.

Theo Sputnik