1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cướp biển Somali - lực lượng bảo vệ bờ biển biến chất?

(Dân trí) - Ngay sau khi cướp tàu chở dầu cực lớn của Ảrập Xêút cùng lượng giầu thô trị giá 100 triệu USD, hải tặc Somali hôm qua lại cướp một tàu hàng đăng ký ở Hồng Kông trên Vịnh Aden.

Nguồn gốc cướp biển ngoài khơi Somali 

Chưa bao giờ cướp biển Somali lại hoành hành dữ dội và táo tợn như vậy dù từng thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia Somali. Somali từng khẳng định cướp biển chỉ là “triệu chứng” của một căn bệnh kinh niên nghiêm trọng hơn - đó là đánh bắt cá bất hợp pháp và tẩu tán chất thải.

Sự sụp đổ của chính phủ Somali năm 1991 khiến lãnh hải nước này một thời gian dài bị bỏ ngỏ và các tàu đánh cá từ tất cả các nơi trên thế giới đã xâm phạm khu vực này với mục đích duy nhất là cướp bóc các ngồn hải sản của Somali.

 

Somali đã phải huy động những đội quân được trang bị vũ khí với mục tiêu ban đầu là bảo vệ lãnh hải trước những sự xâm nhập bất hợp pháp của tàu thuyền các nước, trong đó có cả tàu đến từ châu Âu và châu Á.

 

Năm 2006, Chương trình hỗ trợ thuỷ  thủ (SAP) có trụ sở tại Kenya tổng kết: hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp đã xâm phạm lãnh hải Somali và gây thiệt hại về kinh tế cho nước này ước tính 90 triệu USD/năm, chủ yếu là do đánh bắt cá ngừ. Chưa hết, chất độc hại và chất thải công nghiệp cũng được đổ xuống khu vực này, trong khi tình trạng buôn bán than bất hợp pháp ngày càng tăng.

 

Andrew Mwangura, điều phối viên của SAP khi đó, cho biết đội quân của Somali được chia làm hai nhóm, gọi là “Lính phòng vệ bờ biển Somali” và “Lực lượng phòng vệ quốc gia”. Nhưng sau đó, họ bắt đầu đòi những khoản tiền chuộc ngày càng lớn để thả thuyền và hàng hoá mà họ bắt giữ được.

 

Phương thức hoạt động

 

Những tên cướp biển có mầm mống từ đó, sống trên những “chiếc tàu mẹ”, dự trữ vũ khí, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác trên boong. Chúng nhằm vào những tàu lớn bằng thuyền tốc độ cao, cùng những tên cướp được trang bị vũ khí và lên tàu bằng thang dây.

 

Các nguồn tin tình báo cho biết những tàu đánh cá ở vùng Vịnh Aden chính là những “tàu mẹ” của bọn cướp biển. Khoảng 3 xuồng máy được dùng trong các vụ tấn công, mỗi xuồng chở từ 6 đến 10 tên cướp trang bị súng AK-47 và đôi khi cả súng phóng lựu để tấn công nạn nhân.

 

Phương thức kiếm tiền

 

Những tên cướp biển thường đối xử tốt với những con tin với hy vọng gặt được những khoản tiền chuộc hậu hĩnh. Hầu hết các tàu bị bắt cóc đều đã trả tiền chuộc, ngày càng nhiều hơn gấp nhiều lần 10.000 USD cho một thuyền. Những tàu thuyền lớn hơn bị cướp ở những làn giao thông đường thuỷ của Vịnh Aden thậm chí còn giúp các nhóm hải tặc thu được hàng triệu USD tiền chuộc mỗi tàu.

 

Tiền này có thể được đầu tư vào buôn lậu một loại lá có có chứa chất ma tuý nhẹ rất phổ biến ở khu vực này. Loại cây này bị cấm ở các nước Phương Tây.

 

Những người dân địa phương cho biết hầu hết những tên cướp biển đều trở thành những người nổi tiếng, vì khi giàu có, chúng dùng tiền để mua địa vị. Chúng xây dựng những biệt thự ven biển nguy nga, sắm những chiếc ô tô đắt tiền và cưới rất nhiều vợ.

 

Hậu quả

 

Tình trạng cướp bóc trên tuyến đường biển qua Somali đã kéo chi phí bảo hiểm tăng cao, buộc một số tàu đi vòng qua Nam Phi thay vì qua kênh đào Suez.

 

Theo một cơ quan nghiên cứu của Anh, chỉ riêng trong tháng 10, hải tặc Somali đã thu được ước tính từ 18 đến 30 triệu USD tiền chuộc để thả các thuỷ thủ đoàn và tàu thuyền chúng bắt cóc.

 

Nhật Mai

Theo Reuters