Cuộc xung đột thế kỷ đốt nóng "chảo lửa" Trung Đông
(Dân trí) - Mâu thuẫn giữa Israel - Palestine là cuộc xung đột phức tạp và kéo dài nhất trên thế giới, gây ra bế tắc ngoại giao chưa từng có và vẫn chưa có hồi kết.
Xung đột giữa Israel và Palestine đang leo thang đến đỉnh điểm khi rạng sáng ngày 7/10, Lữ đoàn cảm tử al-Qassam thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza bất ngờ phát động một cuộc tấn công táo bạo với quy mô lớn chưa từng có vào sâu khu vực do Israel kiểm soát ở phía Nam, đồng thời triển khai hàng trăm tay súng tấn công hàng chục điểm định cư giáp ranh Dải Gaza.
Quân đội Israel đã đáp trả bằng hàng chục đợt không kích liên tiếp vào các mục tiêu ở Dải Gaza, cắt toàn bộ nguồn cung điện cho vùng đất này và triển khai chiến dịch "Gươm sắt" nhắm vào các mục tiêu của lực lượng Hamas tại Palestine. Chính phủ Israel cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và chính thức xác nhận đất nước đang trong tình trạng chiến tranh.
Ngày 10/10, truyền thông Israel cho biết, đã có ít nhất 900 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương (chủ yếu là dân thường); trong khi đó Bộ Y tế Palestine cho hay, số người thiệt mạng ở Dải Gaza lên tới gần 700 người. Hamas cũng tuyên bố giam giữ hơn 130 con tin của phía Israel. Người dân sống gần biên giới giữa Dải Gaza và Israel đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh không kích từ phía bên kia. Một số chuyên gia dự báo quy mô cuộc tấn công sắp tới có thể còn lớn hơn thời điểm năm 2014, khi Israel huy động 80.000 quân dự bị.
Có thể nói, xung đột Israel - Palestine là một trong những cuộc xung đột lâu đời nhất và dai dẳng nhất trên thế giới, kéo theo ít nhất 6 cuộc chiến tranh Trung Đông, 2 phong trào phản kháng Intifada của người Palestine cùng vô số vụ đụng độ đẫm máu và tấn công bạo lực, tạo ra nhiều bế tắc ngoại giao chưa từng có trong lịch sử chính trị nhân loại.
Đây là cuộc xung đột vô cùng phức tạp với các mâu thuẫn về tôn giáo, văn hóa, chính trị, biên giới, lãnh thổ, khiến cho nhiều nguyên thủ, chính khách, nhà ngoại giao kỳ cựu phải hao tâm tổn sức, nhưng tất cả vẫn như "đổ sông, đổ biển" khi giao tranh, xung đột trên vùng đất Trung Đông này luôn có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Căn nguyên xung đột
Nguồn gốc sâu xa của cuộc xung đột Israel - Palestine bắt nguồn từ mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng từ xa xưa trong lịch sử liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa…
Từ 5.000 năm trước, tổ tiên người Do Thái và người Ả Rập đều định cư ở vùng đất Trung Đông huyền bí. Trải qua những biến thiên của lịch sử, có lúc người Do Thái chiến thắng và xây dựng Vương quốc Do Thái phát triển phồn thịnh, nhưng cũng không ít lần họ bị mất đất, bị xua đuổi, phải tha hương khắp nơi. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, đặc biệt là mua lại đất của người địa phương, người Do Thái luôn tìm cách quay trở về Vương quốc Do Thái của mình.
Gần 2.000 năm trước, sau khi chiếm Vương quốc Do Thái, Đế quốc La Mã đã đổi tên thành xứ Palestine và người Ả Rập sống ở đây được gọi là người Palestine. Sau khi Đế quốc La Mã bị đánh bại, Palestine trở thành một phần của các Đế chế Ả Rập suốt từ thế kỷ thứ 7.
Trong giai đoạn năm 1517-1917, Đế chế Ottoman kiểm soát phần lớn khu vực này. Sau khi Đế quốc Ottoman thất bại trong Thế chiến I (1914-1918), Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên hợp quốc) đã quyết định hơn 90% lãnh thổ Palestine được trao cho các quốc gia Ả Rập và Anh, Pháp là quốc gia ủy trị. Trong đó, Anh kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine với phần lớn là người Ả Rập, người Do Thái chiếm thiểu số, nhưng không có xung đột giữa họ.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa người Do Thái và người Ả Rập gia tăng khi Anh được giao nhiệm vụ thiết lập "quê hương" cho người Do Thái tại Palestine. Theo kế hoạch của Anh, người Do Thái bắt đầu tới Palestine định cư từ năm 1917. Từ năm 1919 đến năm 1926, Phong trào bài Do Thái ở châu Âu diễn ra mạnh mẽ khiến khoảng 90.000 người Do Thái di cư đến Palestine.
Nhằm chạy khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã, người Do Thái tiếp tục chạy về Palestine và đến cuối những năm 1930, người Do Thái ở vùng đất này đã tăng lên 400.000 (bằng 1/3 số người Ả Rập ). Đến năm 1940, số lượng người Do Thái và người Ả Rập gần bằng nhau, khiến mâu thuẫn giữa hai cộng đồng Do Thái và Ả Rập thêm gay gắt, cùng với đó là sự phản đối quyền cai trị của Anh ở vùng đất này cũng gia tăng.
Từ năm 1923, quyền ủy trị của người Anh đối với Palestine chấm dứt. Năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 181, chia tách xứ Palestine thành hai nhà nước, một cho người Ả Rập Palestine (chiếm 43,5% diện tích lãnh thổ) một cho người Do Thái (chiếm 56,5% diện tích). Người Do Thái tán thành, tuy nhiên, người Ả Rập không chấp nhận và từ chối đàm phán. Kể từ đây, ngọn lửa xung đột giữa các bên chính thức được châm ngòi với cuộc chiến phản đối quốc gia mới Israel, tranh chấp Bờ Tây, Dải Gaza và giành quyền kiểm soát Jerusalem.
Ngày 14/5/1948, ngay sau khi Anh rút khỏi Palestine, người đứng đầu Cơ quan Do Thái là David Ben Gurion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem. Một ngày sau, ngày 15/5/1948, chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất nổ ra giữa liên minh các nước Ả Rập (gồm Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq) và Israel. Khoảng 750.000 người Palestine phải tháo chạy hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong "Ngày thảm họa" (al-Nakba) và định cư trong các trại tị nạn gần biên giới Israel.
Cho đến nay, tình trạng của những người tị nạn này vẫn là điểm khó giải quyết trong quan hệ Ả Rập - Israel. Trong cuộc chiến này, Israel không những không suy yếu mà còn kiểm soát thêm nhiều vùng đất ở Palestine. Trong khi đó, Jordan kiểm soát khu vực Bờ Tây, Ai Cập kiểm soát khu vực Gaza; thành phố Jerusalem bị chia đôi giữa lực lượng Israel ở phía tây và lực lượng Jordan ở phía đông.
Trong vài thập niên tiếp theo, hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau và các cuộc xung đột, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 hay còn gọi là cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3, Israel chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây, đồng thời chiếm gần hết cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Ước tính, trong cuộc chiến ngắn ngủi này, có khoảng từ 280.000 đến 325.000 người Ả Rập Palestine đã phải chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Bờ Tây và hơn 100.000 người phải rời bỏ Cao nguyên Golan do chiến tranh và đến cư trú tại các nước láng giềng như Jordan, Syria và Li Băng. Họ và con cháu họ chưa bao giờ được chính quyền Israel cho phép trở về nhà vì cho rằng sẽ đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Do Thái.
Trong khi đó, Jerusalem - nơi có đền thờ Al-Aqsa của người Hồi giáo và cũng là khu thánh địa tôn kính nhất của người Do Thái, gọi là Núi Đền - có thể được coi là một nút thắt trong cuộc xung đột Israel - Palestine khi cả hai bên đều muốn đây là thủ đô của mình. Với tính biểu tượng cao của Jerusalem, Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc đã đưa ra Quy chế đặc biệt cho thành phố này, coi đây là "thực thể chia cắt giữa hai bên" do Liên hợp quốc quản lý.
Qua hơn nửa thế kỷ xung đột, người Do Thái và Ả Rập đã và đang sống xen kẽ nhau trên vùng đất Palestine. Hàng trăm khu định cư Do Thái nhỏ nằm xen kẽ với các làng mạc hoặc gần thành phố Ả Rập giáp ranh giới lập ra sau cuộc chiến 1967. Do vậy, không thể vạch ra biên giới rõ ràng nào giữa người Do Thái và Ả Rập và những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên khiến các nỗ lực nhằm tìm giải pháp toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel - Palestine tới nay chưa đạt kết quả.
Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993 dẫn đến việc Israel rút khỏi Dải Gaza và một phần Bờ Tây cũng như chính quyền Palestine được thành lập năm 1994 do ông Arafat lãnh đạo. Năm 1995, Hiệp ước Oslo thứ hai được ký kết nhưng tiến trình hòa bình vẫn không có hồi kết do Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Dải Gaza, còn Hamas vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Israel.
Có thể thấy, các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra trong nhiều thập niên giữa Israel và Palestine vẫn rơi vào vô vọng khi mâu thuẫn cơ bản vẫn chưa được giải quyết và các giao tranh, xung đột vẫn thường xuyên diễn ra ở vùng đất này cho đến nay.
Mâu thuẫn nội bộ
Các chuyên gia đánh giá, những vấn đề nội bộ của chính Israel và Palestine khiến xung đột mãi vẫn chưa có hồi kết. Hầu như các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của cả Israel và Palestine đều có quan điểm cứng rắn và khó có thể thỏa hiệp về một thỏa thuận chấm dứt xung đột, nhất là khi nó liên quan đến hàng loạt các vấn đề hóc búa và đầy nan giải như Jerusalem, người tị nạn Palestine, các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, các hành động bạo lực và khủng bố…
Ở Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể đánh mất sự ủng hộ về chính trị nếu công nhận Nhà nước Palestine, bởi nhiều lực lượng và phe phái trên chính trường Israel luôn có quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Ngày 4/11/1995, cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã bị Yigal Amir, một sinh viên Do Thái cực đoan, ám sát vì đối tượng này phản đối ông Rabin ký kết Hiệp định Oslo lịch sử tại Washington với nhà lãnh đạo Phong trào giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat.
Trong khi đó, tại Palestine, sự khác biệt giữa hai lực lượng chính trị chủ chốt là Phong trào Fatal của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Fatal là lực lượng nòng cốt của PLO, có quan điểm ôn hòa) hiện kiểm soát Bờ Tây và Phong trào Hồi giáo Hamas (theo đuổi phương thức đấu tranh bằng bạo lực để thành lập Nhà nước Palestine trên cơ sở đường lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948) hiện kiểm soát Dải Gaza, khiến khả năng Fatal và Hamas tìm được tiếng nói đồng thuận trong vấn đề xung đột với Israel là khá xa vời, bất chấp những nỗ lực hòa giải trong nội bộ Palestine.
Sự bất đồng quan điểm chính trị giữa Fatal và Hamas đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine ngày càng phức tạp, nhất là khi Israel chỉ công nhận PLO là bên đại diện người Palestine tham gia đàm phán. Do đó, Hamas và Israel đã xảy ra nhiều vụ đụng độ từ quy mô nhỏ lẻ đến quy mô lớn như các cuộc giao tranh ác liệt vào các năm 2008-2009, 2014, 2022 và mới đây nhất là cuộc tấn công đầy bất ngờ của Hamas vào sâu khu vực do Israel kiểm soát hôm 7/10 vừa qua.
Vai trò của khối Ả Rập và các cường quốc
Mặc dù tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine nhưng không ít quốc gia Ả Rập lại có những toan tính riêng mình, khiến tiến trình hòa bình ở Palestine vẫn rất xa vời.
Hơn nữa, cuộc tranh giành quyền sở hữu đối với thành cổ Jerusalem là một trong những nút thắt quan trọng nhất về mặt tôn giáo không chỉ giữa Palestine và Israel, mà còn là câu chuyện giữa các nước lớn khi thể hiện lập trường khác biệt trong vấn đề này. Với ý nghĩa đặc biệt linh thiêng đối với Hồi giáo và Do Thái giáo, việc công nhận Jerusalem thuộc về bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp này cũng đồng nghĩa với việc bác bỏ sự linh thiêng về mặt tôn giáo và vai trò địa chính trị của Thành cổ Jerusalem đối với bên còn lại.
Trong khi Nga và Trung Quốc hướng tới giải pháp phân chia vùng đất thánh thành hai nửa Đông - Tây dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine, Mỹ ủng hộ lập trường của Israel về một vùng đất Jerusalem toàn vẹn, không bị chia cắt.
Bên cạnh đó, với lập trường ủng hộ Palestine, Trung Quốc và Nga là một trong số ít nước công nhận Hamas là một nhóm chính trị hợp pháp được phần đông người dân tin tưởng. Trong khi đó, quan điểm và chính sách của Mỹ dưới các đời tổng thống gần như nhất quán đó là phủ nhận tư cách nhà nước của Palestine, ủng hộ Israel trên nhiều lĩnh vực như chính trị, viện trợ quân sự và tài chính. Đặc biệt, tháng 12/2017, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về đây đã thổi bùng ngọn lửa xung đột, hủy hoại tiến trình hòa bình và khoét sâu thêm những mâu thuẫn về tôn giáo, niềm tin giữa Israel và Palestine.
Mặc dù cho đến nay, giải pháp "hai nhà nước" với vấn đề Israel và Palestine được coi là tối ưu, nhưng các nước liên quan đều có các toan tính chính trị riêng, từ đó phần nào dẫn đến các giải pháp hòa bình cho vùng đất Trung Đông vốn đầy rẫy những bất ổn này vẫn chưa có hồi kết, thậm chí đang tiếp tục leo thang tới mức đỉnh điểm như hiện nay.
Thực tế suốt chiều dài lịch sử cho thấy, mâu thuẫn, giao tranh và xung đột giữa Israel và Palestine đã tồn tại hàng nghìn năm qua, trong đó tôn giáo luôn là nguyên nhân chủ đạo, là nút thắt trong xung đột tại vùng đất này qua các cuộc thập tự chinh.
Xung đột Israel - Palestine là một cuộc xung đột lâu dài và phức tạp nhất thế giới và bất chấp các tiến trình hòa bình cũng như các nỗ lực hòa giải chung, thỏa thuận hòa bình vẫn chưa thể đạt được, thậm chí xung đột đang leo thang đến đỉnh điểm, dẫn đến nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.
Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Israel - Palestine chưa bao giờ là điều dễ dàng và đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đòi hòi các nỗ lực của tất cả các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế vì một giải pháp hòa bình cho mảnh đất Trung Đông linh thiêng nhưng cũng ẩn chứa đầy bất ổn này.