1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc triệu tập giới doanh nhân hàng đầu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc gặp hiếm hoi giữa các quan chức cấp cao và các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc dường như cho thấy những bước đi mới của Bắc Kinh trong kỷ nguyên mới.

Cuộc triệu tập giới doanh nhân hàng đầu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự một hội nghị về khu vực tư nhân tại Bắc Kinh vào ngày 17/2 (Ảnh: CCTV Plus).

Hội nghị về khu vực kinh tế tư nhân được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 17/2 có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc. Đây là cuộc gặp hiếm hoi giữa các quan chức cấp cao và các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc.

Danh sách tham dự bao gồm một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc như Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba), Lei Jun (nhà sáng lập và CEO của Xiaomi), Pony Ma (nhà sáng lập và CEO của Tencent), Wang Chuanfu (nhà sáng lập và CEO của hãng sản xuất ô tô điện BYD) và Ren Zhengfei (nhà sáng lập và CEO của Huawei).

Những doanh nhân nổi bật khác cũng tham dự hội nghị gồm Zeng Yuqun (nhà sáng lập và chủ tịch của công ty sản xuất pin khổng lồ CATL), Leng Youbin (chủ tịch và CEO của nhà cung cấp sữa bột trẻ em Feihe), Wang Xingxing (nhà sáng lập công ty robot Unitree) và Yu Renrong (nhà sáng lập và chủ tịch của Will Semiconductor).

Theo hãng thông tấn Xinhua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và chất lượng cao của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

"Khu vực tư nhân đang có triển vọng rộng mở và tiềm năng to lớn trên hành trình mới trong kỷ nguyên mới. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát huy hết năng lực của mình", ông Tập phát biểu.

Đối phó thách thức

Cuộc triệu tập giới doanh nhân hàng đầu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình - 2

Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc (Ảnh: CCTV Plus).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế trước những thách thức trong nước và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Marina Zhang, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), hội nghị đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng "Bắc Kinh thừa nhận một khu vực tư nhân mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự ổn định kinh tế và vị thế dẫn đầu về công nghệ" của Trung Quốc.

Shaun Rein, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của China Market Research Group (CMR), mô tả hội nghị là một sự kiện "trọng đại" và có ý nghĩa "to lớn".

"Một số người gọi đây là "Chuyến công du phương Nam 2.0"", chuyên gia Rein cho biết, ám chỉ đến chuyến công du cùng tên vào năm 1992 đến miền Nam Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, chuyến công du đã hồi sinh các cải cách thị trường tại Trung Quốc.

"Điều quan trọng là đây là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn khu vực công nghệ tư nhân của Trung Quốc phát triển trở lại", chuyên gia nói thêm.

Các nhà phân tích lưu ý thời điểm diễn ra hội nghị, khi Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức trong và ngoài nước.

Ở trong nước, các vấn đề như tốc độ tăng trưởng chậm lại, chi tiêu tiêu dùng yếu và dân số già hóa đang đặt ra những thách thức lớn. Ở nước ngoài, viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ ngày càng lộ rõ hơn.

Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên chủ trì một hội nghị cấp cao về khu vực tư nhân vào cuối năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ bùng phát thành các đòn áp thuế trả đũa. Vào thời điểm đó, ông Tập đã cam kết cắt giảm thuế và tạo ra sân chơi bình đẳng, đồng thời tái khẳng định rằng các công ty tư nhân sẽ được tiếp cận hỗ trợ tài chính.

Chuyên gia Guo Shan tại Hutong Research cho biết việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân trở lại đóng vai trò rất quan trọng đối với động lực kinh tế của Trung Quốc.

"Hiện tại, trong cuộc chiến thương mại 2.0 này, điều rất quan trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc là phải gặp gỡ khu vực tư nhân và củng cố niềm tin của khu vực này vào nền kinh tế Trung Quốc", bà Guo cho biết.

Chuyên gia Marina Zhang cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang báo hiệu sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ với khu vực tư nhân bằng cách triệu tập hội nghị này và trực tiếp làm việc với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn.

Chuyên gia nói thêm rằng hội nghị này báo hiệu "trọng tâm kép" của chính phủ Trung Quốc, tập trung vào đổi mới công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như hoạt động kinh tế rộng hơn của khu vực tư nhân.

"Điều này phù hợp với chiến lược đang phát triển của Bắc Kinh là chuyển dịch sang công nghệ lõi, sản xuất tiên tiến và an ninh chuỗi cung ứng", bà Zhang nhấn mạnh.

Làn gió mới cho công nghệ?

Cuộc triệu tập giới doanh nhân hàng đầu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình - 3

Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, bao gồm nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma (Ảnh: CCTV Plus).

Các chuyên gia coi hội nghị lần này là bước ngoặt trong cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Sự xuất hiện của Jack Ma, nhà đồng sáng lập tập đoàn Alibaba, sau thời gian dài vắng bóng đã cho thấy cách tiếp cận mới của chính phủ Trung Quốc.

Tỷ phú công nghệ Jack Ma gần như biến mất khỏi công chúng từ cuối năm 2020 sau khi các công ty của tỷ phú này vào "tầm ngắm" của cơ quan quản lý Trung Quốc. Mặc dù vẫn có những báo cáo định kỳ về các hoạt động của Jack Ma, nhưng ông được cho là tránh xuất hiện tại các sự kiện và hội nghị chính thống.

"Tôi nghĩ rằng sự tham dự của Jack Ma trong hội nghị này đánh dấu một khởi đầu mới", chuyên gia Guo Shan nhận định.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc tuân thủ "các hoạt động trung thực và tuân thủ pháp luật", đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp "thiết lập các giá trị và đạo đức đúng đắn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế tư nhân bằng các hành động thiết thực".

Chuyên gia Zhang coi sự xuất hiện của Jack Ma là động thái của Bắc Kinh nhằm cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể "hợp tác với các công ty công nghệ lớn bất chấp những xung đột trong quá khứ".

Tương tự như hội nghị năm 2018, hội nghị tuần này có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc.

Theo chuyên gia Zhang, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo cấp cao có thể là một cách để khẳng định quyền kiểm soát của chính phủ đối với khu vực tư nhân.

"Điều này có thể củng cố thông điệp rằng, mặc dù khu vực tư nhân vẫn là trụ cột quan trọng trong tham vọng kinh tế của Trung Quốc, khu vực này phải phù hợp với các ưu tiên quốc gia, bao gồm sự tự lực về công nghệ then chốt và các ngành công nghiệp chiến lược", chuyên gia Zhang nói thêm.

Fred Hu, chủ tịch công ty đầu tư Primavera Capital, cho biết, hội nghị "rõ ràng là một sự điều chỉnh lớn" trong chính sách của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân.

"Khu vực tư nhân, từ lâu là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc và là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây do sự gia tăng bất ổn về chính sách và quy định, gây ra hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế Trung Quốc, và tệ hơn là cho thị trường lao động với tình trạng thất nghiệp ở thanh niên gia tăng", ông Hu cho biết.

Cạnh tranh với Mỹ

Tại hội nghị lần này, ông Tập Cận Bình đã khuyến khích lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân mở rộng hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang leo thang.

Ông Tập từ lâu đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần đạt được sự tự chủ về chất bán dẫn và muốn nước này sử dụng AI để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc đã bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip từ Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo có thể áp thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không ngăn chặn được nguồn thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl chảy vào Mỹ.

Chính quyền Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4/2 nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 15% thuế đối với than và khí đốt tự nhiên, 10% đối với xăng dầu, thiết bị nông nghiệp, phương tiện phát thải cao và xe bán tải.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc chính phủ Trung Quốc đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dường như cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đối trọng với Mỹ.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 15/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc mong muốn xây dựng quan hệ "ổn định, lành mạnh và bền vững" với Mỹ, nhưng sẵn sàng đáp trả cứng rắn mọi hành vi "bắt nạt".

Theo CNA, SCMP