1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sàng lọc nghiệt ngã của người Việt ở Nga

Cộng đồng người Việt tại Nga đang gặp nhiều biến động sau khi luật về chợ bán lẻ của Nga có hiệu lực từ ngày 11/4. Tại thủ đô Matxcơva, các chợ hàng vải vẫn hoạt động bình thường nhưng sau bề ngoài ấy là sự phân hóa và sàng lọc nghiệt ngã.

Chợ Vòm, các “ốp” Tôgi, Sông Hồng và tổ hợp thương mại Emeral, những điểm kinh doanh chính của người Việt tại Matxcơva, vẫn đang hoạt động bình thường. Các qui định mới về chợ bán lẻ và người lao động nhập cư chưa đụng đến các chợ hàng vải ở thủ đô. Tạm gác nỗi lo về các qui định mới siết chặt việc kinh doanh đối với người nước ngoài, bà con người Việt ở Matxcơva đang đối mặt với những khó khăn mới: hàng ế, thuế tăng và sự phân hóa ngày càng sâu sắc hơn.

 

Chị Hồng, quê Hà Nam, không giấu được vẻ chán nản khi nói về việc kinh doanh: “Hàng nào bán chạy thì không có để nhập. Hàng nhập được thì ế. Cố cầm cự một thời gian nữa xem sao. Móm quá bác ạ”. Chị chuyên kinh doanh mặt hàng “cút” (tức kurtka - áo khoác) ở chợ Vòm. Tháng 4 và đầu tháng 5 đang còn là thời vụ của mặt hàng này. Nửa đầu tháng 5 đến đầu tháng 9 trời nóng hoặc ấm áp là mùa của áo phông và sơmi. Mọi năm đây là một trong hai vụ “gặt hái” của chị. Nhưng năm nay thì không.

 

Vì sao không có hàng? Anh Bình, quê Thanh Hóa, nhân viên một công ty đảm nhận khâu chuyên chở hàng hóa cho người Việt ở Matxcơva, cho biết hơn một tháng nay hàng Trung Quốc bị tắc ở hải quan. Nga tăng thuế quan, và ngay lập tức các công ty của Trung Quốc “đình công”, tạm thời không xuất hàng sang để gây sức ép. Chị Hồng, và cả nghìn người Việt như chị, không có hàng để bán. Nhưng đây lại chẳng phải là dịp may với các xưởng may của người Việt ở Nga và hàng từ Việt Nam đánh sang, vì theo các chủ sạp hàng công nghiệp nhẹ của Việt Nam chưa thể sánh với hàng Trung Quốc cả về mẫu mã lẫn giá cả.

 

Trong khi đó cũng có những chủ sạp có ý kiến khác. Anh Hải, quê Phú Thọ, nói rằng chưa xảy ra những biến động đáng kể đối với anh trong tháng 4. Hiện tại tình trạng kinh doanh của anh vẫn “bình bình” như ở thời điểm này của năm ngoái. Còn anh Toàn, quê Hòa Bình, vui vẻ khoe: “Hàng của tôi “tít” (chạy) hơn trước. Anh không tin thì ra dãy “Palát đỏ” mà xem, không có quầy hàng nào bỏ trống. Ở các dãy bên cạnh những quầy trống từ đầu năm nay đã có chủ mới”.

 

Chị Nga, người Hà Nội, chủ một cơ sở dịch vụ du lịch ở chợ Vòm, cho biết sự phân hóa trong cộng đồng người Việt ở Nga đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Có một bộ phận trụ lại được, thích ứng với hoàn cảnh mới; phần đông gặp khó khăn, không ít người bị thải loại. Đã qua rồi thời cơ hội dành cho tất cả mọi người.

 

Dự báo cho ngày mai

 

Nguyễn Thị Hoa, 20 tuổi, cho biết khi đứng ở sân bay Sheremetevo - 2: “Em về hẳn, thuộc diện bị trục xuất. Sang Nga gần một năm, em đã chuyển việc biết bao lần mà vẫn không xong”. Cô gái quê lụa Hà Tây này là một trong 200 hành khách làm “visa một chiều” trong chuyến bay hôm ấy của hãng Aeroflot.

 

Chị Nga nói rằng từ đầu tháng tư đến nay chuyến bay Matxcơva - Hà Nội nào cũng “chật ních” những cô gái trẻ. Họ mới sang Nga để tìm một nguồn thu nhập hấp dẫn, nhưng thực tế không đúng như mong đợi. Họ rời quê hương đi làm ăn mà không trang bị một chút ngoại ngữ, kiến thức xã hội, khả năng kinh doanh, thiếu cả tinh thần vượt khó nên sớm phải trở về.

 

Chị Nga bức xúc: “Một loạt xưởng may của người Việt mọc ra mà không qua những thủ tục cần thiết, không có những hiểu biết cần thiết. Các ông chủ nhỏ đánh cược với thương trường và đánh cược luôn cả số phận của công nhân. Về phần mình, các cô thợ may cũng không giỏi đường kim mũi chỉ".

 

Chị nói hiện nay lao đao nhất là thợ may của các xưởng may bất hợp pháp. Các cơ sở này tan vỡ khiến công nhân bơ vơ, không giấy tờ, không việc làm. Tiếp đến, những người kinh doanh nhỏ ít vốn và ít các mối quan hệ xã hội cũng không trụ lại được. Khó khăn nữa là những người bán hàng thuê không thạo việc và kém sức khỏe.

 

Tại “ốp” Tôgi, chị Lan, quê Nam Định, cho biết: “Tôi vì có con gái đang học ở đây nên mới cố ở lại chứ làm ăn vất vả mà lãi không đáng kể. Ngày hôm nay bán hàng không đủ nộp thuế. Khách thưa thớt mà tháng này tiền quầy lại tăng lên 11 vé (tức 1.100 USD)”. Chị Lan thuộc số người đang cân nhắc giữa ở và về. Chi phí cho sinh hoạt và kinh doanh ở Matxcơva rất cao nên chỉ cần vài tháng buôn bán ế ẩm là nhiều người cụt vốn trong khi phương thức nhập hàng trước, thanh toán sau không còn được chấp nhận nữa. Anh Hà, quê Bắc Ninh, kinh doanh ở “chợ 2000” trong quần thể chợ Vòm, nói: “Để duy trì nếp sinh hoạt và kinh doanh bình thường, gia đình tôi mỗi tháng chi không dưới 100 triệu đồng. Mỗi sáng tỉnh dậy, tôi thấy như bị mất cắp”.

 

Thử thách lớn còn ở phía trước. Anh Chiến, một doanh nhân người Việt, dự đoán từ nay đến cuối năm cộng đồng Việt ở Nga mới có sự biến động thật sự, số người về nước có thể lên đến 40%. Thị trường ngày càng đòi hỏi cao, các khu chợ tạm biến mất để nhường chỗ cho hệ thống siêu thị và đại siêu thị.

 

Theo Tuổi Trẻ