1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine: Thoả thuận mong manh

Chỉ trong một tuần vừa qua, giữa nga và ukraine cùng các bên liên quan đã đạt được một số thỏa thuận tích cực. Tuy nhiên, không ai dám chắc các thỏa thuận này sẽ được duy trì trong bao lâu.

Cuộc khủng hoảng Ukraine: Thoả thuận mong manh

Lãnh đạo hai tập đoàn dầu mỏ Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine ký thỏa thuận vào ngày 30/10/2014

Những tín hiệu lành
 
Trong bối cảnh Ukraine sắp đến hạn trả trước tiền mua khí đốt cho Nga theo hợp đồng, nếu Kiev không thanh toán đúng hạn, Moscow sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang Ukraine, gây ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt sang châu Âu; ngày 3/3, một thoả thuận cung cấp khí đốt tới cuối tháng Ba nhằm bảo đảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu giữa Nga và Ukraine được ký kết đã phần nào làm dịu đi căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia này.
 
Thoả thuận không chỉ “đáp ứng nhu cầu về khí đốt tại Ukraine” theo như lời Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Maros Sefcovic khẳng định mà nó còn giúp EU thở phào nhẹ nhõm khi tránh khỏi kịch bản đã từng xảy ra năm 2009 khiến một bộ phận người dân châu Âu không có khí đốt sưởi ấm ngay giữa tiết trời lạnh giá.
 
Liên quan việc thực hiện thỏa thuận Minsk, khoảng hai tuần sau khi thoả thuận Minsk II bao gồm 13 điểm chính thức có hiệu lực, những xung đột tại miền đông Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu mà nguy cơ xung đột vũ trang tại Mariupol lại bùng phát.
 
Nhưng cho tới những ngày đầu tháng Ba đã có sự chuyển biến khi lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy gồm nguyên thủ các nước Nga, Đức, Pháp, Ukraine đã có cuộc điện đàm hoan nghênh tiến bộ đạt được trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và quá trình rút vũ khí hạng nặng ở miền đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
 
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc trao đổi tù binh giữa hai bên xung đột ở Ukraine và bảo đảm cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng Donbass. Nhóm Bộ tứ sẽ tổ chức cuộc tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao vào ngày 6/3 để thảo luận vấn đề phái bộ hòa bình tại Ukraine.

Những dấu hiệu tích cực trong việc ký kết thoả thuận khí đốt và triển khai thoả thuận Minsk II nêu trên cho thấy nỗ lực của các nhà lãnh đạo nhằm đem lại sự ổn định cho miền Đông Ukraine dù cho những gì đạt được đều chỉ là bước đầu còn rất mong manh.

Thoả thuận Minsk vẫn là chìa khoá

Trong các cuộc xung đột đẫm máu đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, các bên liên quan dường như khó có thể đặt niềm tin vào đối phương và dễ dàng bị kích động. Các thoả thuận ngừng bắn bất cứ lúc nào cũng có thể bị vi phạm thậm chí bị phá bỏ nếu một trong các bên có động thái tỏ ra không thiện chí.
 
Tuy nhiên, các lệnh ngừng bắn lại luôn là bước khởi đầu cần thiết để tiến tới thiết lập một nền hoà bình lâu dài hơn, là chiếc chìa khoá cho bất cứ cuộc giao tranh đẫm máu nào. Trong trường hợp của Ukraine hiện nay, chiếc chìa khoá ấy chính là thoả thuận Minsk II.
 
“Nếu thỏa thuận Minsk được triển khai, tôi chắc rằng tình hình sẽ dần trở lại bình thường. Không ai cần xung đột, đặc biệt là xung đột vũ trang”, lời nhận định của Tổng thống Putin trong cuộc phỏng vấn trên kênh Russia-1.

Thoả thuận Minsk II kể từ khi có hiệu lực từ ngày 15/2 đã nhen nhóm những dấu hiệu tích cực. Nhưng chiếc chìa khoá này có thể mở ra một cánh cửa mới cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của hai bên như thế nào về những lợi ích mà thoả thuận này mang lại dẫn tới những thái độ và động thái hợp tác nhiều hơn.

Trước hết, các điều khoản của Minsk II có nhiều điểm có lợi cho Nga. Quân đội Nga mạnh hơn nhiều so với của Ukraine, còn phương Tây thì không sẵn sàng dùng quân sự để giúp Ukraine thay đổi cán cân đó.
 
Không có gì ngạc nhiên khi Minsk II không nhằm trực tiếp vào việc phục hồi toàn vẹn lãnh thổ Ukraine mà yêu cầu đưa biên giới trở về tay chính phủ Kiev với điều kiện Kiev phải tiến hành những cải cách Hiến pháp. Ukraine phải lựa chọn chấp nhận hoặc lãnh thổ ly khai kiểm soát sẽ ngày càng bị nới rộng hoặc chấp nhận một Hiến pháp mới mà theo đó Nga sẽ vẫn có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với tương lai của Kiev.
 
Dù thế nào đi nữa, Nga vẫn cứ đạt được mục tiêu đưa Ukraine quay trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình.
 
Nhưng mặt khác, thoả thuận này cũng đem lại nhiều cái lợi cho Ukraine hơn là tiếp tục giao tranh. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng khiến cho Nga gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là nền kinh tế Nga đang bị tổn thất nặng nề do giá dầu giảm.
 
Nếu thoả thuận Minsk II có hiệu quả, Ukraine có thể tái tập trung năng lượng vào việc giải quyết những thách thức lớn nhất trong nước, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các tổ chức nhà nước phù hợp. Ukraine chỉ có thể đối đầu với Nga khi thực lực của quốc gia này được củng cố hơn.

Ít nhất thì sự “có lợi cho các bên” mà thỏa thuận Minsk mang lại vẫn đang là niềm hy vọng đem tới sự ổn định cho miền Đông Ukraine. Tất nhiên, để duy trì nó đòi hỏi nhiều kiềm chế, kiên nhẫn và nỗ lực hơn nữa từ các bên liên quan.

Theo Vũ Anh
Thế giới và Việt Nam