1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc gặp 3 bên Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc: Đi tìm cột mốc mới?

Ngoại trưởng 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc gặp đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây hôm 21-3, trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ đóng băng và cứu vãn một hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa các nhà lãnh đạo các nước này.

Cuộc gặp 3 bên Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc: Đi tìm cột mốc mới?
Ngoại trưởng các nước Trung, Nhật, Hàn có cuộc họp đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây (Nguồn: EPA)

Trong cuộc họp bàn tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ gia nhập thể chế tài chính mới mà Trung Quốc đang đẩy mạnh thu hút các nước, dự án Ngân hàng Đầu tư phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói rằng Seoul đang tiếp tục cân nhắc các lựa chọn. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn chưa có ý định thực sự trong việc gia nhập thể chế tài chính này, theo ông Vương.

"Đây là một ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á, và Nhật Bản là một phần quan trọng của châu Á. Chúng tôi có thể cùng nhau hợp tác”- ông Vương phát biểu trước báo giới.

Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, bấy lâu nay không mấy mặn mà với dự án ngân hàng có số vốn đầu tư lên đến 50 tỉ USD này. Phía Nhật Bản cũng cho biết họ đang cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề có gia nhập AIIB hay không.

Vấn đề này hiện đang làm chính quyền Washington đau đầu bởi lo ngại trước tầm ảnh hưởng ngoại giao đang dần lớn mạnh của Trung Quốc. Mỹ từng nhiều lần đặt nghi vấn về tiêu chuẩn của AIIB, nói rằng nó không thể đem ra so sánh được với Ngân hàng Thế giới (WB), thể chế tài chính mà Mỹ có tầm ảnh hưởng tuyệt đối.

Sau cuộc họp hai bên giữa ông Yun và ông Vương, và giữa ông Yun với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các bên cũng đã đi đến một thỏa thuận trong việc hợp tác nhằm "ngăn chặn khả năng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”.

Trong cuộc họp lần này, ông Vương không đề cập tới khả năng Mỹ sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ trên không của mình, hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD), trong khu vực mà cụ thể là ở Hàn Quốc, nhằm đối phó với khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề hóc búa giữa hai bên bởi Bắc Kinh luôn coi đó là một mối đe dọa an ninh của quốc gia.

Trước đó, Hàn Quốc và Mỹ từng tuyên bố rằng họ vẫn chưa quyết định có lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc hay không, dù Washington từng đề cập tới sự cấp thiết của việc này để hối thúc chính quyền Seoul.

Cuộc đối thoại 3 bên lần này được xem như một cột mốc mới nhằm nối lại một hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa các nhà lãnh đạo 3 nước nói trên nhằm thảo luận về triển vọng hợp tác. Ngoại trưởng của 3 nước gặp nhau lần cuối vào tháng 4-2012 trong cuộc họp thường niên 3 bên lần thứ 6. Cuộc họp này đã bị hủy vào năm 2013 khi Trung Quốc và Hàn Quốc giận dữ với việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền tưởng niệm chiến tranh Yasukuni.

Hiện nay mối quan hệ Trung-Nhật vẫn còn rất lạnh nhạt dù cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái. Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đến giờ vẫn chưa có cuộc gặp song phương nào với ông Abe.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn giữa 2 nước, chúng ta vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ, tăng cường hợp tác” - ông Kishida nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc.

Mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Nhật và Hàn cũng là mối lo ngại của Mỹ, bởi cả hai đều là đồng minh quân sự của Mỹ ở châu Á. Tuy còn nhiều khác biệt, nhưng mâu thuẫn 3 năm trước đã dịu lại, cuộc họp là 1 bước thăm dò để trở lại đối thoại chính thức. Cuộc gặp này được hy vọng là sẽ thúc đẩy việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 3 bên vào cuối năm nay.

Theo Khánh Duy
Đại đoàn kết