1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua vũ khí mồi nhử trên chiến trường Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Ukraine và Nga đều triển khai vũ khí mồi nhử trên chiến trường với hy vọng "thu hút" hỏa lực, gây lãng phí đạn pháo, thậm chí làm lộ vị trí của đối phương.

Cuộc đua vũ khí mồi nhử trên chiến trường Ukraine - 1

Mô hình bơm hơi của pháo phản lực M270 của quân đội Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Một chuyên gia chiến tranh nói với Business Insider rằng một "cuộc chạy đua vũ trang mồi nhử" đang diễn ra, khi công nghệ thúc đẩy cả Nga và Ukraine nỗ lực chế tạo hàng giả trông giống thật nhất có thể để đánh lừa đối phương.

"Với lịch sử lâu dài của xe tăng và vũ khí giả trong chiến tranh, việc Ukraine có một cuộc chạy đua vũ trang mồi nhử khi xung đột đang diễn ra là điều hiển nhiên", George Barros, trưởng nhóm tình báo không gian địa lý và là nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nhận định.

Tháng trước, một đoạn video được quay bằng máy bay không người lái xuất hiện trên mạng, ghi lại cảnh xe tăng T-72 bơm hơi của Nga trên một cánh đồng.

Trước khi lan truyền trên mạng xã hội, video lần đầu tiên được đăng trên Telegram bởi một nhóm được xác định là thành viên Lữ đoàn cơ giới số 116 của Ukraine. Nhóm này cảnh báo các lực lượng Ukraine nên "cẩn trọng" để "không tiêu tốn đạn dược" vào việc bắn mồi nhử một cách không cần thiết.

UAV Ukraine phát hiện xe tăng bơm hơi của Nga

Mục đích của vũ khí mồi nhử là gây nhầm lẫn và đánh lừa đối phương, khiến chúng trở thành mục tiêu bị tiêu diệt. Điều này làm hao mòn kho vũ khí, làm bốc hơi đạn dược hoặc lãng phí máy bay không người lái tấn công trong một cuộc chiến vốn đang gây cạn kiệt nguồn lực và buộc các đồng minh phải nỗ lực gấp đôi để đáp ứng nhu cầu của bên tham chiến.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine không phải là lực lượng duy nhất bị đánh lừa bởi vũ khí mồi nhử Nga, mà chính Kiev cũng tìm cách qua mặt lực lượng của Moscow bằng các mục tiêu giả.

Cuối năm ngoái, Ukraine bắt đầu đặt Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) giả làm bằng gỗ trên chiến trường nhằm thu hút hỏa lực của Nga. Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với Washington Post rằng, Nga đã lãng phí tên lửa hành trình Kalibr khi phóng loại vũ khí có giá trị này để phá hủy các hệ thống pháo do Mỹ cấp cho Ukraine. Các tấm phản xạ radar mồi nhử của Ukraine được làm từ các thùng dầu cắt nhỏ cũng đã thu hút hỏa lực của Nga.

Ngoài xe tăng T-72 bơm hơi được thấy trong video, Nga còn làm các xe tăng giả khác để lừa Ukraine lãng phí đạn dược và có khả năng làm lộ vị thế của họ. Đó là một phần của chiến thuật được gọi là Maskirovka, hay che đậy.

Đầu năm nay, Ukraine cho biết đã nhìn thấy xe tăng bơm hơi của Nga được triển khai gần Zaporizhzhia, nhưng họ lưu ý rằng một số chiếc dường như bị xì hơi. Các lực lượng Nga cũng đã phát triển các máy bay chiến đấu MiG-31 giả, hệ thống tên lửa S-300 mồi nhử và thậm chí cả các trạm radar giả. Đó là điều Nga đã làm từ lâu, thậm chí trước cuộc chiến ở Ukraine.

Chiến thuật này không phải là mới. Việc sử dụng vũ khí mồi nhử đã có từ hàng nghìn năm trước trong nhiều cuộc xung đột. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đang khiến việc triển khai hàng giả trở nên khó khăn hơn.

Công nghệ hiện đại - chẳng hạn máy bay không người lái trinh sát với hình ảnh hồng ngoại và nhiệt - có nghĩa là một bên có thể dễ dàng hơn trong việc xác định được mồi nhử kém chất lượng của đối phương.

Một xe tăng giả ở ngoài trời mà không có dấu hiệu nhiệt hay việc thiếu vết xe tăng trên đất là điều bất thường, hoặc một hệ thống pháo lộ thiên giữa cánh đồng, thay vì ở vị trí bắn được bảo vệ thông thường cũng dễ bị phát hiện.

Cả Ukraine và Nga đều đã chứng tỏ khả năng trong việc chế tạo các hệ thống vũ khí giả, nhưng khi họ ngày càng nhận ra hình nộm của đối phương tốt hơn, thách thức mới là phải tạo ra các mồi nhử thông minh hơn, tinh vi hơn và giống vũ khí thật hơn. Cả Nga và Ukraine đều nỗ lực để đạt được mục tiêu này.

Trong video về những chiếc T-72 giả, có vẻ như hai trong số các xe tăng bơm hơi được đặt gần bụi cây và được bọc trong vật liệu ngụy trang. Điều này cho thấy mức độ chuẩn bị cao hơn để làm cho mồi nhử trông giống thật hơn.

Với việc sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái và công nghệ cảm biến, Ukraine và Nga đều cần phải "thông minh" hơn trong cách triển khai các mồi nhử, đồng thời theo dõi đối phương kỹ lưỡng hơn.

Theo Business Insider