1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc đua “ngầm” ở châu Âu giữa Nga và Mỹ

Thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp điều máy bay chiến đấu tới châu Âu với lý do “tăng cường sức mạnh chiến đấu cho không quân và hỗ trợ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực”.

Động thái trên chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Nga và Mỹ bấy lâu nay, buộc Mátxcơva có biện pháp đề phòng và đáp trả khi cần thiết...

Động thái mới của Mỹ

Ngày 14-9, Tướng Frank Gorenc thuộc Không quân Mỹ cho biết, Mỹ quyết định triển khai thêm 12 máy bay cường kích A -10 Thunderbolt II đến châu Âu như một phần của chiến dịch “Quyết tâm Đại Tây Dương”.

Những chiếc A -10 Thunderbolt II này sẽ tham gia tập trận với các đồng minh NATO và đối tác châu Âu nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và chứng minh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ ổn định và an ninh châu Âu. Theo Tướng Gorenc, hoạt động hỗ trợ trên nhằm chống lại cái mà họ gọi là "sự gia tăng hoạt động quân sự" của Nga trong khu vực. Việc điều động này do Phi đội 23 tại căn cứ không quân Moody ở bang Georgia đảm nhiệm.

Cuộc đua “ngầm” ở châu Âu giữa Nga và Mỹ - 1

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của Mỹ được triển khai đến châu Âu. (Ảnh: Politrussia.com)

A-10 Thunderbolt II là loại máy bay tấn công mặt đất và chi viện của Mỹ. Máy bay này có một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, do hãng Fairchild-Republic sản xuất. Nó hỗ trợ cho lực lượng bộ binh bằng cách tấn công xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu mặt đất khác, cũng như được sử dụng để tấn công, ngăn chặn tiếp viện của đối phương.

Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Không quân Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không. A-10 Thunderbolt II có chuyến bay đầu tiên vào năm 1972 và chính thức biên chế vào Không quân Mỹ năm 1977. Hiện Mỹ đang có tổng cộng 715 chiếc A-10 Thunderbolt II.

Quyết định triển khai phi đội A-10 được Không quân Mỹ thực hiện ngay sau khi 4 chiếc F-22 Raptor được điều động đến châu Âu để tham gia các hoạt động huấn luyện chung với các đối tác quân sự châu Âu và các đồng minh NATO hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Không quân Mỹ Debrorah James, việc triển khai máy bay F-22 lần đầu tiên này tại châu Âu là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Âu trong bối cảnh “có nhiều lo ngại về các hành động của Nga ở Ukraina”.

Không chỉ điều máy bay chiến đấu, Lầu Năm Góc còn dự định triển khai các vũ khí hạng nặng tới quốc gia Đông Âu này vào giữa năm 2016. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak tiết lộ, Ba Lan và Mỹ đã xác định được hai địa điểm để triển khai các loại vũ khí hạng nặng trên, đó là ở phía Tây và Đông Bắc Ba Lan. Các điều khoản liên quan sẽ được hoàn tất trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ) vào đầu tháng 10 tới.

Như vậy, kể từ thời Chiến tranh lạnh, đây sẽ là lần đầu tiên các vũ khí hạng nặng được triển khai tới các quốc gia thành viên NATO ở hai khu vực sát biên giới Nga này.

“Gấu” Nga sẵn sàng đáp trả

Việc Mỹ gia tăng điều động máy bay chiến đấu tới châu Âu chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Nga và Mỹ bấy lâu nay. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc Mỹ dự định triển khai các vũ khí hạng nặng ở Đông Âu là hành động khiêu khích, một động thái làm gia tăng sự đối đầu giữa hai bên.

“Hành động của Mỹ sẽ dẫn đến việc phá vỡ hoàn toàn điều khoản chính yếu của Hiệp ước cơ sở Nga-NATO ký năm 1997, theo đó, khối này cam kết không bố trí thường xuyên các lực lượng lớn trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Chuyên viên Vladimir Batyuk từ Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự của Nga nhận định, Mátxcơva có thói quen phản ứng, đáp trả bất kỳ hành động tương tự khác từ phía Washington và các đồng minh, nên việc triển khai các máy bay chiến đấu F-22 và A-10 chắc chắn sẽ kích thích nước này đưa ra những phản ứng khó lường.

Theo chuyên viên Batyuk, động thái khó lường đầu tiên là Nga có thể đẩy nhanh quá trình chế tạo và chuyển giao cho không quân các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi PAK FA T-50.

Thứ hai, Nga có thể tăng cường các máy bay ném bom tuần tra tầm xa, có mang theo vũ khí để nâng cao khả năng răn đe. Nga còn có thể tăng cường tiềm lực hạt nhân trên lãnh thổ nước mình bằng việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, có thể mang theo các vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Crưm, nhằm thẳng vào các căn cứ NATO xung quanh Nga.

Điều đặc biệt khiến Mỹ và NATO lo ngại lại chính là động thái Mátxcơva quyết định triển khai hệ thống phòng thủ Pantsir-S1 và tổ hợp tên lửa tầm cao S-400 tại sườn Tây nước Nga. S-400 là một hệ thống vũ khí phòng không thế hệ tiếp theo của Nga, được thiết kế để có thể sử dụng được 3 loại tên lửa khác nhau, có thể tiêu diệt được các mục tiêu trên không từ phạm vi ngắn đến rất xa.

Tuy nhiên, tất cả điều đó mới chỉ dừng lại ở những khả năng Nga có thể thực hiện trong tương lai. Trước mắt, Nga đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự quy mô lớn với các kho đạn dược và doanh trại cho hàng nghìn binh sĩ ở khu vực gần biên giới Ukraina.

Theo các văn bản được công bố trên trang web của Chính phủ Nga zakupki.gov.ru, Bộ Quốc phòng nước này đang xây dựng một căn cứ quân sự trên khu vực rộng 300ha gần Va-luy-ki, một thị trấn nhỏ giáp biên giới với Ukraina. Bộ này dự kiến xây dựng 9 doanh trại cho 3.500 binh sĩ, nhà kho chứa rốc-két, pháo và các loại đạn dược khác trong khu vực rộng 6.000m2, một thao trường cỡ lớn và một bệnh xá với 50 giường bệnh.

Dự án này cho thấy, Điện Kremlin đã sẵn sàng cho tình trạng đối đầu lâu dài với Ki-ép cũng như đáp trả sự áp sát biên giới Nga ngày càng gần của NATO và Mỹ.

Theo Bình Nguyên

Quân đội Nhân dân

Cuộc đua “ngầm” ở châu Âu giữa Nga và Mỹ - 2