1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc đua không giới hạn

Tối 6/1, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo, đã phát hiện thêm một mỏ dầu khí tại giếng Lăng Thủy 25/1 ở Biển Đông.

CNOOC cho biết, trữ lượng dầu khí tại đây thuộc cỡ trung bình, ở độ sâu 980m, có thể sản xuất trên 35 triệu foot khối/ngày. CNOOC cho rằng, việc phát hiện mỏ dầu khí này hôm 6/1 càng chứng tỏ tiềm năng khai thác đầy hứa hẹn của Trung Quốc ở các vùng biển sâu. Theo Hãng Nghiên cứu HIS, Trung Quốc hiện có 16 giàn khoan ở Biển Đông và 4 trong số đó là giàn khoan nửa chìm nửa nổi.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D được cho là sát thủ tàu sân bay

Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D được cho là "sát thủ tàu sân bay"

Cũng trong ngày 6/1, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh đã thành lập đồng thời 4 “Ban Vũ trang Nhân dân”, trong đó có “Ban Vũ trang Nhân dân” đảo/thị trấn Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “Ban Vũ trang Nhân dân” Thất Liên (7 hòn đảo gần nhau, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Ban Vũ trang Nhân dân” quần đảo Vĩnh Lạc (thực tế là nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đây được coi là biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động vũ trang tại cơ sở, nhằm hoàn thiện nhu cầu của hệ thống chính quyền ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Và đây là bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cùng ngày 6/1, trang mạng Jane’s Defense Weekly cho rằng, 2014 là năm hải quân Trung Quốc ngày càng hướng theo “trạng thái bình thường” bởi đã đóng vai trò tương tự như hải quân các nước lớn khác. Việc Hải quân Trung Quốc cùng Hải quân Mỹ tham gia cuộc diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương - 2014” được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm 2014.

Ngày 6/1, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã gửi kiến nghị (trong báo cáo Chuyển hướng 2.0) lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ, theo đó cơ chế tránh xung đột phải là nhiệm vụ quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Trung và Mỹ cần thúc đẩy Trung Quốc hợp tác, giảm các hành vi gây căng thẳng, khiêu khích, giảm các hành vi gây bất ổn, ức hiếp trong khu vực. Và nếu Trung Quốc có hành vi không tốt, Mỹ cần tăng cường hành động và hoạt động ở vùng biển xung quanh Trung Quốc. Ngày 6/1, Tạp chí Lợi ích quốc gia của Mỹ đăng bài của học giả Peter Mattis thuộc Quỹ Jamestown cho rằng, Trung Quốc có thể đã triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-21D tại địa bàn do Quân khu Quảng Châu phụ trách. Và Hải quân Mỹ đã nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng từ tên lửa DF-21D.

Ngày 5/1, tờ Times of India (Ấn Độ) nhận định, “cơn khát” tài nguyên của Bắc Kinh tiếp tục được thúc đẩy thông qua việc điều tàu ngầm Giao Long tìm kiếm kim loại quý tại Ấn Độ Dương (kéo dài 120 ngày để thu thập các mẫu khoáng sản có chứa đồng, kẽm, vàng, bạc...). Theo giới chuyên môn, khoảng 80-90% thiết bị khảo sát địa chất có trên thị trường quốc tế không được phép bán cho Trung Quốc. Bởi người ta lo sợ Trung Quốc sẽ áp dụng kỹ thuật này vào lĩnh vực quân sự.

Cũng trong ngày 5/1, tờ Mainichi Shimbun đăng bài “Nhật - Australia cùng sản xuất tàu ngầm” và 2 nước có khả năng đạt được thỏa thuận chính thức về vấn đề này trong năm 2015. Theo đó, Australia sẽ nhập khẩu 12 tàu ngầm kiểu mới (tàu ngầm lớp Soryu mới nhất của Nhật Bản) và chuẩn bị lắp hệ thống chiến đấu của Mỹ trên tàu ngầm mới, để hình thành cục diện Nhật - Mỹ - Australia cùng đối kháng với Trung Quốc.

Theo nhận định của Tiến sĩ David Oualaalou thuộc Đại học McLennan Community (Mỹ), Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường phát triển công nghệ quân sự trong năm 2015 và những năm tiếp theo - Trung Quốc sẽ sử dụng thế mạnh kinh tế để mở rộng sức mạnh quân sự nhằm tạo cân bằng quyền lực với Mỹ trên thế giới. Dự kiến, Hải quân Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong năm 2020. Còn theo Yale Global, Mỹ đã gợi ý chuyển thương vụ tàu Mistral giữa Pháp với Nga cho đối tác mới là Nhật Bản bởi việc này phù hợp với triết lý quân sự của Tokyo hiện nay. Và nếu Nhật Bản sử dụng tàu Mistral trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo sẽ khiến Trung Quốc sốt vó.

Theo giới truyền thông, tuyên bố hôm 7/1 của giới chức quốc phòng Mỹ đang khiến dư luận coi đó là sự giải thích về khả năng duy trì vị thế quân sự số 1 thế giới khi cho biết, đến năm 2024 số lượng tàu sân bay của Mỹ sẽ tăng lên đáng kể - dự kiến 23 chiếc. Hải quân Mỹ hiện có 19 tàu sân bay và các tàu sân bay mới đều có đặc điểm chung là lớn hơn và được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng hơn thế hệ trước. Đến năm 2024, hai tàu sân bay hiện đại lớp Ford sẽ gia nhập cùng 10 siêu tàu sân bay Nimitz với sức chứa hơn 60 máy bay chiến đấu các loại trên boong, trong đó có hơn 40 máy bay F/A-18. Dự kiến, ba tàu sân bay lớp America có khả năng chở máy bay chiến đấu đa năng tàng hình F-35 cũng sẽ được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian này, thay cho tàu sân bay Tarawa.
 
Ngày 10/1, tờ Economist cho biết, sau nhiều thập niên ẩn sâu trong lục địa, Trung Quốc bắt đầu di chuyển các bệ phóng tàu vũ trụ ra sát biển. Và bệ phóng thứ 4 (hiện đại nhất) của Trung Quốc đã gần hoàn thành tại thị trấn Văn Xương, Hải Nam. Cũng trong ngày 10/1, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc (thông tin này được đăng lại trên Đài TNHK) thừa nhận: Trong cuộc đụng độ với một tàu cá vũ trang của nước ngoài ở khu vực Biển Đông hồi năm 2006, binh sĩ Trung Quốc đã nổ súng bắn cảnh cáo. Trong khi đó, tờ Giải phóng quân (Trung Quốc) thừa nhận, một phi công mới thiệt mạng trong cuộc tập trận trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc chính thức thừa nhận vấn đề nhạy cảm này. Trước đó, trang 81.cn cũng đăng thông tin tương tự.
 
Theo Tuấn Quỳnh
PetroTimes