1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đua "chiêu dụ" người giàu nước ngoài của Thái Lan

Thanh Thành

(Dân trí) - Để tạo một cú hích cho nền kinh tế, chính phủ Thái Lan đang tìm cách thu hút 1 triệu "công dân mới giàu có toàn cầu" đến định cư trong 5 năm tới.

Bãi biển Thái Lan_Xinhua

Thành phố Pattaya của Thái Lan (Ảnh minh họa: Xinhua).

Kế hoạch trên, được nội các Thái Lan thông qua hồi tháng 9, đặt mục tiêu thu hút 1 triệu "công dân mới giàu có" trong vòng 5 năm bằng cách cấp cho họ thị thực cư trú dài hạn đặc biệt, miễn là họ đáp ứng ngưỡng đầu tư hoặc mua trái phiếu tối thiểu. 

Các công dân giàu có trên toàn cầu có thể đủ điều kiện để được cấp thị thực đặc biệt khi đầu tư hoặc mua trái phiếu trị giá 500.000 USD của Thái Lan. Họ phải duy trì mức lương hàng năm hoặc lương hưu là 80.000 USD trong 2 năm trước đó và có khối tài sản trị giá tối thiểu 1 triệu USD.

Người hưởng lương hưu có các yêu cầu về mua trái phiếu và đầu tư giống nhau, mặc dù mức tối thiểu là 250.0000 USD, cùng với mức lương hưu hàng năm là 40.000 USD. Nếu không mua trái phiếu hoặc đầu tư vào Thái Lan, lương hưu của họ ít nhất phải là 80.000 USD.

Người nước ngoài có tay nghề cao và làm việc ở nước ngoài phải kiếm được 40.000 USD/năm nếu họ có bằng tốt nghiệp, bằng sở hữu trí tuệ hoặc đã làm việc ít nhất 5 năm hoặc nếu không phải có mức lương 80.000 USD/năm.

Chính phủ Thái Lan hy vọng nhóm người nhập cư này gồm: công dân toàn cầu giàu có, người hưu trí từ nước ngoài, những người muốn làm việc ở Thái Lan và các chuyên gia có tay nghề cao (thậm chí bao gồm cả những người muốn làm việc từ nước ngoài) sẽ tạo ra dòng tiền 1.000 tỷ baht (29,5 tỷ USD) vào năm 2026, giúp nền kinh tế nước này phục hồi, trong bối cảnh GDP sụt giảm hơn 6% do đại dịch Covid-19 tác động nặng nề ngành du lịch hái ra tiền.

Hôm 11/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết du khách đã tiêm vắc xin từ các quốc gia có nguy cơ thấp bao gồm Trung Quốc, Singapore, Mỹ và Anh có thể vào Thái Lan mà không cần cách ly, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng như quý trước.

Chương trình mới của Thái Lan được đem ra so sánh với kế hoạch "The Elite" trước đây của Thái Lan, được triển khai vào năm 2003, và các chiến dịch tương tự của các quốc gia lân cận như "Ngôi nhà thứ hai" của Malaysia (triển khai năm 2002 cho phép nhà đầu tư nước ngoài có visa cư trú lên đến 10 năm) hay "Tech.Pass" (kế hoạch thị thực để thu hút người nước ngoài trong ngành công nghệ) hoặc "Nhà đầu tư toàn cầu" (chương trình dành cho các doanh nghiệp có giá trị ròng cao) của Singapore.

Hy vọng xen lẫn lo ngại

Trong khi các chi tiết cuối cùng của kế hoạch trên đang được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng, đã có những lo lắng xen lẫn hy vọng về chương trình này. Một số nhà phân tích lo ngại kế hoạch này khó có thể cạnh tranh với các sáng kiến tương tự của Malaysia và Singapore.

Một số người cho rằng các điều khoản kéo dài thời hạn cho thuê tài sản là mối đe dọa đối với quyền sở hữu tài sản của người Thái. Nhiều người khác coi chương trình này như một giải pháp cho lĩnh vực bất động sản, vốn đang gặp khó khăn do lượng khách nước ngoài giảm kể từ đầu năm ngoái.

Một nhà quan sát cho rằng, chương trình này có thể giúp Thái Lan thay đổi cuộc chơi, nhưng thành công thực sự còn phụ thuộc vào những chi tiết chưa được công bố. Trong chương trình Elite, chỉ có khoảng 2.700 người được cấp visa năm ngoái. Chương trình đầu tư di cư lớn nhất thế giới năm ngoái là của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng chỉ có khoảng 13.000 thị thực được cấp.

Một người khác lại có cái nhìn lạc quan hơn. Người này cho rằng, chương trình thị thực dài hạn của Thái Lan là điều "không cần bàn cãi". Lấy Phuket làm ví dụ, nơi có hơn 1.000 biệt thự trị giá hàng triệu USD chủ yếu là cho thuê và đó là một thị trường đã được chứng minh hiệu quả.

Chương trình Elite hiện có tổng cộng gần 9.000 thành viên và tạo ra doanh thu 1,3 tỷ baht cho Thái Lan trong năm tài chính 2019, và vì vậy đây được cho là bước đi mới hoàn toàn hợp lý. Thị thực cư trú dài hạn của Thái Lan được đánh giá sẽ là điểm thu hút nổi bật so với các chương trình của Malaysia và Singapore.
"Ngôi nhà thứ hai" của Malaysia là đã thành công trong việc thu hút người nước ngoài về hưu nhưng cũng gây tranh cãi đáng kể, với việc chính phủ thay đổi yêu cầu thu nhập hàng tháng từ 10.000 ringgit thành 40.000 ringgit (2.390 USD lên 9.570 USD).

Trong khi đó, Singapore không thực sự tìm cách thu hút những người giàu nước ngoài về hưu, nhưng Chương trình Nhà đầu tư Toàn cầu của họ đặt ra số tiền cần có là 2,5 triệu SGD (1,85 triệu USD), vì vậy điều đó không dễ áp dụng.