1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Bắt cóc (bài 1)

Ngày 17-12-1981, Phó tổng tham mưu trưởng khu vực Nam châu Âu của NATO là chuẩn tướng James Lee Dozier, người Mỹ, đã bị tổ chức khủng bố Lữ đoàn Đỏ bắt cóc tại thành phố Verona, Italia.

Vụ bắt cóc gây chấn động không chỉ trong khối NATO, mà còn trên toàn thế giới.

Việc giải cứu viên chuẩn tướng James Dozier được giao cho lực lượng đặc biệt chống khủng bố Italia, có tên gọi NOCS (Nucleo Operativo Centrale di Sicurezza - tạm dịch: Biệt đội Hành động an ninh trung ương). Chỉ 90 giây kể từ khi tiếp cận nơi giam giữ con tin, nhóm đặc nhiệm NOCS đã giải cứu tướng Dozier an toàn. Sau này, diễn tiến vụ việc được đưa vào giảng dạy tại các trung tâm huấn luyện biệt kích ở một số nước như một giáo trình kinh điển chống khủng bố.

Những gã sửa chữa đường ống nước

Nhận nhiệm vụ từ Lầu Năm Góc hồi tháng 6-1981, Dozier là người Mỹ có chức vụ cao nhất của tổ chức này ở Nam châu Âu. Sẩm tối ngày 17-12-1981, chuẩn tướng Dozier lên chiếc ôtô hiệu Lincoln trở về nhà sau một ngày làm việc. Tư gia tướng Dozier là một ngôi biệt thự nằm ở phía bắc thành phố Verona, đây cũng là nơi NATO đặt Bộ Tư lệnh. Khi chiếc xe dừng lại trước cửa, Dozier bước xuống nói với những người lính bảo vệ cùng tài xế quay về vì mai là ngày cuối tuần nên ông không muốn họ cứ phải quanh quẩn tuần tra bên hàng rào trong ngôi biệt thự.

Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Bắt cóc (bài 1) - 1

Chuẩn tướng Dozier trước ngày bị Lữ đoàn Đỏ bắt cóc.

Thấy Dozier bước vào, bà Judith Stimpson buông cuốn sách đang đọc dở đứng dậy đón chồng. Vừa treo chiếc áo khoác của Dozier lên móc thì bà nghe tiếng bấm chuông. Qua cái lỗ nhỏ trên cánh cửa, bà nhìn thấy ba người đàn ông cùng một phụ nữ mặc quần áo bảo hộ lao động, vai khoác túi trông giống túi đồ nghề. Một trong số họ - là một thanh niên khá đẹp trai tay gõ cửa, miệng lên tiếng như thể anh ta biết có người trong nhà: “Chúng tôi ở Công ty cấp nước thành phố. Chiều nay có người điện thoại báo cho chúng tôi biết đường ống dẫn nước nhà quý vị có dấu hiệu rò rỉ. Vì vậy chúng tôi đến để kiểm tra”.

Hơi ngạc nhiên vì từ sáng tới giờ, bà Judith Stimpson không nghe người đầu bếp nói gì về chuyện này. Tuy vậy, bà vẫn mở cửa rồi tươi cười mời cả nhóm vào trong. Thế nhưng, khi cánh cửa vừa khép lại thì nhanh như cắt, gã thanh niên đi sát bên bà một tay túm lấy cổ bà, tay kia bịt miệng bà bằng một mẩu băng keo. Cố gắng vùng vẫy nhằm gây sự chú ý cho chồng nhưng cú siết vào gáy đã khiến toàn thân bà tê dại, hai chân bà chỉ tạo ra vài tiếng thình thịch trên sàn gỗ.

Dẫu vậy, cũng đủ để tướng Dozier nhận ra sự khác thường. Với bản lĩnh và kinh nghiệm của một quân nhân chuyên nghiệp, ông bước đến hộc bàn, nơi cất khẩu súng ngắn Browning, nhưng chưa kịp đụng đến thì ông đã lĩnh nguyên một cú đánh như trời giáng vào đầu khiến ông ngã xuống đất. Do đã chuẩn bị trước, một tên trong nhóm đã lấy ra một chiếc túi dài bằng vải rồi sau khi trói Dozier lại, chúng nhét ông vào túi.

Chứng kiến cảnh này, bà Judith Stimpson ngất đi vì quá sợ hãi. Dưới bếp, người đầu bếp đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm tối cũng bị một tên trong bọn bịt miệng và trói chặt chân tay. Tiếp theo, nhóm khủng bố tiến hành lục soát căn nhà của tướng Dozier để tìm tài liệu NATO nhưng chúng chỉ thấy khẩu súng cùng một ít giấy tờ lặt vặt.

Toàn bộ cuộc bắt cóc diễn ra trong khoảng 15 phút. Khi không tìm được thứ cần tìm, một tên trong bọn bước ra ngoài, vẫy chiếc ôtô hòm đã chờ sẵn gần đó. Rất nhanh chóng, cả bọn khiêng tướng Dozier vào thùng xe rồi lao đi. Gần 2 tiếng sau, vài người hàng xóm khi đi ngang đã nghe thấy những tiếng động khác thường vọng ra từ nhà tướng Dozier. Lúc họ vào, cảnh tượng hiện ra trước mắt họ là bà Judith Stimpson bị trói, miệng bịt kín bằng băng keo, đang giãy giụa trên sàn nhà nên họ cởi trói cho bà rồi điện thoại báo cảnh sát.

Sáng 18-12, văn phòng thường trú của tờ Il Tempo ở Verona nhận được cú điện thoại của một kẻ tự xưng là đại diện cho Lữ đoàn Đỏ. Trong cuộc nói chuyện, gã đại diện tuyên bố “tướng Dozier đã bị bắt và bị giam trong “nhà giam của những người yêu nước”. Sắp tới đây, vào một thời điểm thích hợp, “tòa án ái quốc” sẽ  đưa Dozier xét xử vì những tội lỗi mà y đã gây ra cho nhân dân các nước nam châu Âu”.

Lữ đoàn Đỏ và phương châm “không chết, chỉ lết”

Lữ đoàn Đỏ - tiếng Anh là Red Brigades, còn tiếng Italia là Brigate Rosse - là một tổ chức khủng bố, được Renato Curcio thành lập vào năm 1970 tại Italia, chuyên bắt cóc, giết người, cướp ngân hàng, đánh bom phá hoại… Mục đích của nó là làm suy yếu Nhà nước Italia để mở đường cho một cuộc cách mạng giành chính quyền, thay đổi thể chế cộng hòa bằng cai trị tập trung.

Nguồn gốc sâu xa của vấn đề ấy là ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Mussolini, Italia chịu sự thống trị của chủ nghĩa phát xít, kéo dài suốt 20 năm. Sau Thế chiến II, tuy được nước Mỹ hậu thuẫn nhưng Italia vẫn là quốc gia tư bản kém phát triển nhất châu Âu.

Con số thất nghiệp cao, vật giá đắt đỏ đã khiến người dân phải gánh chịu những sức ép của khó khăn kinh tế. Nhiều người trong số họ có cảm giác như bị gạt ra ngoài lề, dẫn đến việc hình thành những tổ chức chống lại nhà cầm quyền mà điển hình là các cuộc biểu tình của công nhân, học sinh, sinh viên.

Thời điểm ấy, Chính phủ Italia áp dụng chính sách mở cửa đầu vào cho các trường đại học nhưng không quan tâm đến việc học xong, ra trường sẽ đi làm ở đâu. Tốt nghiệp lúc này đồng nghĩa với thất nghiệp nên đã khiến sự bất mãn của nhiều ngành, nhiều giới lên đến đỉnh cao.

Trước tình hình trên, năm 1967, khi đang theo học Khoa Xã hội học tại Đại học Trento, Renato Curcio đã xây dựng một nhóm nghiên cứu về các vấn đề vũ trang bạo loạn. Năm 1969, Curcio kết hôn với một cô sinh viên cùng chí hướng là Margherita Kager rồi cả hai chuyển đến thành phố Milan. Tại đây, cặp vợ chồng này đã thu hút được một số thanh niên, sinh viên có tư tưởng chống đối, trong đó có Mario Moretti, công nhân của một xưởng sản xuất vũ khí, về sau thay thế Renato Curcio để trở thành lãnh đạo Lữ đoàn Đỏ.

Bằng cách tiến hành những khóa huấn luyện cho các tân binh về kỹ thuật chiến đấu, cách chế tạo, cách đặt bom, Lữ đoàn Đỏ chính thức ra mắt vào tháng 11-1970 với 6 vụ đánh bom vào các nhà kho và nhà máy tại Milan.

Từ năm 1971 đến năm 1973, Lữ đoàn Đỏ đã gây ra tổng cộng 15 vụ bắt cóc - chủ yếu nhắm vào các quan chức Italia. Năm 1974, Lữ đoàn Đỏ đã khiến cả thế giới chấn động qua vụ ám sát viên Chánh Thanh tra Đội Chống khủng bố thành phố Turin.

Vũ khí, chất nổ để thực hiện tất cả những vụ giết người này đều do một lái buôn súng đạn là Leonid Minin, khi ấy có văn phòng đại diện của một công ty khai thác gỗ đặt tại Milan, cung cấp. Sau này, Leonid Minin đã bị Italia kết án 15 năm tù giam (Chuyên đề ANTG đã đề cập đến nhân vật này trong loạt bài “Những ông trùm buôn vũ khí” vừa đăng tải).

Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Bắt cóc (bài 1) - 2

Thi thể cựu Thủ tướng Aldo Moro được cảnh sát tìm thấy trong thùng xe với 6 phát đạn trên người...

Năm 1976, mặc dù Cơ quan An ninh Italia đã bắt giữ và tòa án đã bỏ tù hàng trăm kẻ khủng bố thuộc Lữ đoàn Đỏ - trong đó có cả thủ lĩnh Curcio, nhưng các vụ ám sát vẫn tiếp diễn với cường độ kinh hoàng hơn. Từ năm 1977 đến 1980, Lữ đoàn Đỏ đã tiến hành khoảng 50 cuộc tấn công, giết chết gần 200 người. Năm 1978, Lữ đoàn Đỏ bắt cóc và giết chết cựu Thủ tướng Italia Aldo Moro.

Trong cuốn sách “The Red Brigade Terrorist Group - Nhóm khủng bố Lữ đoàn Đỏ”, tác giả Giovanni viết: “Một phương châm hành động được Lữ đoàn Đỏ gọi là “không chết, chỉ lết” đã được các chiến binh của họ thực hiện một cách phổ biến: Đó là sau khi bị bắt cóc, nhiều nạn nhân bị bắn vào đầu gối để không thể chạy trốn được”.

Ở thời điểm đỉnh, Lữ đoàn Đỏ có khoảng 400 đến 500 tay súng và 1.000 thành viên luôn sẵn sàng tham gia khi được yêu cầu cùng hơn 3.000 cảm tình viên - là những người thường xuyên đóng góp tiền bạc, cung cấp chỗ ẩn náu cho các chiến binh. Đến năm 1988, sau nhiều nỗ lực, Cơ quan an ninh Italia phối hợp với Cơ quan An ninh Pháp, đã bắt được hầu hết những thành phần chủ chốt cầm đầu Lữ đoàn Đỏ. Từ đó, tổ chức khủng bố này được xem như tan rã.

Tuy nhiên, đến năm 1990 sau đó kéo dài đến năm 2000, nhiều vụ tấn công bạo lực lại tái diễn và một lần nữa, Lữ đoàn Đỏ đứng ra nhận trách nhiệm, trong đó nổi bật là vụ ám sát ông Massimo D'Antona, cố vấn cao cấp của Chính phủ Italia, vụ tấn công một căn cứ quân sự Mỹ ở thành phố Aviano và vụ đánh bom Trường cao đẳng Quốc phòng NATO.

Theo tài liệu điều tra của Cơ quan An ninh Italia, Lữ đoàn Đỏ này thực tế chỉ là sự kế thừa của Lữ đoàn Đỏ trước năm 1988. Tên đầy đủ của nó là “Lữ đoàn du kích Đỏ - Red Brigades Guerrilla”, lãnh đạo là nữ - Barbara Balzerani, bí danh “Sara”.

Là thành viên của phong trào sinh viên ở Rome trước khi gia nhập Lữ đoàn Đỏ, Barbara Balzerani có mặt trong tất cả những cuộc tấn công đẫm máu nhất, chẳng hạn như bắn bị thương một thành viên của đảng Xã hội Italia tại Rome, giết nhà ngoại giao Mỹ Leamon Hunt ở Rome, giết một cựu thị trưởng thành phố Florence, giết 2 cảnh sát trong quá trình của một vụ cướp ở Rome, giết một thượng nghị sĩ Italia, đánh bom ga đường sắt Bologna giết chết 85 người, giết Ezio Tarantelli -chuyên gia pháp luật lao động, giết Marco Biagi - cố vấn công nghiệp Italia…

42 ngày trong tay Lữ đoàn Đỏ

Trở lại vụ bắt cóc chuẩn tướng James Dozier, sau hơn một tiếng đồng hồ, chiếc ôtô hòm chở nhóm khủng bố Lữ đoàn Đỏ đã đến thành phố Padua, cách Verona 70km. Rất nhanh chóng, chiếc túi chứa ông Dozier được đưa vào thang máy lên một căn hộ nằm trên tầng 2, đường Bindemen. Đây là khu chung cư 8 tầng, trong đó toàn bộ tầng trệt là siêu thị Diya nên việc khiêng vác chiếc túi không gây ra bất kỳ sự nghi ngờ nào bởi lẽ người dân trong chung cư vốn đã quen với những kiện hàng thường xuyên lên xuống.

Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Bắt cóc (bài 1) - 3

Renato Curcio, kẻ sáng lập và lãnh đạo Lữ đoàn Đỏ.

Căn hộ nằm trên tầng 2 có 4 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 nhà bếp. Ngay từ đầu, khi lựa chọn nơi này làm điểm giam giữ con tin, Antonio Curillo, kẻ cầm đầu nhóm bắt cóc đã dựa vào nguyên lý: Chỗ công khai nhất chính là chỗ an toàn nhất.

Đưa tướng Dozier vào căn phòng thứ ba, Antonio ra lệnh xích tay chân ông vào thành giường, miệng bị băng keo bịt kín, chỉ mở ra khi cho ông ăn uống hoặc hỏi cung. Sau này, khi đã được cứu thoát, tướng Dozier kể: “Tôi biết chúng sẽ giết tôi như đã giết cựu Thủ tướng Aldo Moro vì rất nhiều lần, chúng nói rằng ngày tàn của tôi đã gần đến”.

Vụ sát hại cựu Thủ tướng Aldo Moro đã gây ra sự kinh hoàng và nỗi căm phẫn trên toàn thế giới. Trước lúc bị bắn, Lữ đoàn Đỏ đã chụp hình ông kèm theo một cuốn băng ghi âm, gửi cho tờ Il Tempo ở Italia. Trong băng ghi âm, ông  Aldo Moro nghẹn ngào: “Norina (là tên vợ ông), họ nói với anh rằng chỉ một thời gian ngắn nữa, họ sẽ giết anh”. Bên cạnh đó, ông Moro cũng từ chối việc thương lượng của Chính phủ Italia với Lữ đoàn Đỏ nhằm cứu sống ông.

Ngày 9-5-1978, cựu Thủ tướng Aldo Moro bị giết bởi 6 phát đạn. Sau này, khi nhóm bắt cóc ông Moro sa lưới pháp luật rồi ra tòa, bà Norina đã điện thoại cho Tổng thống Italia để xin tha thứ cho 13 kẻ bắt cóc.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo The Red Brigade Terrorist Group)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm