1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc đối đầu tình báo giữa Israel - Hezbollah tại Libăng

Ngoài cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và Hezbollah vừa qua, còn phải kể tới một mặt trận ngầm không kém phần quyết liệt tại Libăng. Trong đó có sự tham gia của Cơ quan Tình báo Mossad và các cơ quan mật vụ Israel chống lại lực lượng an ninh của Hezbollah.

Trong cuộc đối đầu này, những kẻ cơ hội phản bội, những điệp viên hai mang hay đơn giản là những người đưa tin lại đóng vai trò chủ chốt...

Phân đội Egoz thuộc Lữ đoàn Golani tìm mọi cách tiến sâu vào điểm dân cư Bint Jbeil, ngay dưới làn đạn của các tay súng bắn tỉa Hezbollah. Những người lính đặc nhiệm của Israel kiên trì chiếm từng ngôi nhà một, chịu mọi tổn thất để đạt tới mục tiêu cuối cùng: Đó là Cơ quan đại diện tại địa phương của cái gọi là “Party of Allah”. Sau khoảng một giờ tìm kiếm, họ đã phát hiện ra một cánh cửa bọc thép dẫn tới một boongke. Nơi này được mệnh danh là “Con mắt lớn” của Hezbollah. Những căn phòng ngầm dưới đất ở đây có chứa hàng chục máy tính nối mạng, các thiết bị hiện đại để nghe trộm điện thoại di động và cố định, thậm chí cả một danh sách mật số điện thoại của một số tướng lĩnh Israel viết bằng tiếng Arập.  

Phát hiện này đã khiến các tướng lĩnh trong văn phòng Bộ Tư lệnh Israel tại Kirya (Tel-Aviv) cảm thấy hết sức kinh hoàng, cho dù trước đó Cơ quan Tình báo quân đội Aman đã cảnh báo về khả năng tồn tại một mạng lưới nghe trộm của đối phương. Ngoài thất bại rõ ràng về quân sự và chính trị của Israel tại Libăng vừa qua, những bằng chứng trên cho thấy Hezbollah có trang bị kỹ thuật khá cao – có thể can thiệp vào các tuyến liên lạc viễn thông, hay thậm chí nghe trộm các cuộc đàm thoại đã được bảo vệ của các tướng lĩnh cao cấp nhất Israel – lại được coi là một “quả đắng” nữa đối với quân đội nhà nước Do Thái.

Cuộc xung đột vừa qua (là cuộc chiến tranh thứ 8 mà Israel tiến hành chống lại người Arập) được coi là hậu quả tàn khốc nhất về mặt nhân đạo. Số liệu của chính quân đội Israel cho thấy, tỉ lệ số dân thường Libăng thiệt mạng so với số tay súng Hezbollah bị tiêu diệt có một mức chênh lệch lớn tới 7:1 (tức là để diệt được một tay súng Hezbollah, Israel phải “trót lỡ” sát hại thêm 7 thường dân vô tội tại Libăng). Vụ thảm sát dân thường tại Qana vào rạng sáng 30/7 khiến 60 người thiệt mạng, trong đó có 37 trẻ em chỉ là một trong vô số thảm kịch đáng sợ tại Libăng mà chính quyền Ehud Olmert không thể biện bác.

Hezbollah – về thực chất đã lãnh đạo một nhà nước độc lập ngay bên trong Libăng từ năm 2000 – đã có không chỉ một đội quân được tổ chức tốt, mà còn cả một bộ máy tình báo và phản gián hiệu quả với sự hợp tác chặt chẽ với Mukhabarat (Cơ quan Mật vụ Syria) và Bộ Tình báo Iran. Thực tế này đã khiến cựu Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Arens của Israel phải hết sức lo ngại và cho rằng, nếu không xảy ra những biến động lớn, Hezbollah rất có thể sẽ “bước ra khỏi cuộc xung đột này với tư cách người chiến thắng”.

Bản thân tình báo Israel trong cuộc chiến vừa qua đã phải hứng chịu những lời phê phán gay gắt. Trong khi đánh giá của các cơ quan tình báo lại trái ngược nhau – Mossad của Meir Dagan đưa ra những đánh giá bi quan về mức độ tổn thất của Hezbollah, thì Aman của tướng Amos Yadlin lại có những số liệu lạc quan nhất – những đơn vị quân đội và không quân Israel lại không nhận được những thông tin đầy đủ.

Chẳng hạn như tình báo quân đội trong nhiều năm đã thu thập được một ngân hàng dữ liệu lớn về tất cả 170 làng mạc ở miền Nam Libăng. Nhưng các dữ liệu này không được giao cho những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu, mà chỉ được chuyển cho các chỉ huy từ cấp lữ đoàn trở lên để có thể bảo vệ sự an toàn của các nguồn tin. “Có thể nói rằng, chúng ta không gặp phải những bất ngờ chiến lược trong cuộc chiến này. Nhưng liên quan đến những bất ngờ mang tính chiến thuật hay địa phương, chúng ta lại không có đủ sự sẵn sàng” – Bộ trưởng An ninh xã hội Avi Dichter đã phải thừa nhận như vậy.

Thành công và thất bại trong cuộc đối đầu giữa các điệp viên, người đưa tin tại Libăng và cả Israel cũng gần như đồng nghĩa với cuộc sống và cái chết đối với cả hai bên, đó là lời khẳng định của phóng viên Yossi Melman, tác giả của 6 cuốn sách có chủ đề về tình báo và khủng bố. Ông này nhận xét: “Mật vụ Israel trong cuộc chiến bí mật này vẫn có trình độ cao hơn Hezbollah”. Ngay từ năm 1982, bộ máy an ninh Israel đã lựa chọn những điệp viên xuất sắc nhất của mình từ Mossad, Shin Bet và Aman cho cuộc chiến chống lại Hezbollah. Cụ thể là họ đã thành lập hai đơn vị đặc biệt chuyên giám sát các tay chân của Nasrallah: đơn vị mật danh 8200 chịu trách nhiệm do thám điện tử và giải mã các thông điệp, đơn vị 504 chuyên tuyển mộ các nguồn tin từ người Arập.

Israel đã khám phá và tiêu diệt nhiều mạng lưới gián điệp của đối phương, bắt giữ nhiều công dân Arập cũng như Israel. Vụ việc gần đây nhất liên quan đến Trung tá Omar el-Heib, người mới khoảng một tháng trước đây đã bị tòa án quân sự kết án 18 năm tù vì tội hoạt động gián điệp. “Hezbollah đã có nhiều nỗ lực tuyển mộ những điệp viên Do Thái, do chỉ có họ mới có thể tiếp cận được với những bí mật thực sự tầm cỡ quốc gia. Nhưng về cơ bản, những âm mưu của họ đều thất bại” - Yossi Melman cho biết.

Còn đối với tình báo Israel, tình hình cũng tương tự như vậy. Mục tiêu cài cắm điệp viên vào hàng ngũ quan chức cao cấp của Nasrallah rõ ràng là một sứ mạng cực kỳ mạo hiểm. Điệp viên huyền thoại Eliezer Tzafir của Mossad – người hồi cuối những năm 1970 từng hoạt động tại Iran, sau đó vào năm 1983 lãnh đạo bộ phận tình báo của Mossad tại Beirut – cho biết: “Chúng tôi đã từng cố gắng xâm nhập vào Hezbollah, nhưng đây là việc rất khó khăn, cả khi đó cũng như hiện nay”.

Trên mặt trận ngầm này phải nhắc tới một nhân vật hàng đầu về tình báo của Hezbollah là Imad Mughniya, người có khả năng tổ chức cũng như uy tín khá cao. Chính Mughniya đã trực tiếp xây dựng cả một mạng lưới tình báo và phản gián của Hezbollah. Bộ máy mật vụ của Hezbollah bao gồm có 4 đơn vị chính.

Đơn vị đầu tiên với mật danh 1.800 chuyên đảm trách việc tuyển mộ, cung cấp tài chính và đào tạo các điệp viên hoạt động tại dải Gaza và khu bờ tây sông Jordan.

Đơn vị thứ hai do đích thân Mughniya lãnh đạo chuyên điều hành hoạt động của các điệp viên ở nước ngoài.

Đơn vị thứ ba chuyên trách phản gián nằm dưới quyền của Mustafa Badr al-Din, một người họ hàng thân cận của Mughniya. Trợ lý thân cận cho Mustafa là Nabil Qawk, người được các chuyên gia quân sự Libăng nhìn nhận là ứng cử viên kế nhiệm có khả năng nhất của Nasrallah. Đơn vị này có nhiệm vụ phức tạp nhất: ngăn ngừa rò rỉ thông tin cũng như nguy cơ cài cắm của điệp viên nước ngoài. Mới tháng trước, Mustafa Badr al-Din vừa triển khai một chiến dịch xuất sắc, phát hiện ra một nhóm điệp viên Mossad, mà theo lời khai của một thành viên, chuyên chuẩn bị cho các chiến dịch tiêu diệt các nhà lãnh đạo quan trọng của nhóm Hezbollah và nhóm Jihad Islamica.

Đơn vị thứ tư chuyên phụ trách hoạt động gián điệp chống Israel, gồm có một nhóm tác chiến đặc biệt Sigint (tình báo vô tuyến điện) và nhóm điều phối các nguồn tin từ các khu vực dân cư sát biên giới (chuyên thu thập thông tin về các căn cứ quân sự của Israel ở biên giới phía bắc, về các vị trí chiến lược của nước này như lò phản ứng hạt nhân tại Dimona, các nhà máy phát điện, xí nghiệp chế biến dầu, nhà máy hóa học nằm ở khu vực trung tâm Israel. Tất cả những thông tin này sẽ được nghiên cứu xử lý khi cần thiết hoặc cung cấp cho các đơn vị tên lửa kiểu Cachiusa của Hezbollah (có thể phóng mỗi ngày khoảng 100-150 quả đạn vào Haifa và vùng Thượng Galilea).

Các đơn vị tình báo của Hezbollah được tổ chức theo một mạng lưới được phân cấp rõ ràng, theo quan hệ trên dưới trực tiếp. Một lý do khiến Israel khó có thể tiêu diệt các thủ lĩnh, cũng như các bệ phóng tên lửa của Hezbollah là bởi họ được sự ủng hộ của đông đảo người dân ở Nam Libăng, những người đóng vai trò chân rết của một mạng lưới tình báo và phản gián rộng khắp

Theo Thái Quân
An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm