1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Hải quân Mỹ và Houthi ở Biển Đỏ

Thanh Thành

(Dân trí) - Lực lượng Houthi tại Yemen đã chứng tỏ là một đối thủ khó nhằn đáng ngạc nhiên, vẫn sẵn sàng giao chiến với Hải quân Mỹ trong những trận chiến ác liệt nhất kể từ Thế chiến II.

Cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Hải quân Mỹ và Houthi ở Biển Đỏ - 1

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet trên tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Tối 6/5, một tiêm kích F/A-18 Super Hornet đang hạ cánh xuống tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ ở Biển Đỏ.

Tuy nhiên, điều không may xảy ra khi một cơ chế để làm chậm tiêm kích cơ này đã bị hỏng và chiếc máy bay trị giá 67 triệu USD này trượt khỏi đường băng của tàu sân bay và rơi xuống nước.

Đây là máy bay chiến đấu thứ ba mà Truman bị mất trong vòng chưa đầy 5 tháng và diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các quan chức Lầu Năm Góc ngạc nhiên khi tuyên bố Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Houthi ở Yemen.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman đã đến Biển Đỏ vào tháng 12/2024 để tham gia cuộc tấn công nhằm vào nhóm Houthi, một chiến dịch đầy rẫy những lần bắn phá căng thẳng và những pha thoát hiểm khiến Hải quân Mỹ "căng như dây đàn".

Các quan chức Mỹ hiện đang phân tích cách một đối thủ yếu ớt như Houthi vì sao có thể thử thách hạm đội mặt nước có năng lực nhất thế giới như Hải quân Mỹ.

Houthi đã chứng tỏ là một đối thủ khó nhằn đáng ngạc nhiên, vẫn sẵn sàng giao chiến với Hải quân Mỹ trong những trận chiến ác liệt nhất kể từ Thế chiến II mặc dù chỉ chiến đấu từ những nơi thô sơ và hang động ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Theo các nguồn tin, lực lượng này được hưởng lợi từ sự phổ biến của công nghệ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) giá rẻ mua từ Iran. Houthi đã bắn tên lửa đạn đạo chống hạm, lần đầu tiên sử dụng vũ khí thời Chiến tranh Lạnh trong chiến đấu và đã đổi mới cách triển khai vũ khí của mình.

Các công nghệ mới nhất đã biến đổi chiến tranh trên biển, giống như cách chúng đã viết lại kịch bản cho các cuộc chiến trên bộ ở Ukraine - buộc quân đội phải thích nghi theo thời gian thực.

Mỹ đang phát triển những cách mới để đánh chặn UAV và tên lửa mới nhất nhưng vẫn chủ yếu dựa vào các hệ thống phòng thủ đắt tiền.

Khoảng 30 tàu của Mỹ đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở Biển Đỏ từ cuối năm 2023 đến năm nay, chiếm khoảng 10% tổng số hạm đội được biên chế của Hải quân nước này. Vào thời điểm đó, Mỹ đã thả ít nhất 1,5 tỷ USD đạn dược vào Houthi, một quan chức Mỹ cho biết.

Hải quân Mỹ đã có thể phá hủy phần lớn kho vũ khí của Houthi, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến lược là khôi phục hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ, và Houthi vẫn tiếp tục thường xuyên bắn tên lửa vào Israel.

Các nhà lãnh đạo quân sự và quốc hội Mỹ đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng chiến dịch để rút kinh nghiệm. Họ lo lắng về sức ép của các đợt triển khai khắc nghiệt như vậy đối với năng lực sẵn sàng của các lực lượng nói chung. Lầu Năm Góc cũng đang điều tra các máy bay bị mất và một vụ va chạm trên biển riêng biệt, tất cả các sự cố đều liên quan đến nhóm tàu tấn công Truman, với kết quả dự kiến ​​sẽ có trong những tháng tới.

Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (Centcom), chuyên giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, từ chối bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra hoặc về hiệu suất và tác động của chiến dịch.

Tuy nhiên, thực tế có thể thấy những tác động của đợt triển khai này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Nó đã rút các nguồn lực nơi khác của Mỹ, từ các nỗ lực ở châu Á nhằm ngăn chặn Trung Quốc và đẩy lùi lịch trình bảo dưỡng cho các tàu sân bay. Điều đó có thể tạo ra những khoảng trống lớn trong nửa sau của thập kỷ này, khi những tàu chiến khổng lồ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cập cảng để phục vụ.

Bất chấp những ảnh hưởng này, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết cuộc chiến với Houthi đã mang lại kinh nghiệm chiến đấu vô giá và cuộc xung đột ở Biển Đỏ được Lầu Năm Góc coi là bước khởi động cho một cuộc xung đột "cấp cao" tiềm tàng khác.

Bị tấn công bất ngờ

Houthi đã giành được quyền lực đáng kể kể từ khi nhóm này nắm giữ quyền kiểm soát phần lớn ở Yemen cách đây một thập niên. Sau đó, Houthi đã chống lại một chiến dịch tấn công do các cường quốc vùng Vịnh là Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tiến hành.

Cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Hải quân Mỹ và Houthi ở Biển Đỏ - 2

Những người ủng hộ Houthi tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Sana, Yemen vào tháng 5 (Ảnh: WSJ).

Khi nổ ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza, Houthi - vốn phản đối Mỹ và Israel và tự coi mình là "những người bảo vệ Palestine" - đã bắt đầu tấn công các thành phố của Israel cũng như các tàu đi qua Biển Đỏ.

Tàu khu trục USS Carney đã ở Biển Đỏ khi Houthi phóng loạt tên lửa và UAV đầu tiên vào ngày 19/10/2023, khiến các thủy thủ trên tàu bất ngờ. Đến cuối cuộc giao tranh kéo dài 10 giờ, thủy thủ đoàn đã trải qua trận chiến dữ dội nhất mà một tàu chiến của Hải quân Mỹ từng chứng kiến ​​trong gần một thế kỷ, bắn hạ hơn một chục UAV và 4 tên lửa hành trình bay nhanh.

Và khi Houthi tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc tấn công, các quan chức quân sự Mỹ đã phải vội vã giải quyết một vấn đề hậu cần: Các tàu khu trục như Carney đã không tham gia chiến đấu trong vòng 2 tuần khi chúng di chuyển đến và đi từ Địa Trung Hải để tái vũ trang, và các quốc gia lân cận cảnh giác với việc trở thành mục tiêu của Houthi.

Cuối cùng, Lầu Năm Góc đã đảm bảo quyền tiếp cận vào vấn đề mà một quan chức gọi là "thay đổi cuộc chơi" ở Biển Đỏ, cho phép các tàu chiến nạp đạn mà không cần rời khỏi chiến trường. Vào tháng 12/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden lúc đó đã tập hợp một liên minh đa quốc gia để bảo vệ một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới và sau đó phát động chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu.

Trong phần lớn chiến dịch, Lầu Năm Góc duy trì hai nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực, mỗi nhóm gồm ít nhất 5 tàu ​​và khoảng 7.000 thủy thủ.

Trong suốt năm 2024, Houthi đã phát động hàng chục cuộc tấn công vào tàu thương mại và Mỹ đã phản công ở Yemen để ngăn chặn các cuộc tấn công sắp xảy ra hoặc làm suy yếu kho vũ khí của nhóm này. Vào tháng 2, một tàu chở hàng do Anh sở hữu đã bị tấn công và sau đó bị chìm cùng với hàng hóa là phân bón. Ba người đã thiệt mạng trên một con tàu treo cờ Barbados sau khi bị tấn công vào tháng 3. Hai con tàu khác đã bị bỏ lại vào tháng 6 sau khi bị tên lửa Houthi tấn công.

Tốc độ hoạt động đã ảnh hưởng đến các thủy thủ, những người luôn trong tầm bắn của Houthi và cần phải cảnh giác suốt ngày đêm. Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower chỉ thực hiện một chuyến ghé cảng ngắn trong 7 tháng chiến đấu.

Vào một ngày đặc biệt bận rộn vào tháng 11/2024, các tàu của Hải quân Mỹ đã đánh bại ít nhất 8 UAV tấn công một chiều, 5 tên lửa đạn đạo chống hạm và 4 tên lửa hành trình chống hạm do Houthi phóng đi mà không gây ra bất kỳ thương tích hay thiệt hại nào.

Tại một hội thảo hải quân gần đây, Phó Đô đốc Brad Cooper, Phó chỉ huy Bộ tư lệnh quân sự Mỹ tại Trung Đông, đã mô tả một đêm chiến sự vào cuối năm 2024 trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale.

Khi tàu khu trục đi qua một điểm nghẽn ở phía nam Biển Đỏ, thủy thủ đoàn đã tắt đèn, vạch ra một lộ trình ngoằn ngoèo và chuẩn bị cho cuộc tấn công. Vừa qua nửa đêm, Houthi đã phóng 4 tên lửa đạn đạo. Tàu khu trục đã tăng tốc và bắn tên lửa đất đối không để phòng thủ.

Một tên lửa của Houthi, bay với tốc độ gần 6.400km/h, đã ở rất gần khi bị đánh chặn đến mức các mảnh vỡ rơi xuống cũng phải bị bắn hạ. Mười phút sau, Houthi đã bắn một tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa này đã bị các máy bay chiến đấu từ một tàu sân bay gần đó bắn hạ.

Các tiêm kích cơ đã bắn hạ một tên lửa hành trình khác và nhiều UAV chở thuốc nổ, trong khi tàu sân bay tấn công các mục tiêu của Houthi bên trong Yemen. Khoảng 2 giờ, một UAV khác của Houthi đã bị phát hiện đang bay thấp và chậm trực tiếp vào tàu Stockdale. Lựa chọn duy nhất của Hải quân Mỹ lúc đó là khai hỏa bằng một khẩu súng pháo tự động gắn trên boong tàu. Khi UAV rơi xuống biển, cả tàu đã ăn mừng.

Sự nguy hiểm của Houthi

Cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Hải quân Mỹ và Houthi ở Biển Đỏ - 3

Tàu chở hàng Rubymar bị nạn ngoài khơi bờ biển Yemen sau khi bị Houthi tấn công vào tháng 3/2024 (Ảnh: WSJ).

Trong vùng biển hạn chế ở Biển Đỏ, chỉ rộng khoảng 321km tại điểm rộng nhất, các tàu chiến lớn có khả năng cơ động hạn chế và phải mất nhiều thời gian để quan sát đường bờ biển, nơi những người theo dõi Houthi có thể giúp xác định mục tiêu cho các tàu.

Các thủy thủ đoàn thường chỉ phát hiện ra các vụ phóng UAV và tên lửa trong vòng một hoặc hai phút trước khi va chạm và phải quyết định cách phản ứng trong vòng khoảng 15 giây. Và họ đã chặn được hàng trăm cuộc tấn công của Houthi.

Hải quân Mỹ đã quen với việc hoạt động trong một môi trường tương tự ở Vịnh Ba Tư, nơi các lực lượng Iran ở tầm gần. Nhưng các lực lượng dân quân như Houthi khó bị ngăn chặn hơn so với một chính phủ thông thường và những nhóm như vậy đã trở nên nguy hiểm hơn khi sở hữu ngày càng nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm và UAV tấn công.

“Chúng tôi từng có thể hoạt động gần bờ như thế này, vì kỳ vọng là kẻ thù sẽ không tấn công tàu sân bay do lo ngại hậu quả”, một thủy thủ cho biết. Các thủy thủ thường điều chỉnh hệ thống radar ở mức độ nhạy cao để có thời gian đánh chặn UAV và tên lửa.

Theo một sĩ quan đã dành 6 tháng ở Biển Đỏ, việc xem xét và tinh chỉnh cài đặt radar để tránh phát hiện tín hiệu dương tính giả trong khi vẫn phát hiện các mối đe dọa ở phạm vi hữu ích là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất và là vấn đề căng thẳng nhất đối với những người vận hành tàu.

Ba máy bay chiến đấu bị mất của USS Truman hiện đang được Lầu Năm Góc điều tra. "Đây là điều chưa từng có", một quan chức Hải quân cho hay. "Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc không may mắn, hoặc có một số vấn đề tiềm ẩn".

Hai lính SEAL của Hải quân, hay lực lượng tác chiến đặc biệt trên biển-trên không-trên bộ, đã bị mất tích trên biển vào đầu năm ngoái khi lên một chiếc tàu vào ban đêm, mà các quan chức cho biết tàu này đang chở các bộ phận tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ Iran đến Yemen. Một trong những lính SEAL đã rơi xuống nước khi cố gắng trèo lên tàu và người còn lại đã nhảy xuống theo người này.

Hải quân Mỹ tìm kiếm họ suốt 10 ngày trước khi tuyên bố họ đã chết. Vụ việc xảy ra ngoài khơi bờ biển Somalia ở Biển Ả Rập, cách bờ biển Yemen hàng trăm km.

Thay đổi chiến thuật

Mặc dù Houthi chưa bao giờ tấn công thành công một tàu của Mỹ, nhưng nhóm này đã trở nên thành thạo hơn trong việc theo dõi các mục tiêu di chuyển.

Các quan chức Hải quân cho biết, ban đầu, Houthi thường bắn một hoặc hai tên lửa và UAV cùng một lúc ở độ cao tương đối lớn, mà Hải quân có khả năng đánh chặn.

Sau đó, các thành viên của nhóm này đã phát động các cuộc tấn công vào ban đêm và bắn các quả đạn lướt ngay trên sóng, khiến chúng khó bị theo dõi hơn.

Houthi cũng kết hợp các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV theo những mô hình thay đổi. Nhóm dân quân này cũng có thể hạ gục hơn một chục UAV Reaper của Mỹ, mỗi máy bay có giá trị khoảng 30 triệu USD.

Khi Houthi bắt đầu tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ vào năm 2023, các quan chức cấp cao tại Centcom muốn hành động mạnh mẽ ngay tức thì để nhanh chóng làm suy yếu năng lực của nhóm này. Nhưng chính quyền ông Biden lúc đó lại tỏ ra thận trọng hơn vì lo ngại mọi việc leo thang hơn nữa.

Vào thời điểm Tổng thống Biden chấp thuận các cuộc tấn công, Houthi đã thay đổi chiến thuật hoặc di chuyển khí tài của họ. Và các quan chức Mỹ thường thấy kế hoạch và tình báo của họ đã lỗi thời, một quan chức này cho biết

Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã trao cho tướng Erik Kurilla, người đứng đầu Centcom, thẩm quyền phê duyệt các cuộc tấn công, cho phép Mỹ hành động nhanh hơn trong việc nhắm mục tiêu tình báo cho các bệ phóng tên lửa và UAV.

Centcom từ chối bình luận về các quyết định của Tổng thống Trump. Nhưng thực tế cho thấy Mỹ đã đổ nguồn lực vào nỗ lực này vào giữa tháng 3, phát động một chiến dịch mang tên "Rough Rider" sau khi Houthi tiếp tục các cuộc tấn công sau lệnh ngừng bắn ngắn. Mỹ đã huy động nhiều khí tài quân sự hiện đại nhất của nước này để không kích dữ dội vào cơ sở hạ tầng và căn cứ của Houthi, nhằm buộc nhóm vũ trang Yemen ngừng tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Sau 53 ngày bị ném bom, Houthi đã bị đánh tơi tả nhưng không bị phá vỡ. Các cuộc không kích của Mỹ hạ hàng trăm tay súng Houthi, bao gồm một số quan chức cấp cao, và phá hủy một cảng nhiên liệu quan trọng cùng một lượng lớn vũ khí và vật tư chiến tranh.

Bất chấp các đợt không kích của Mỹ, Yemen vẫn tiếp tục phóng tên lửa và UAV nhằm vào tàu chiến Mỹ trên Biển Đỏ, cũng như khai hỏa tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ Israel. 

Một tuần trước khi lệnh ngừng bắn được công bố, một sĩ quan Mỹ đã bày tỏ sự kinh ngạc trước quyết tâm và khả năng thích ứng của nhóm này. "Tên lửa của họ đang trở nên tiên tiến hơn, điều đó thật điên rồ", ông nói. "Cho đến nay, Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với một nghìn vụ đánh chặn và còn sẽ nhiều hơn nữa".

Cuối cùng, Tổng thống Trump đã giải quyết lệnh ngừng bắn theo các điều khoản cơ bản nhất: Houthi sẽ ngừng bắn vào các tàu của Mỹ và đổi lại Lầu Năm Góc sẽ tạm dừng ném bom. Khi tàu khu trục Truman đi qua kênh đào Suez và rời khỏi Địa Trung Hải, quân Houthi không nhắm tàu Mỹ và chỉ liên tục bắn tên lửa đạn đạo vào Israel.

Theo Wall Street Journal