1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đối đầu không tiếng súng Trung - Mỹ

(Dân trí) - Trong khi cả thế giới đang dồn sự tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn luôn để mắt tới một “đối thủ” tiềm tàng khác, đó là Trung Quốc.

Máy bay F/A-18E Super Hornet và tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ (Ảnh: US Navy)
Máy bay F/A-18E Super Hornet và tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Trở về sau chuyến đi kéo dài 6 ngày tới khu vực Thái Bình Dương, Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 30/10 cho biết Triều Tiên là mối đe dọa tức thì với Mỹ, còn Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài. Tướng Joe cho rằng quân đội Mỹ cần dành thêm nhiều thời gian để đảm bảo chắc chắn rằng họ không thể lãng quên vấn đề sống còn dài hạn này.

“Chúng ta đã sẵn sàng (đối phó) với Triều Tiên. Nhưng một cuộc chiến ngang hàng với Trung Quốc vẫn là một thách thức thực sự”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận định.

Trong khi đó, NBC dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ nhận định “Trung Quốc là mối đe dọa cấp bách nhất đối với Mỹ ở Thái Bình Dương”, còn Triều Tiên là một vấn đề “ngắn hạn”. Theo quan chức này, Washington có thể “chiến thắng” trong cuộc chiến với Bình Nhưỡng, song chưa chắc đã giành ưu thế trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Các mối quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay gồm: các hoạt động xây đảo trái phép trên các vùng biển, đánh cắp công nghệ, thao túng tiền tệ, tấn công mạng và sự gây hấn cả về quân sự lẫn phi quân sự.

Giới chức quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương cảnh báo, bằng cách tạo ra những thay đổi dần dần trong trật tự quốc tế, Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu cao nhất là trở thành quốc gia “thống trị”. Khi đó, Trung Quốc sẽ dùng luật theo ý muốn, lờ đi những quy định mà nước này không muốn và cuối cùng các quốc gia khác sẽ buộc phải tìm cách thích nghi theo Bắc Kinh.

“Trung Quốc đang trên đường giành chiến thắng mà không cần phát động một cuộc chiến”, quan chức Mỹ cho biết.

Các bước đi của Trung Quốc

Các máy bay quân sự H-6K và Su-30 của Trung Quốc di chuyển về phía tây Thái Bình Dương (Ảnh: Kyodo)
Các máy bay quân sự H-6K và Su-30 của Trung Quốc di chuyển về phía tây Thái Bình Dương (Ảnh: Kyodo)

Một trong những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thay đổi các quy tắc là các động thái xây đảo nhân tạo trái phép của nước này trên Biển Đông. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã ngang nhiên biến các đá và bãi cát trên Biển Đông thành các căn cứ quân sự của nước này, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc từng tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của nước này. Nếu Bắc Kinh thực sự triển khai ADIZ và cộng đồng quốc tế chấp nhận việc đó, các đảo này sẽ được coi là lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo giới chức Mỹ, các căn cứ quân sự đặt trên các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tạo cho Bắc Kinh vị trí đủ gần để tấn công tất cả các căn cứ đang hoạt động của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả các đồng minh thân cận của Mỹ. Thông qua việc đặt các căn cứ của Mỹ trong tầm tấn công, Trung Quốc đang bào mòn dần các ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực.

Các quan chức Mỹ cũng chỉ ra một chiến lược khác mà Trung Quốc đang áp dụng, đó là triển khai các lực lượng quân sự vỏ bọc. Chiến lược này được gọi là “xung đột kép”. Ví dụ, các tàu cá dân sự của Trung Quốc được chỉ định hoạt động dưới sự kiểm soát của các chỉ huy quân sự. Theo đó, Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng chính các tàu cá này để quấy nhiễu hoặc tấn công tàu của các nước khác trong khi các tàu nước ngoài không nhận ra rằng họ đang đương đầu với lực lượng quân sự của Trung Quốc.

Căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam (Ảnh: Reuters)
Căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay tầm xa như máy bay ném bom H6K nhằm tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Việc H6K thường xuyên hoạt động trên vùng biển quốc tế cách đảo Guam của Mỹ khoảng 1.600 km đã đặt vùng lãnh thổ Mỹ vào tầm tấn công của các tên lửa hành trình phóng từ các máy bay ném bom này. Một quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang “luyện tập tấn công Guam” và mô tả các động thái này là “thông điệp” Bắc Kinh muốn gửi tới Washington.

Tương tự mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc cũng khiến nhiều nước lo ngại về nguy cơ tính toán sai lầm hoặc hiểu lầm từ các hoạt động trên thực tiễn. Năm 2016, các máy bay quân sự của Nhật Bản đã xuất kích 900 lần để đối phó với các máy bay Trung Quốc trong khu vực. Việc chặn máy bay Trung Quốc với tần suất liên tục cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, với Bắc Kinh. Giới chức Mỹ cho rằng đây chính là “điểm nóng” tiềm tàng tại khu vực, đồng thời cảnh báo các vụ “chạm mặt” giữa các máy bay quân sự có thể dẫn tới nguy cơ xung đột.

Thành Đạt

Theo NBC