1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc đọ sức giữa "kỵ binh thép" và "sói xám Siberia" ở chiến trường Ukraine

Ngọc Huy

(Dân trí) - Dù số lượng xe tăng Challenger-2 được viện trợ cho Ukraine chỉ có 14 xe, nhưng chúng được cho là loại vũ khí bất bại và có thể thay đổi chiến sự.

Cuộc đọ sức giữa kỵ binh thép và sói xám Siberia ở chiến trường Ukraine - 1

Xe tăng T-90M của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Xe tăng Challenger-2 do Anh chế tạo mới đây đã đánh mất danh tiếng bất bại gần làng Robotine, vùng Zaporizhia trước tên lửa chống tăng Kornet của Nga. Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm hơn cả là nếu Challenger-2 "kỵ binh thép" đụng độ T-90M "sói xám Siberia" trên chiến trường Ukraine thì kết quả thế nào?

Hỏa lực: Pháo Challenger-2 "trên cơ", T-90M có nhiều lựa chọn

Theo các thông tin về phiên bản Challenger-2 được Anh viện trợ cho Ukraine kèm đạn chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên làm từ hợp kim uranium nén hay DU (Uranium nghèo), đây là dòng xe tăng sử dụng pháo nòng trơn cỡ 120mm theo chuẩn NATO.

Điều này đồng nghĩa rằng, Challenger-2 của Ukraine không được trang bị kiểu đạn chống tăng nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH) đặc biệt vốn được thiết kế riêng cho loại pháo nòng rãnh xoắn đặc biệt của xe tăng Anh.

Đạn DU do Công ty BAE Systems Land & Armaments chế tạo có khả năng xuyên 750-800mm giáp thép ở cự ly 2km. Nếu bỏ qua các yếu tố về ô nhiễm và nguy hại cho con người bởi vật liệu phóng xạ, loại đạn đặc biệt này thực tế là vũ khí chống thiết giáp rất hiệu quả khi chúng có tỷ khối cao hơn đáng kể so với thép gia cường trong giáp của xe tăng.

Khi va chạm và chọc qua giáp xe tăng, thanh xuyên DU sẽ vỡ vụn và bốc cháy trong khoang xe để phá hủy hoàn toàn xe tăng đối phương.

Tuy nhiên, phía Nga cũng có đạn DU trang bị cho xe tăng T-90M. Dù thông số loại đạn pháo chống tăng này không được thông tin quá nhiều, nhưng các nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga khẳng định, đạn của họ có khả năng xuyên phá gần tương đương các loại đạn cùng loại của Mỹ và NATO.

Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga chưa sử dụng loại đạn này trên chiến trường do lo ngại những hậu quả lâu dài về môi trường và sức khỏe con người do hợp kim phóng xạ của đạn gây ra. Giới chức quân sự Nga nhấn mạnh, nếu đạn DU được Ukraine sử dụng, Moscow có thể đáp trả bằng loại vũ khí tương tự.

Không chỉ có đạn uranium nghèo, xe tăng T-90M vẫn có lợi thế đáng kể về vũ khí tấn công tầm xa nhờ tên lửa chống tăng 9M119M Refleks (NATO định danh là AT-11 Sniper) bắn qua nòng pháo chính.

Dòng tên lửa chống tăng bám chùm laser này có tầm bắn hiệu quả từ 4 tới 6km. Tại chiến trường Ukraine đã xuất hiện hình ảnh về việc T-90M tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách gần 7km bằng tên lửa Refleks.

Với khả năng xuyên hơn 800mm giáp thép, nếu không trúng chỗ hiểm tên lửa 9M119M có thể chưa phá hủy ngay được Challenger-2, nhưng vụ nổ của đầu đạn nặng 4,5kg đủ để thổi bay hoặc làm hư hại các thiết bị trinh sát, liên lạc và dẫn bắn trên tháp pháo xe tăng đối phương.

Với tầm bắn xa, T-90M có thể chủ động tung 1-2 đòn tấn công phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào xe tăng Challenger-2 trước khi 2 bên vào khu vực "đấu pháo" bằng đạn chống tăng dưới cỡ.

Cuộc đọ sức giữa kỵ binh thép và sói xám Siberia ở chiến trường Ukraine - 2

Xe tăng Challenger-2 do Anh viện trợ cho Ukraine đã bị Nga phá hủy (Ảnh: Air Power).

Khả năng bảo vệ: Giáp Chobham của Challenger-2 có ưu thế

Với tổng khối lượng của xe lên tới 75 tấn, trong đó khối lượng giáp bảo vệ chiếm khoảng 53% trọng lượng xe, nên không quá khó hiểu tại sao Challenger-2 nổi tiếng ở khả năng bảo vệ và sống sót cao, đặc biệt khi lớp giáp bảo vệ của xe tăng Anh chính là giáp phức hợp Chobham thế hệ thứ 2 dưới tên gọi Dorchester.

Lớp giáp phức hợp này được cấu tạo từ các lớp thép, gốm chịu nhiệt và các lớp hợp kim ghép lại với nhau, có khả năng vô hiệu hóa các loại đạn lõm, tên lửa chống tăng bằng kết cấu "tổ ong" làm luồng xuyên bị mất năng lượng và bị triệt tiêu.

Đối với các loại đạn xuyên dưới cỡ, lợi dụng tính vô định hình của gốm và sự phân kỳ giữa các lớp vật liệu trong kết cấu giáp Chobham khiến thanh xuyên bị gãy, mất khả năng xuyên phá động năng.

Chính lớp giáp vừa dày vừa hiện đại này đã giúp tạo ra danh tiếng bất bại cho Challenger-2 trong suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, đối thủ của Challenger-2 là T-90M cũng sở hữu hệ thống giáp tuy không dày, nhưng nhiều lớp và đã được thử lửa chiến trường. Hệ thống giáp kết hợp cứng - mềm, gồm giáp composite phức hợp kết hợp cùng giáp phản ứng nổ Relic và hệ thống phòng thủ chủ động Shtora giúp xe tăng T-90M có khả năng sống sót tương đối cao.

Ngoài ra, xe tăng Nga còn trang bị thêm lớp vải ngụy trang đặc biệt Nakhitka có khả năng giảm bộc lộ hồng ngoại và hạn chế khả năng bị phát hiện bởi các phương tiện trinh sát của đối phương

Thực tế chiến trường tại Syria và Ukraine, xe tăng T-90 cũng đã minh chứng khả năng bảo vệ trước các loại tên lửa chống tăng hiện đại như TOW, Javelin bằng con số thiệt hại rất thấp.

Lợi thế trên chiến trường sẽ thuộc về bên nào phát hiện và khai hỏa vào đối phương trước.

Cuộc đọ sức giữa kỵ binh thép và sói xám Siberia ở chiến trường Ukraine - 3

Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo (Ảnh: PA).

Khả năng cơ động: Lợi thế thuộc về sói xám Siberia

Trọng lượng nhẹ, chỉ bằng 2/3 xe tăng Challenger-2, trang bị động cơ diesel tăng áp gần 1.200 mã lực nên T-90M có khả năng cơ động khá tốt trên nhiều loại địa hình, trong đó có địa hình bùn lầy đất đen tại Ukraine.

Còn ở phía bên kia, Challenger-2 nặng tới hơn 70 tấn, dù được trang bị động cơ diesel tăng áp 1.500 mã lực cũng khó có khả năng cơ động bằng xe tăng Nga, nhất là trong địa hình bình nguyên và lầy lội tại Ukraine.

Điều đó còn chưa kể tới hệ thống đường sá, cầu cống Ukraine liệu có chịu được tải trọng lớn của xe tăng Anh hay không. Ngoài ra, công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho cỗ chiến xa hạng nặng này là rất phức tạp.

Hệ thống liên lạc và chỉ huy trên trường: Quân đội Ukraine chứ không phải NATO

Các loại vũ khí Mỹ và phương Tây, trong đó có cỗ chiến xa Challenger-2 luôn được đánh giá cao ở khả năng liên kết dữ liệu, chia sẻ thông tin để tăng ưu thế tác chiến. Tuy nhiên, góc độ này chỉ đúng khi xe tăng Anh tham chiến quân binh chủng hợp thành của NATO, nhưng ở đây đang nói đến chiến trường Ukraine.

Xe tăng Challenger-2 chắc chắn không có sự phối hợp trao đổi với các phương tiện chiến đấu đồng minh từ trên bộ, trên không. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chiến đấu của chúng.

Bên cạnh đó, do có mối lo ngại các bí mật quân sự rơi vào tay Nga nếu Challenger-2 bị bắt giữ hoặc bị bỏ lại trên chiến trường, nên những hệ thống thông tin liên lạc tinh vi bị phía Anh loại bỏ. Điều tương tự cũng được Mỹ áp dụng với xe tăng M1 Abrams viện trợ cho Ukraine.

Cuộc đối đầu giữa "kỵ binh thép" Challenger-2 và "sói xám Siberia" T-90M vẫn chưa được ghi nhận trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra sẽ là cơ hội rất tốt để cả Anh và Nga có những bài học quý về thiết kế và phát triển xe tăng trong tương lai vì mục tiêu cuối cùng của thiết kế chính là tối đa hóa các điểm vượt trội và giảm thiểu thấp nhất tổn thất.