1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc "đại náo" châu Âu mới của hệ thống tên lửa phòng thủ Mỹ

(Dân trí) - Tranh cãi về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ lại bùng lên khi Ba Lan và Mỹ tuyên bố đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc bố trí hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan.

Như vậy, Mỹ lại tiến được thêm một bước đến đích năm 2011-2013 sẽ bố trí được 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan cộng với một cơ sở rađa ở CH Séc để hoàn thiện một hệ thống đã được lắp đặt ở Mỹ, Greenland, Anh, giữa lúc quan hệ Washington-Mátxcơva đang nguội lạnh vì cuộc xung đột Nam Ossetia.

 

Bên cạnh kế hoạch mở rộng NATO, việc Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (National Missile Defence system -NMD) đã trở thành vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. 

 

Cha đẻ của NMD

 

Thực chất Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia là một biến thể của SDI (Strategic Defence Initiative - Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, hay còn gọi là chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao") đã bị phá sản dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Nhưng do tham vọng muốn làm bá chủ thế giới, đầu năm 1991, Tổng thống Mỹ Bush "cha" tuyên bố định hướng phát triển SDI sang NMD - một dạng khác, với mục tiêu có vẻ "khiêm tốn" hơn.

 

Tròn 9 năm sau đó, Quốc hội Mỹ phê chuẩn "Đạo luật Phòng thủ Tên lửa Quốc gia" (NMD) do Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký; theo đó, Mỹ xây dựng một hệ thống tên lửa nhằm bảo vệ toàn bộ 50 bang nước Mỹ trước "nguy cơ" tên lửa đạn đạo hạt nhân.

 

Như vậy, NMD hình thành từ thời Bush "cha", đến thời Clinton tuy được ký thành "Đạo luật" nhưng vẫn chưa được triển khai.

 

Đến thời Tổng thống George W.Bush (Bush "con"), chỉ vài ngày trước khi nhậm chức Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, ông Bush công khai tuyên bố coi việc triển khai chương trình lá chắn phòng thủ chống tên lửa là ưu tiên hàng đầu, hứa hẹn triển khai NMD sớm nhất theo khả năng có thể không những trên mặt đất mà còn ở phạm vi rộng như ở trên biển, trên không và trong vũ trụ.

 

Ông Bush đã tuyên bố sẽ triển khai Chương trình NMD và nói rằng Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký với Liên Xô năm 1972 phải được "thay thế". Trước đây, Tổng thống Clinton coi Hiệp ước ABM là nền móng an ninh quốc gia của Mỹ, và nói rõ rằng ông sẽ tán thành NMD chỉ sau khi thoả thuận được với Nga, chứ không đơn phương xúc tiến NMD.

 

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) giữa Liên Xô-Mỹ ký năm 1972 (vốn cấm triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia) và sau đó tiến hành triển khai hệ thống này, đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Giới quân sự ngoại giao Nga có lý do thực sự để lo ngại vì ABM đảm bảo sự cân bằng tên lửa hạt nhân giữa hai nước.

 

NMD mới với những tham vọng cũ

 

Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bắt đầu được  thực hiện từ năm 2004, khi 10 tên lửa chống tên lửa vượt đại châu (tầm xa 5.500 km) được bố trí tại Alaska và California.

 

Phòng thủ tên lửa của Mỹ đi theo hai hướng: Hướng thứ nhất là phòng thủ tên lửa trên chiến trường khi xảy ra chiến tranh (nhằm bảo vệ binh sĩ, các căn cứ của Mỹ và đồng minh chống lại các tên lửa chiến lược có tầm bắn 700-800 km); Hướng thứ hai là xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu nhằm bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh chống lại các tên lửa đạn đạo tầm trung và xuyên lục địa (ICBM).

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ gồm ba phần: Phần chính được đặt trên đất liền (ở Alaska và California và 10 năm nữa ở châu Âu) có khả năng đánh chặn các ICBM tốt nhất. Phần thứ hai triển khai trên các tàu khu trục và tàu tuần dương được trang bị hệ thống kiểm soát và thông tin Aegis của Hải quân Mỹ (được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực gần lãnh thổ của một nước có thể trở thành kẻ thù); phần thứ ba là các vệ tinh do thám (hỗ trợ hoạt động cho hai phần nói trên).

 

Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tên lửa theo kế hoạch của Mỹ sẽ không thể bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ trước một cuộc tấn công ồ ạt bởi các tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn (MIRV). Để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ phải sử dụng các quân chủng vũ trang khác.

 

Những phản ứng gây hỗn loạn

 

Hỗn loạn đầu tiên xuất hiện ngay chính trong nội bộ nước Mỹ.

 

Chính các chuyên gia về chính sách quốc phòng của Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ là vô dụng và không hiệu quả. Ông Philip Coyle – một chuyên gia về lĩnh vực này, đã đưa ra các kết quả nghiên cứu, trong đó mô tả những đánh giá của chính quyền Mỹ về độ tin cậy của hệ thống phòng thủ chống tên lửa này là "sự thổi phồng vô trách nhiệm".

 

Ngay sau đó, một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng lâu nay luôn chỉ trích kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đã khẳng định với các nghị sĩ Mỹ rằng hệ thống này không những không thể bảo vệ đất nước, mà còn làm suy yếu những nỗ lực nhằm loại trừ các mối đe dọa hạt nhân thực sự đối với nước Mỹ.

 

Hỗn loạn tiếp theo xuất hiện trong quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

 

Ngay từ khi công bố Hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu, Mỹ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Đối với Nga, kế hoạch của Mỹ sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược, đe doạ an ninh của Nga và sự ổn định của châu Âu. Nga tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu Mỹ triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa gần các đường biên giới của Nga.

 

Nga cho rằng lá chắn tên lửa trên của Mỹ sẽ hủy hoại an ninh toàn cầu và khả năng răn đe chiến lược của Mátxcơva. Mới đây nhất, một tờ báo của Nga "úp mở" tin để đối phó với chiến lược của Mỹ, Nga sẽ lấy Cuba làm căn cứ tiếp xăng cho máy bay ném bom Tu-160 có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân để "khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan và Séc, thì máy bay ném bom chiến lược tầm xa của chúng tôi sẽ đổ bộ xuống Cuba".

 

CH Séc mới đây đã  ký thoả thuận cho phép Mỹ thiết lập một trạm rađa chống tên lửa tại nước này, nhưng động thái này đã ngay lập tức bị Nga lên án là "làm phức tạp thêm tình hình an ninh của châu Âu và thế giới". Còn Tại Ba Lan, thoả thuận sơ bộ đã bị dân chúng cực lực phản đối.

 

Nguyễn Viết