1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cục Dự trữ liên bang Mỹ không thay đổi mức lãi suất:

“Cuộc chơi” của siêu cường!

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm tan sóng trên các thị trường toàn cầu với quyết định không thay đổi mức lãi suất siêu thấp 0-0,25% đã duy trì suốt nhiều năm qua.

Trước đó, những đồn đoán về khả năng cơ quan quyền lực này sẽ chấm dứt sự kiên nhẫn với tỷ lệ lãi suất gần như bằng 0 để cứu nền kinh tế Mỹ khỏi bãi lầy khủng hoảng cách đây gần 7 năm đã khiến cả thế giới "nhớn nhác". Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, giá dầu thô cũng nhảy vọt và tỷ giá đồng USD giảm nhẹ khi các nhà đầu tư nhận được tín hiệu rõ ràng rằng Fed chưa có ý định điều chỉnh lãi suất vốn.
 
USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua so với đồng euro
USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua so với đồng euro

Về tổng thể, động thái này sẽ giúp "ghìm cương" đà tăng giá mạnh nhất của đồng USD kể từ năm 1992. Nhưng dù vậy thì đồng bạc xanh vẫn có thêm 20% giá trị so với đồng euro và yen Nhật chỉ trong vòng một năm qua.
 
Đã có những quan ngại về việc đồng nội tệ của Mỹ mạnh lên với cường độ như vậy sẽ khiến xứ Cờ hoa cách xa mục tiêu nâng lạm phát lên 2% và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty Mỹ có nhiều hoạt động ở nước ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc đó niềm vui lại đến với người dân Mỹ bởi họ có thể rủng rỉnh mua hàng hóa với giá rẻ hơn hay có thêm cơ hội thực hiện những chuyến du lịch nước ngoài với đồng tiền đang lên giá. Nhờ đó, sức mua của người dân Mỹ sẽ tăng và thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất. Điều này sẽ giúp cải thiện thị trường việc làm và tạo một môi trường kinh doanh nhộn nhịp hơn tại xứ Cờ hoa.
 
Trên bình diện quốc tế, việc đồng bạc xanh đang bỏ xa những đồng tiền khác sẽ khiến những nỗ lực nhằm đảo ngược đà lao dốc của giá dầu thô trở nên vô vọng. Đã trở thành quy luật, mỗi khi đồng tiền đang có vị trí số 1 trong thanh toán quốc tế mạnh lên, các mặt hàng có giá trị như dầu thô trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
 
Đặt trong bối cảnh Mỹ đang tham gia vào "cuộc chiến giá dầu" - hiện đã bóp nghẹt nền kinh tế của các đối thủ chính trị như Nga, Iran, Venezuela, thì việc đồng USD tăng cao chắc chắn sẽ trở thành một "trợ tá" đắc lực để Washington thực hiện chiến lược lâu dài nhằm duy trì vị thế thống soái nền chính trị và kinh tế thế giới.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008 đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống quản lý kinh tế Mỹ để sau đó xuất hiện những lời tiên đoán về sự yếu đi của cường quốc số 1 thế giới. Nhưng cho đến thời điểm này, không thể phủ nhận một sự thật là cái nôi của cơn khủng hoảng gần 7 năm trước cũng lại là điểm sáng rực rỡ nhất trong bức tranh có phần hỗn độn của nền kinh tế toàn cầu.
 
Trên thực tế, một đồng USD mạnh cũng là một phần của tờ giấy chứng nhận loại ưu cho sức khỏe của kinh tế Mỹ với những cải thiện rõ ràng và khá bền vững trên thị trường nhà đất, việc làm, sản xuất… trái ngược hoàn toàn với "con rồng" Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng hay một Châu Âu ì ạch tìm cách thoát khỏi những di chứng của cơn bão nợ công.
 
Đề cập tới vấn đề nợ nần, chuyện đồng USD đắt đỏ cũng đang là cơn ác mộng đối với nhiều nước, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển. Trong thời kỳ Fed bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích tăng trưởng, một làn sóng đi vay ồ ạt đã diễn ra bởi tiền quá nhiều và quá rẻ. Nhưng giờ đây, sự tăng giá của đồng bạc xanh khiến gánh nợ trên vai nặng nề hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tăng trưởng.
 
Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính giống như ở Châu Á năm 1998 cho dù không có nhiều dấu hiệu ủng hộ cho giả thuyết này. Song, vị thế kinh tế của Mỹ đã được nâng lên trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều quốc gia trở nên yếu đi.
 
Vì thế, dường như đợt tăng giá đột ngột thứ tư của đồng USD trong vòng 45 năm qua không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế mà còn hàm chứa những ý nghĩa chính trị để Mỹ thực hiện mục tiêu duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới.
Theo Vân Khanh
Hà Nội mới