1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine đã đưa máy bay không người lái (UAV) trở thành tâm điểm chú ý, giúp định hình lại tương lai của chiến trường khi cả hai bên đều cố gắng chiếm thế thượng phong trên không.

Cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng - 1

UAV bị bắn hạ phía trên Điện Kremlin, thủ đô Moscow, Nga hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters).

Theo Steve Wright, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về hệ thống điện tử hàng không và máy bay tại Đại học West of England, Vương quốc Anh, cuộc chiến UAV hiện nay giữa Nga và Ukraine rất căng thẳng.

Không chỉ bản thân công nghệ này đang phát triển với tốc độ cực nhanh, mà Kiev và Moscow cũng có khả năng thu thập nhanh chóng các UAV và sử dụng chúng để tạo lợi thế cho mình, ông Wright cho hay.

Thực tế cho thấy, UAV liên tục xuất hiện nổi bật trên truyền thông. Ngày 4/7, Nga cáo buộc Ukraine phóng 5 UAV vào thủ đô Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 4 UAV trong số này đã bị hệ thống phòng không của Nga phá hủy, và chiếc thứ 5 bị áp chế bởi hệ thống tác chiến điện tử.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Kiev tìm cách tấn công khu vực có các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả sân bay. Bà gọi đây là một hành động "khủng bố" khác của Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm. Cho đến nay vẫn chưa rõ bên nào đứng sau các cuộc tấn công bằng UAV vào Moscow.

Vào cuối tháng 5, Điện Kremlin tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất có thể sau khi 8 UAV nhắm vào Moscow. Thậm chí các blogger quân sự Nga nói rằng có tới 30 UAV nhắm vào thủ đô của nước này.

Đây là lần đầu tiên Moscow trở thành mục tiêu của UAV kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Xung đột ở Ukraine đang cho thấy vai trò ngày càng lớn của UAV trong các cuộc chiến hiện đại, khi mà cụm từ này xuất hiện trên các tiêu đề gần như hàng ngày.

Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek vào tháng 2 rằng, UAV đang được coi là "siêu vũ khí". "Cuộc chiến này là cuộc chiến của UAV", ông nói.

Ukraine đã đổ thời gian và tiền bạc vào việc gây dựng "đội quân UAV", nhưng đây không phải là đội quân duy nhất. Ukraine thường xuyên báo cáo về các đợt tấn công bằng UAV Shahed do Iran sản xuất, còn được gọi là UAV tự sát hoặc "kamikaze", nhằm vào các cơ sở hạ tầng của nước này.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, ngày 3/7, Nga phóng ít nhất 22 UAV Shahed nhằm vào cơ sở hạ tầng ở vùng Sumy ở Đông Bắc, Donetsk ở miền Đông và Zaporizhia ở miền Nam của Ukraine. Lực lượng phòng không Ukraine đã chặn được 16 UAV trong số đó.

Theo ông Wright, công nghệ UAV đang phát triển khá nhanh. "So với mức độ phát triển vũ khí thời Chiến tranh Lạnh, đó là tốc độ cực nhanh", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, khả năng của cả Nga và Ukraine trong việc thu thập và vận hành thành công UAV cũng đang tăng lên. Ukraine đã nhận được UAV từ những đồng minh phương Tây.

Trong khi đó, một số báo cáo, bao gồm tài liệu từ Bộ Quốc phòng Anh, nói rằng Moscow có thể sắp cạn nguồn cung UAV Shahed-131 và 136, và hoạt động sản xuất UAV quân sự trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo Newsweek