1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc chiến tranh lạnh thầm lặng của Trung Quốc

Mục tiêu của chiến dịch tạo ảnh hưởng khắp thế giới mà Trung Quốc tiến hành là nhằm thay thế vị thế siêu cường dẫn dắt của Mỹ.

Đó là nhận định của ông Michael Collins, phó trợ lý giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), tại Diễn đàn an ninh Aspen tổ chức ở Mỹ hôm 20-7.

Theo ông Collins, Trung Quốc đang triển khai một "cuộc chiến tranh lạnh thầm lặng" nhằm vào Mỹ. Tuy không muốn gây chiến tranh thực sự song Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động trên nhiều mặt trận để làm suy yếu Washington.

"Trung Quốc muốn mọi quốc gia trên thế giới sẽ chọn đứng về phía họ, thay vì Mỹ, khi quyết định các chính sách" - ông Collins nhấn mạnh về điều ông gọi là "thử thách toàn cầu lớn nhất mà Mỹ hiện đối mặt".


Một cuộc tập trận của Mỹ - Hàn trong năm 2015. Ảnh: AP

Một cuộc tập trận của Mỹ - Hàn trong năm 2015. Ảnh: AP

Trước ông Collins, cũng tại diễn đàn trên, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats đều chỉ ra nguy cơ từ Trung Quốc. Theo ông Wray, các cuộc điều tra chống gián điệp kinh tế mà FBI đang thực hiện ở tất cả 50 bang đều truy ngược dấu vết về phía Trung Quốc. Ông Coats cũng chỉ trích Trung Quốc đẩy mạnh đánh cắp bí mật thương mại và nghiên cứu học thuật.

Về khía cạnh quân sự, ông Marcel Lettre, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ, lưu ý Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, lực lượng bộ binh thường trực đông nhất thế giới, không quân lớn thứ ba thế giới. Hải quân của họ có 300 tàu chiến, bao gồm hơn 60 tàu ngầm.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng nhận ra thách thức khi công bố chiến lược an ninh quốc gia mới vào tháng 12 năm ngoái, trong đó có các bước đi chống Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, không gian mạng cũng như hợp tác với đối tác khắp thế giới để thuyết phục Bắc Kinh tuân thủ các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Và biển Đông, theo quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton, có khả năng trở thành nơi mà sự hiện diện của Mỹ có thể ép Bắc Kinh đàm phán với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Nguyên nhân khiến Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng được ông Collins và bà Thornton chỉ ra là nhờ tận dụng các sự kiện diễn ra trong vòng một thập kỷ qua. "Người Trung Quốc rất giỏi chớp thời cơ, nhất là khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Trung Đông (sau vụ khủng bố 11-9-2001) và tiếp đó thế giới mắc kẹt trong khủng hoảng tài chính" - bà Thornton nói. Theo quan chức này, Mỹ có thể củng cố vị thế bằng cách sử dụng quyền lực mềm - được đánh giá là mạnh và thu hút hơn quyền lực mềm của Trung Quốc.

Theo Hải Ngọc

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm