1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến Syria: Nga-Mỹ từ đối đầu đến... thỏa thuận?

Nếu Nga-Mỹ hợp tác chống khủng bố thì IS sẽ bị xóa sổ khỏi lãnh thổ Syria. Và, cuộc chiến Syria đã đến lúc dừng lại…

Cuộc xung đột Syria vẫn chưa đạt đến giai đoạn cuối cùng của nó. Tuy nhiên, hình ảnh của thời hậu chiến Syria đã bắt đầu xuất hiện trên 2 phương diện: phân chia các vùng an ninh và các hợp đồng, thỏa thuận của Nga-Syria, Iran-Syria.

Bối cảnh

Liệu có quá sớm không khi bàn đến hậu chiến Syria trong lúc cuộc chiến giữa liên minh Nga-Syria-Iran-Hezbollah với IS đang rất quyết liệt? Khi một giải pháp chính trị do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran bảo lãnh đang rất mong manh?

Thực tế trên chiến trường Syria hiện nay, sau khi quân đội Assad đã kiểm soát được nguồn nước cấp cho Damascus thì trận chiến giữa họ với các lực lượng nổi dậy đã đang dịu lại. Nhà nước Hồi giáo IS đã trở thành đối tượng tác chiến trực tiếp của Nga-Syria, của Thổ Nhĩ Kỳ tại 3 điểm nóng: al - Abab, Palmyra và Dier Ezzor.

Nếu như trong tháng 12/2016, IS đã mở cuộc tấn công bất ngờ gây ra những khó khăn, tổn thất cho Nga-Syria tại Palmyra, Dier Ezzor thì đến nay tình thế đó đã được khắc phục. Sai lầm về chiến dịch, chiến lược của IS đã khiến cho IS ngày càng đuối sức tấn công và tổn thất khó có thể chịu đựng nổi đã buộc IS phải rút quân khỏi Palmyra và Dier Ezzor là tất yếu mà lẽ ra phải sớm hơn.

Khi Nga, Mỹ, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, YPG đều cùng hợp sức tấn công thì IS sẽ không tồn tại và, may mắn thay đã có biểu hiện cho sự hợp tác đó khi hiểu được tại sao Mỹ cung cấp cho YPG xe bọc thép và Nga đã đưa sang chiến trường Syria xe GAZ Vodnik?...

Rõ ràng khi IS đã, đang sắp bị “phanh thây” thì lực lượng “ăn theo” IS nào là đối lập, ôn hòa… nên ngồi im hưởng lợi trong một giải pháp chính trị sắp tới nếu như không muốn bị ghép vào thành phần khủng bố. Quân đội Syria đã đủ mạnh để tận diệt.

Có thể nói “hòa bình” cho Syria đang từng bước đến gần nếu như các ông lớn Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có tiếng nói chung và quyền lợi riêng sau hơn 6 năm chiến tranh đẫm máu trên mảnh đất Syria.

Những hợp đồng với nước ngoài lớn nhất lịch sử Syria

Với Nga. Moscow và Damascus đã ký một thỏa thuận vào ngày 18/1/2017 mà theo đó Nga được quyền sử dụng và xây dựng cảng Tartus của Syria thành một căn cứ Hải quân trong thời hạn 49 năm và được tự động gia hạn thêm 25 năm.

Việc có căn cứ hải quân Tartus tại Địa Trung Hải của Nga đã tăng độ an toàn và chủ động của Hạm đội Biển Đen Nga. Thông qua các hệ thống phòng thủ, tấn công được bố trí tại Tartus và các lực lượng tàu chiến thường trú, Hải quân Nga đủ sức kiểm soát Địa Trung Hải và tạo ra một điểm tựa chắc chắn cho hoạt động tác chiến hướng ra Đại Tây Dương.

Nếu như trước đây, eo biển Bosphorus là tử huyệt Hải quân Nga thì việc có căn cứ hải quân tại Tartus, Nga đã giải quyết được tử huyệt này, khiến cho giá trị eo biển Bosphorus không đủ sức gây áp lực lên ý chí chính trị của Kremlin. Quân cảng Tartus Nga chính là sức mạnh trụ cột của Nga tại Trung Đông và không phải ngẫu nhiên mà chỉ huy căn cứ này là cấp Phó Đô đốc Hải quân Nga.

Như vậy có thể nói căn cứ Hải quân Nga tại Tartus chỉ là phần thưởng nhỏ của chính quyền Assad và nhân dân Syria cho Nga trong thời gian qua. Tất nhiên, căn cứ Hải quân Nga cũng đem lại lợi ích lâu dài cho Syria.

Với Iran. Trong cùng một tuần, Iran cũng nhận được phần thưởng của mình tại Syria, không kém phần Nga được nhận.

Tại Tehran, Iran và Syria đã ký kết một thỏa thuận trong khuôn khổ của các giao dịch kinh tế được coi là lớn nhất trong lịch sử của Syria. Theo hiệp định, Iran đã có cơ hội để thực hiện các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực truyền thông, ngành công nghiệp dầu mỏ và nông nghiệp.

Phù hợp với 5 bản ghi nhớ được ký bởi Thủ tướng Chính phủ của Syria Imad Khamis ở Tehran, Iran nhận được một giấy phép để triển khai mạng di động tại Syria, các hợp đồng đã ký cho việc khai thác phốt phát. Syria sẽ cung cấp 5.000 ha đất nông nghiệp và tạo ra các cảng dầu và khí đốt. Ngoài ra, một thỏa thuận đã được ký kết để cung cấp đất cho chăn nuôi gia súc…

Cuối cùng, một câu hỏi đặt ra là liệu các giao dịch (hiệp định ký kết) này của chính quyền Assad với Nga cũng như với Iran có tính bắt buộc với bất kỳ chính phủ nào của Syria sau giải pháp chính trị đã đang xảy ra?

Không ai phải lo về chuyện này vì Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… là thành phần chính bảo lãnh cho một giải pháp chính trị của Syria tương lai thì họ sẽ biết phải làm gì. Không dễ gì Iran im lặng khi lực lượng đối lập yêu cầu quân đội Iran phải rút hết khỏi Syria…

Những khu vực an ninh trên lãnh thổ Syria

Rõ ràng là các thỏa thuận đã ký giữa Nga, Iran với Syria sẽ không yên, không có thể ổn định bền vững lâu dài nếu như bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và người Kurd Syria.

Tờ DEBKA của Israel đã đưa ra một bản đồ phân chia khu vực ảnh hưởng an ninh mà theo họ được cho là thỏa thuận giữa Putin và Trump.

Những khu vực này dựa theo tình hình phân bố lực lượng hiện tại thì hoàn toàn đúng với thực lực các bên và không có gì là vô lý nếu như Nga, Iran và chính quyền Assad muốn tạm thời dừng cuộc chiến tại thời điểm này.

Sự phân chia khu vực an ninh tại Syria không có gì lạ nhưng có một điểm mới là Mỹ có thêm một khu vực an ninh phía Nam Syria giáp Israel và Jordan.

Cuộc chiến Syria: Nga-Mỹ từ đối đầu đến... thỏa thuận? - 1

Theo bản đồ này thì toàn bộ phía Đông sông Euphrates là khu vực của người Kurd chịu ảnh hưởng của Mỹ và phía Nam Syria thực chất là một vùng đệm an ninh cho Israel.

Vùng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài khoảng 650 km dọc theo toàn bộ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và có chiều sâu từ 35 đến 50 km vào lãnh thổ Syria lên đến al-Bab, đúng như ý đồ của Ankara đề ra trước đây.

Không nói đến những khu vực đang bị IS kiểm soát, nhưng trong tình thế hiện nay khi Mỹ và YPG đang tấn công Raqqa, họ đang bước đầu cắt đứt nguồn cấp nước cho Raqqa thì khả năng Nga-Syria-Iran sẽ giành Palmyra và Dier Ezzor còn Raqqa sẽ là thủ phủ của người Kurd Syria chăng?

Nếu như việc phân chia vùng an ninh, ảnh hưởng như bản đồ trên là thật, có độ tin cậy cao thì Mỹ được lợi, Israel có vùng đệm… thì Nga có gì ngoài căn cứ hải quân Tartus? Xin hãy đến Ukraine.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt