1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến Syria: Chi tiết buổi điểm danh sức mạnh Nga

Từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Syria bắt đầu, các chuyên gia quân sự đều hiểu rằng Syria sẽ trở thành bãi thử cho vũ khí của Nga.

1. Tính đến thời điểm này, qua tuyên bố mới đây ngày 10/5/2016 của TT Nga V.Putin, lại thêm một điều nữa được làm rõ - đó là giới lãnh đạo cao nhất của Nga sẽ trực tiếp kiểm soát công tác phân tích kết quả tác chiến của các lực lượng vũ trang Nga tại Syria.

Ngày 10/5 /2016,Tổng thống Nga V.Putin sau khi đã đánh giá cao kết quả ban đầu của chiến dịch quân sự tại Syria đã nhấn mạnh: “Chiến dịch tại Syria cũng đã cho thấy (Lực lượng vũ trang Nga) còn có một số vấn đề , một số nhược điểm nhất định. Cần phải nghiên cứu cực kỳ cẩn thận từng vấn đề.

Cuộc chiến Syria: Chi tiết buổi điểm danh sức mạnh Nga - 1

Các máy bay cường kích Su-25 của cụm quân Bộ đội đường không- vũ trụ Nga trước khi xuất kích tại sân bay Khmeimim. Ảnh: Vadim Grishnaski / Cục báo chí và thông tin Bộ quốc phòng Nga /TASS

Tôi muốn nói tới một cuộc điều tra chuyên nghiệp, một sự phân tích chi tiết nhất và sau đó áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục những tồn tại trên. Làm được như vậy (điều tra và phân tích) sẽ cho phép chúng ta (Nga) điều chỉnh hướng phát triển tiếp theo và hoàn thiện các mẫu vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự”.

2. Cũng dễ hiểu là những điểm yếu của Quân đội và Hải quân Nga được “phát hiện” qua chiến dịch tại Syria sẽ không bao giờ được công bố công khai. Đây là thông tin đóng dấu “mật”, thậm chí “ tuyệt mật” và chỉ dành cho một số ít tướng lĩnh, các nhà thiết kế và lãnh đạo tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

3. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu của chiến dịch Syria của Nga cũng đang được các chuyên gia, cả Nga và đặc biệt là các chuyên gia của những “đối tác” nghiên cứu kỹ không kém giới lãnh đạo chính trị- quân sự Nga. Ngoài ra, còn có “các thông tin rò rỉ” trên báo chí cũng về những nội dung này. Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin như vậy qua bài tổng hợp của chuyên gia quân sự Nga Sergey Ishenko với tiêu đề “Chiến dịch Syria – bài tập về nhà” đăng trên báo “Svobodnaia Pressa” ngày 13/5/2016 .

“Đối với chúng ta (Nga) thì chiến tranh tại Syria - trước hết đó là các hoạt động phối hợp tác chiến của Bộ đội đường không – vũ trụ và Hải quân (Nga) ở một khu vực cách xa điểm đóng quân thường xuyên.

Chính vì vậy mà chúng ta sẽ tổng kết riêng theo từng quân chủng:

Trên trời

Máy bay ném bom chiến trường Su-24 M đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên bầu trời Syria . Ảnh: Cục báo chí và thông tin Bộ Quốc phòng Nga
Máy bay ném bom chiến trường Su-24 M đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên bầu trời Syria . Ảnh: Cục báo chí và thông tin Bộ Quốc phòng Nga

Tất cả các chuyên gia trên thế giới đều ghi nhận tần xuất suất kích tác chiến rất cao (tổng cộng hơn 10.000 chuyến xuất kích tác chiến, có giai đoạn tới 150 chuyến/ngày - đêm) và công tác tổ chức tuyệt vời của Không quân chiến trường và Không quân Lục quân (máy bay lên thẳng) Nga.

Chính điều đó đã có vai trò quyết định trong việc tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh và đồng thời cũng hạn chế tối đa tổn thất trong và ngoài tác chiến (trong khai thác sử dụng) của Cụm quân Nga tại Syria.

Thực tế này càng gây ấn tượng mạnh nếu nhớ rằng, chỉ 7 năm trước đây, trong cuộc chiến ngắn ngủi tại Nam Osetia các phi công của chúng ta đã không có một thành tích nào để mà tự hào. Ví dụ, tháng 8/2008, Không quân chiến đấu Nga chỉ trong 4 ngày tác chiến với một đối thủ yếu hơn rất nhiều đã mất tới 7 máy bay.

Trong số đó thậm chí có cả máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3. Còn 4 chiếc nữa bị hư hỏng nặng. Sau này, các nhà phân tích chỉ ra rằng tổn thất lớn nhất của Không quân Nga chủ yếu lại do chính hỏa lực của Lực lượng phòng không Nga gây ra.

Trong khi đó, tần suất các lần xuất kích tác chiến tại Nam Oxetia thua xa chỉ số tương tự tại Syria. Cụ thể: Trung đoàn không quân cường kích số 369 đóng tại thành phố Budenovsk chỉ tiến hành tổng cộng 86 chuyến xuất kích tác chiến.

Nhưng sau các đòn tấn công tên lửa và ném bom vào các trận địa của quân đội Gruzia và dù các phi công đã không gặp phải một sự chống trả đáng kể nào của (phòng không) đối phương thì cũng đã có tới 3 chiếc Su- 25 không trở về căn cứ và có 2 “ Chim quạ ” (tức Su-25) nữa bị hư hỏng nặng, sau đó không lâu đã buộc phải đưa ra khỏi trang bị .

Ở Syria, tình hình hoàn toàn khác. Tổn thất trong tác chiến (nếu có thể gọi như vậy) là thảm kịch ngày 24/11/ 2015. Xin nhắc lại , lúc đó chiếc máy bay ném bom chiến trường Nga Su - 24M2 đã bị máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ F-16C bắn hạ tại khu vực biên giới nước này.

Khi tìm cách cứu tổ lái Su-24, một chiếc máy bay lên thẳng Mi-8AMTSH chở nhóm tìm kiếm - cứu nạn đến vị trí máy bay ném bom gặp nạn cũng đã bị hỏa lực phòng không của quân khủng bố bắn hạ.

Còn tổn thất trong khai thác (tổn thất ngoài tác chiến), thì trong vòng hơn nửa năm chỉ duy nhất có một trường hợp. Ngày 12/4/2016, trong một chuyến bay đêm, chiếc máy bay lên thẳng tấn công Mi-28N “ Thợ săn đêm” đã gặp nạn .Cả 2 phi công thiệt mạng.

Kết quả điều tra cho thấy máy bay có tình trạng kỹ thuật tốt, nguyên nhân tai nạn như thường nói là do “yếu tố con người”. Trong điều kiện tầm nhìn rất hạn chế, các phi công đã mất định hướng không gian và lái máy bay lao xuống đất .

Nhưng tất cả những điều đó có nói lên rằng trong hoạt động của Cụm không quân Nga đóng tại sân bay Khmeimim ở Syria tất cả mọi việc đều hoàn hảo? Tất nhiên, không phải là như vậy .

Trước hết, cả các chuyên gia quân sự Nga và Mỹ đều có chung nhận xét là Cụm không quân Nga (tại Syria) chỉ có một số lượng vũ khí chính xác cao rất hạn chế.

Ví dụ, ngày 24/2/2016, trang mạng “Strategy Page” đưa tin là dưới cánh các máy bay ném bom chiến trường Nga Su-34 có treo các tên lửa chống hạm Kh-35. Trong khi đó tại các khu vực lân cận căn cứ Khmeimim không có các mục tiêu trên biển nào. Chính vì thế mà các chuyên gia của trang mạng này cho rằng các phi công Nga chuẩn bị sử dụng Kh-35 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Tuy vậy, “Strategy Page” cũng cho rằng loại vũ khí chính xác cao nói trên cũng có thể được sử dụng không chỉ để tiêu diệt các tàu của đối phương. Tên lửa Kh-35 được đưa vào trang bị năm 2003 với tầm bắn đến 130 km cũng có thể thích hợp cho một cuộc chiến tranh trên bộ.

Nhưng vấn đề là ở chỗ nó đắt hơn rất nhiều so với các loại vũ khí – đạn dược hàng không có điều khiển thông thường. Từ thực tế trên các chuyên gia Phương Tây cho rằng việc máy bay ném bom chiến trường Nga buộc phải mang Kh-35 dưới cánh không phải là tín hiệu tốt đối với quân Nga tại Syria. Chắc chắn đây là do thiếu các vũ khí hiện đại “chuyên dụng” trầm trọng .

Giám đốc Trung tâm chiến lược và công nghệ (Nga) Ruslan Pukhov cũng đồng ý với nhận định trên của các chuyên gia Phương Tây. Ông cho rằng: “Mặc dù có những tiến bộ rõ rệt, nhưng nếu xét từ góc độ kỹ thuật thì khả năng của Bộ đội đường không – vũ trụ Nga trong Chiến dịch Syria chỉ ở mức khả năng của Không quân Mỹ trong thời kỳ lực lượng này tiến hành chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991. Có nghĩa là tụt hậu xa so với Không quân Mỹ nói riêng và Không quân Phương Tây hiện đại nói chung.

Các loại vũ khí chính xác cao mà Bộ đội đường không – vũ trụ Nga sử dụng trong Chiến dịch Syria chủ yếu là những loại được điều chỉnh bằng vệ tinh. Phương pháp dẫn đường này có những hạn chế, trong đó có cả hạn chế về độ chính xác.

Các bom KAB-500S 500 kg và tên lửa có cánh thường có sức công phá mạnh quá mức cần thiết đối với các mục tiêu thường gặp trong cuộc chiến tranh này. Không quân Nga có quá ít (hoặc thậm chí không có) các phương tiện (vũ khí) chính xác cao để tấn công các mục tiêu di động, các mục tiêu có kích thước nhỏ và các mục tiêu kiên cố”.

Rõ ràng, việc sử dụng tên lửa có cánh chính xác cao tầm xa hiện đại nhất Kh-101 phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160 để tấn công các mục tiêu của IS là quá lãng phí. Còn từ Tu-95MS- là các tên lửa có cánh Kh-555 – tức biến thể không mang đầu đạn hạt nhân của Kh-55.

Nhưng ai cũng hiểu rằng Kh-101 và Kh-555 được thiết kế để sử dụng cho các cuộc chiến tranh lớn, để tiêu diệt các mục tiêu cực kỳ quan trọng và kích thước lớn. Những loại tên lửa này đã và sẽ rất không nên sử dụng tại chiến trường Syria. Nhưng tại sao vẫn sử dụng? Vì Bộ đội đường không – vũ trụ Nga có quá ít vũ khí chính xác cao”.

Vẫn theo R. Pukhov, chiến dịch Syria cũng cho thấy rõ sự tụt hậu của Nga trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái. Điều đó dẫn đến những khó khăn rất lớn trong tổ chức trinh sát và chỉ mục tiêu trên trận địa.

“Tình hình tệ hơn cả là với các máy bay không người lái tấn công, - người Mỹ từ lâu đã không tiến hành một cuộc chiến tranh nào nếu không có loại máy bay này. Còn chúng ta (Nga) nói chung là chưa có máy bay không người lái tấn công.

Công tác nghiên cứu thiết kế (loại máy bay không người lái tấn công) triển khai quá muộn và cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn thành. Tình hình cũng tương tự như vậy với các máy bay không người lái tầm xa có trọng lượng cất cánh từ 1 đến 5 tấn.

Trong trường hợp lạc quan nhất thì cũng phải đến cuối thập kỷ này những máy bay không người lái như vậy mới được đưa vào trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga”.

Trên Biển

Được đánh giá cao hơn cả trong chiến dịch Syria là các thủy thủ Nga. Trong các chiến dịch đường không - vũ trụ đang còn tiếp tục chống quân khủng bố, các thủy thủ đã phải thực hiện các nhiệm vụ sau :

- Cung cấp liên tục và đầy đủ vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, lương thực thực phẩm và các vật chất đảm bảo khác cho Quân đội Assad và Cụm quân Nga ở Syria;

- Yểm trợ cánh duyên hải, thực hiện nhiệm vụ phòng không và chống biệt kích cho các đơn vị của chúng ta (Nga);

- Sử dụng vũ khí chính xác cao từ các cụm tàu để tấn công các mục tiêu của quân khủng bố.

Đối với nhiệm vụ thứ nhất, việc thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi một nỗ lực cao độ. Để có thể tổ chức “cầu vận tải đường biển” chắc chắn giữa Novorosisk (cảng trên bờ Biển Đen – Nga) và Tartus trên Biển Địa Trung Hải, Hải quân Nga đã phải huy động gần như toàn bộ các tàu đổ bộ cỡ lớn còn khả năng hoạt động.

Cụ thể hơn – 16 trong số 19 chiếc. Trong đó có cả những tàu từ các Hạm đội Thái Bình Dương sang và từ Hạm đội Phương Bắc xuống. Từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2016, đã có tới 80 chuyến tàu tới Syria. Nếu tính đến khoảng cách giữa bờ biển Nga và chiến trường Syria thì có thể coi đây là đã đến ngưỡng khả năng của Hải quân Nga.

Thêm nữa, “độ tuổi trung bình” của các tàu đổ bộ cỡ lớn là 27 năm. Nếu trong các điều kiện khác thì lẽ ra chúng đã phải được thanh lý. Nhưng hiện không có tàu mới thay thế và cũng sẽ chưa có. Trong khoảng 2 năm tới Hải quân Nga hy vọng nhận được tối đa là 2 tàu đổ bộ cỡ lớn dự án 11711 lớp “ Ivan Gren”.

Chiếc tàu đầu tiên của dự án này với tên gọi như trên đã được đóng từ nhiều năm nay ở Kalinhingrad, nhưng vẫn chưa được đưa vào thử nghiệm. Chiếc tàu thứ hai của dự án trên – “ Petr Morgunov” mới được khởi công đóng tháng 6/2015.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả trong trường hợp các kế hoạch trên được thực hiện – thì chỉ có 2 chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn cho 4 Hạm đội (của Hải quân Nga) – cũng là quá ít. Chính vì vậy mà không thể không khẩn cấp điều chỉnh chương trình đóng tàu trong lĩnh vực này (đóng tàu đổ bộ).

Cũng cần phải làm điều gì đó với các tàu tấn công cỡ lớn chủ yếu của Hạm tàu Nga tại Địa Trung Hải. Hạt nhân của Lực lượng hải quân Nga tại Địa Trung Hải ngay từ khi bắt đầu chiến dịch Syria là tàu tuần dương cận vệ mang tên lửa dự án 1164 “Matxcova” .

Chính các tổ hợp phòng không S-300 F “Fort” của tàu này cùng với hệ thống phòng không mặt đất S-400 “Triumph” trực chiến tại sân bay Khmeimim cho đến tháng 1/2016 là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không của chúng ta (Nga). Tháng 1/2016, tàu Matxcova do sử dụng quá tải đã phải đưa đi sửa chữa tại Xevastopol. Thay thế cho “ Matxcova” ven bờ Latakia là một chiếc tàu tuần dương khác cũng thuộc dự án 1164 - tàu “ Variag” được điều từ Thái Bình Dương tới.

Các quan chức quân sự Nga đã cho biết là “Variag” sẽ có mặt tại Syria cho đến tháng 9 (2016). Như vậy là quá lâu với một tàu như vậy trong thời gian hiện nay.

Tại sao lại lâu đến thế? Tại vì trên thực tế hiện không có tàu nào thay thế “Variag” ở những vĩ độ như vậy. Tàu “ Matxcova” chắc gì đã kịp chuẩn bị kịp cho một chuyến ra khơi mới.

Chỉ còn một chiếc tàu tương tự - tàu “Marshal Ustinov” (nguyên soái Ustinov) của Hạm đội Phương Bắc. Nhưng chỉ có một điều là tàu này đang được hiện đại hóa từ nhiều năm nay. Việc hiện đại hóa “ Ustinov” cần phải được hoàn thành vào cuối năm nay.

Nhưng ít nhất kíp thủy thủ cũng phải cần đến nửa năm để hoàn thiện công tác tổ chức, thử nghiệm các động cơ và các trang bị mới ….. Nếu chưa hoàn thành các quy trình trên (hết sức xin lỗi bạn đọc vì lại dùng từ “ quy trình”, nhưng đây là bản dịch –ND), không ai dám điều “ Marshal Ustinov” tới trực chiến ở Địa Trung Hải.

Về mặt lý thuyết, còn một chiếc tàu cuối cùng nữa có thể thay thế “ Variag” – đó là tuần tuần dương mang tên lửa hạng nặng “Petr Veliki “ ( Piot Đại đế). Nhưng từ tháng 9/2015 tàu này đã phải đi sửa chữa tại nhà máy sửa chữa tàu số 82 thành phố Murmansk.

Hiện nay tại Severodvinsk cũng có một tàu tuần dương hạt nhân mang tên lửa hạng nặng “Admiral Nakhimov” đang được hiện đại hóa. Tuy nhiên, nó cũng không thể thay cho “Variag “ vì chỉ sẽ ra biển không sớm hơn năm 2018.

“ Hết”. Như người ta thường nói “buổi điểm danh đến đây là kết thúc!”. Hải quân Nga không còn chiếc tàu tấn công lớn nào nữa. Các tàu tên lửa nhỏ dự án 21631 lớp “ Buian-M” với loại tên lửa đã trở nên nổi tiếng “Calibr , dĩ nhiên , là rất hiện đại . Những tàu mới kiểu này của Hạm đội Biển Đen – “ Zelionyi Dol” và “ Serpukhov” đã thay nhau đến Syria.

Tuy nhiên, để có thể đối đầu một cách nghiêm túc ở khu vực cách xa bờ biển Nga thì những tàu này chỉ phát huy được hiệu quả khi nằm trong đội hình cùng với các tàu tuần dương mang tên lửa. Chứ không phải để thay thế cho các tàu (tuần dương) đó. Ít nhất cũng là vì các tàu này (lớp Buian-M) có hệ thống phòng không yếu. Còn tại Syria, Quân Nga cần chính loại tên lửa phòng không tầm xa mạnh “ Fort”.

Như vậy là lại thêm một vấn đề khiến Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga phải đau đầu suy nghĩ khi phân tích kết quả chiến cuộc Syria. Có lẽ để giải quyết (những vấn đề này), cần không phải chỉ một vài năm. Phải có những chương trình cho hàng thập kỷ.

Theo Lê Hùng – Nguyễn Hoàng

Đất Việt