1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Câu chuyện của lẽ phải (bài 1)

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử của Biển Đông đã diễn ra một cuộc chiến pháp lý khi Philippines đơn phương kiện các hành động gây hấn của Trung Quốc lên Tòa trọng tài Luật biển quốc tế. Có người coi đây là câu chuyện “cái kiến đi kiện củ khoai”, nhưng lần này “củ khoai” chưa hẳn sẽ thắng.

Vụ kiện của Philippines thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận khu vực và quốc tế (Ảnh minh họa: Rappler)

Vụ kiện của Philippines thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận khu vực và quốc tế (Ảnh minh họa: Rappler)

Cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông được Philippines khơi mào trong bối cảnh nguyên trạng ở Biển Đông đang bị đe dọa phá vỡ sau rất nhiều động thái gây hấn của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Điển hình là việc Bắc Kinh đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” phi lý chiếm hầu hết (90%) diện tích Biển Đông; ngang nhiên đưa tàu thuyền ngăn cản hoạt động của tàu thuyền và ngư dân các nước khác ở vùng biển không thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc; chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nam tranh chấp với Philippines; và bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo thành các tiền đồn quân sự và dân sự phục vụ mục đích bá quyền trong tương lai.

Trước những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, tháng 1/2013, Philippines chính thức nộp đơn lên Tòa Trọng tài Luật biển quốc tế yêu cầu ra phán quyết về các hành động gây hấn và tranh chấp của Trung Quốc ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Philippines ở Biển Đông.

Bản tranh tụng của Philippines gồm 10 chương và dài gần 4.000 trang, trong đó Chương 1 quan trọng nhất (dài 270 trang) gồm các phân tích pháp lý và những bằng chứng có liên quan đến vụ kiện, giải thích lý do tại sao Tòa Trọng tài lại có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Philippines

Quá trình trọng tài chính thức bắt đầu từ ngày 22/1/2013 với việc Philippines gửi cho Trung Quốc hai văn kiện: Thông báo và Bản yêu sách “liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển của Philippines ở vùng Biển Tây Philippines”.

Gần một tháng sau, ngày 19/2/2013, Trung Quốc trả lại Thông báo của Philippines, kèm theo Công hàm ngoại giao nêu rõ “quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông”. Phía Trung Quốc đồng thời từ chối tham gia vụ kiện.

Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia quá trình tố tụng trọng tài, song theo Điều 9 của Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), một Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vẫn được thành lập để tiến hành các bước đi cần thiết.

PCA gồm 5 thành viên, do Thẩm phán Thomas A. Mensah (người Ghana) chủ trì. Các thành viên còn lại gồm Thẩm phán Jean-Pierre Cot (Pháp), Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Alfred Soons (Hà Lan) và Rudiger Wolfrum (Đức).

Theo thủ tục của tòa, Trung Quốc phải nộp bản tranh tụng phản biện vào ngày 15/12/2014. Một tuần trước thời hạn này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố “Tài liệu lập trường của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông do Cộng hòa Philippines khởi xướng”. Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan cũng gửi 2 bức thư đến tòa PCA.

Ngày 7/7/2015, tại cung điện Hòa Bình, trụ sở của PCA ở La Hay (Hà Lan), PCA bắt đầu nghe điều trần của Philippines về thẩm quyền và khả năng thụ lý của PCA đối với đơn kiện gồm 13 điểm mà Manila đưa ra để chống Bắc Kinh. Philippines đã cử phái đoàn hùng hậu tới 60 người tham dự.

Ngoài ra, do tính chất mới, nhạy cảm và có tính tác động rộng rãi của vụ kiện nên phiên điều trần còn có sự góp mặt của đại diện 5 nước Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam trong vai trò quan sát viên.

Ngày 13/7/2015, phiên điều trần kết thúc. Thông báo của PCA nêu rõ Philippines có 10 ngày (đến ngày 23/7) để đệ trình văn bản phàn hổi các câu hỏi của Tòa trọng tài trong phiên điều trần. Trung Quốc cũng có quyền nêu các quan điểm của mình về những vấn đề nảy sinh trong phiên điều trần thông qua hình thức gửi văn bản tới PCA trước ngày 20/8. Theo quy định, Trung Quốc nhận được đầy đủ thông tin về diễn biến trong phiên điều trần dựa trên những tài liệu ghi chép tại tòa.

(còn tiếp)

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm