1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Cuộc chiến ngầm" giữa ông Trump và giới tình báo Mỹ

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump dường như có xu hướng không tin cậy cộng đồng tình báo Mỹ do những ấn tượng không tốt về cơ quan này, do giới tình báo được cho là từng có những hành động gây bất lợi cho ông chủ Nhà Trắng.

Cuộc chiến ngầm giữa ông Trump và giới tình báo Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Quan hệ giữa ông Trump và cơ quan tình báo được xem là chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Ông chủ Nhà Trắng được cho không lắng nghe ý kiến từ đội ngũ tình báo, không xem xét các nguồn tin và đưa ra những quyết định chớp nhoáng mà không cảnh báo trước.

Thậm chí, theo AFP, ông Trump có xu hướng tin các tin tức được phát trên chương trình “Fox and Friends” của kênh Fox News hơn là những điều ông được cung cấp trong buổi họp hàng ngày với giới tình báo.

Ông Trump và giới tình báo được cho là đã tranh cãi nhiều lần về vấn đề chính xác của thông tin. Đỉnh điểm là vào tháng 5, trong một nỗ lực nhằm chứng minh mình vô can trong nghi án thông đồng với Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, ông Trump đã đồng ý giải mật toàn bộ hồ sơ liên quan tới vụ điều tra cáo buộc nói trên, động thái khiến tình báo Mỹ "phát hoảng". 

Một cựu luật sư cao cấp cho biết lệnh giải mật đe dọa sẽ tiết lộ các nguồn tin tình báo Mỹ và có thể “bóp méo” vai trò của các cơ quan tình báo và an ninh trong cuộc điều tra Nga.

Vài tuần sau đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats tuyên bố từ chức khỏi vị trí lãnh đạo 17 đơn vị trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Ông Trump đã đề cử nghị sĩ John Ratcliffe thay vị trí ông Coats, một chính trị gia nổi tiếng với việc liên tục đưa ra các thuyết âm mưu không có bằng chứng trên Fox News. Tuy nhiên, ông Trump đã rút lại đề cử này vì ông Ratcliffe bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm và bị nghi là “thổi phồng” hồ sơ.

Hai tuần sau đó, bà Sue Gordon, cấp phó của ông Coats, cũng nộp đơn xin từ chức. Bà Gordon, người đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho CIA, phát biểu tại một sự kiện trong tháng này rằng ông Trump là tổng thống đầu tiên bà từng làm việc “mà không có nền tảng hay khuôn khổ để hiểu những giới hạn của tình báo, mục tiêu của hoạt động này là gì và cách mà chúng ta bàn bạc về nó”.

Bà cho biết câu cửa miệng của ông Trump trong các cuộc họp với cơ quan tình báo là: “Tôi không nghĩ điều này là đúng”.

Một cựu chuyên gia phân tích giấu tên của CIA cũng đồng tình với quan điểm này. Người này nói rằng, các cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama rất coi trọng thông tin tình báo, và thường nghiên cứu một cách nghiêm túc các tài liệu được cung cấp. Tuy nhiên, ông cho rằng ông Trump hiện tại dường như không để tâm tới những thông tin mà cộng đồng tình báo cung cấp và ông dường như chỉ đọc và xem tin tức từ chương trình Fox and Friends.

Sự thiếu tin tưởng vào cộng đồng tình báo của ông Trump không phải là không có lý do, theo AFP.

Ông Trump dường như coi Cục Điều tra Liên bang FBI, đơn vị đã mở cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử mỹ năm 2016, là “đối thủ” vì đã có động thái gây bất lợi và chống lại ông, theo AFP.

Tuần trước, ông Trump nói rằng giám đốc FBI do ông chỉ định, Christopher Wray, “sẽ không bao giờ có thể sửa chữa được” một “đơn vị đã đổ vỡ tồi tệ”.

Theo AFP, quan điểm không thích cộng đồng tình báo của ông Trump đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định.

Cuối năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từ chức vì bất bình với kế hoạch rút quân khỏi Syria của ông Trump. Khi ông Trump gọi tướng thủy quân lục chiến lão luyện Mattis là “vị tướng được đánh giá quá lố nhất thế giới”, nhiều thành viên trong cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ đã tỏ ra không hài lòng.

Theo cựu chuyên gia hải quân Brian Perkins, giới tình báo và quân đội cảm thấy bị mếch lòng vì mục tiêu của họ là nêu ra những điều họ quan ngại để tìm cách giải quyết nhưng họ lại hoàn toàn bị phớt lờ.

Hồi đầu năm, ông Trump từng gọi cơ quan tình báo Mỹ là “ngây thơ” và nên đi học lại khi nhắc tới cái gọi là “sự nguy hiểm” do Iran gây ra.

Đây chỉ là một những lần ông Trump công khai hoài nghi các kết luận của phía tình báo. Ông từng nêu ra nghi vấn về tính chính xác của cáo buộc Nga cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, các thông tin về Triều Tiên và Iran mà cộng đồng tình báo cung cấp.

Tháng 7/2018, ông Trump tuyên bố rằng ông tin lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ và công khai tỏ ra nghi ngờ những đánh giá từ cộng đồng tình báo Mỹ về cáo buộc Moscow can thiệp nội bộ.

Theo giới quan sát, việc giới tình báo cung cấp những thông tin gây bất lợi hoặc có thể gây bất lợi cho ông Trump về nhiều vấn đề được coi là một trong những yếu tố khiến ông chủ Nhà Trắng mất dần lòng tin với các cơ quan tình báo Mỹ.

Đức Hoàng

Theo SCMP