1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến khốc liệt tranh giành ảnh hưởng

Ngay trong dịp nước Mỹ tổ chức tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11-9-2001, thủ lĩnh Al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, bất ngờ gửi lời tuyên chiến đến thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Điều này cho thấy cuộc đấu đá giữa hai nhóm khủng bố tàn bạo nhất thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt.

Trên thực tế, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Al-Qaeda và IS đã được dự báo cách đây khá lâu. Dù là một chi nhánh tách ra từ Al-Qaeda, song kể từ khi IS trỗi dậy, tổ chức do trùm khủng bố Osama bin Laden sáng lập bỗng nhiên mất dần ảnh hưởng đối với các phong trào Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Giới quan sát nhận định, với mục tiêu thành lập Nhà nước Hồi giáo quy mô lớn, các cuộc tấn công táo tợn, liên tục nhằm mở rộng địa bàn hoạt động tại Syria và Iraq với sự "hậu thuẫn" của bộ máy tuyên truyền hùng hậu, IS thu hút ngày càng nhiều các tay súng cực đoan mới, không chỉ đến từ các nước Arab mà cả Châu Âu.

Ngay cả nhóm khủng bố khét tiếng như Boko Haram ở Nigeria cũng đã tuyên bố liên kết với IS. Hiện IS đã có một mạng lưới chi nhánh trải dài từ Afghanistan tới Tây Phi. Ngược lại, nguồn tài chính và nhân lực của Al-Qaeda tiếp tục suy yếu.

Các chiến binh tàn bạo của IS.

Một số phân tích cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Al-Qaeda khó có thể bày tỏ "tình đoàn kết" với IS, trong đó không thể không kể tới sự khác biệt trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của hai nhóm khủng bố. Từ lâu, để thực hiện các chiến lược của mình, Al-Qaeda lên kế hoạch tấn công khủng bố tinh vi với quy mô khá lớn để gây chấn động với ý đồ buộc Mỹ và các nước phương Tây phải rút khỏi thế giới Hồi giáo.

Al-Qaeda cũng sử dụng chiến thuật tuyên truyền nhằm thuyết phục người Hồi giáo trên thế giới rằng thánh chiến là nghĩa vụ của mỗi con chiên của Thánh Alah và để làm được điều đó, cần đi theo tổ chức khủng bố này. Al-Qaeda không quá quan tâm tới việc chiếm và giữ lãnh thổ để thành lập một Nhà nước Hồi giáo hay một chính phủ. Nhóm này chỉ "hứng thú" chiếm đóng một khu vực nhất định để có "thánh địa" an toàn, xây dựng các trại huấn luyện.

IS có kế thừa một số mục tiêu trên nhưng tham vọng chính của nhóm này là xây dựng một Nhà nước Hồi giáo dưới luật lệ Sharia hà khắc của đạo Hồi. Do vậy, chiến lược của chúng là kiểm soát lãnh thổ, củng cố và bành trướng thế lực. Các vụ thảm sát, hành quyết rợn người ở những khu vực IS kiểm soát cho thấy nhóm này sẽ không từ bất cứ thủ đoạn tàn bạo nào để thực hiện bằng được kế hoạch tạo ra một vùng lãnh thổ riêng kéo dài từ thành phố Aleppo ở phía Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở phía Đông Iraq. Chính Al-Qaeda đã tuyên bố chính thức cắt liên hệ với IS vì cho rằng nhóm này quá cực đoan so với những tiêu chuẩn của Al-Qaeda.

Nhiều nhận định cho rằng, với tuyên bố của thủ lĩnh Al-Zawahiri, Al-Qaeda đang cố gắng giành lại vai trò lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu. Trong thời gian tới, rất có thể sẽ xảy ra nhiều cuộc quyết chiến giữa hai nhóm khủng bố này.

Hiện tại, Al-Zawahiri kỳ vọng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là cơ hội tốt để khôi phục vị thế của Al-Qaeda nhờ liên minh với Taliban. Không loại trừ khả năng Al-Qaeda sẽ lập một Nhà nước Hồi giáo mới để làm suy yếu IS. Điều này có thể sẽ tạo nên sự thay đổi căn bản cho cuộc chiến mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành nhằm tiêu diệt IS nhưng cũng dự báo một hành trình dài để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Theo Phương Quỳnh

Hà Nội mới

Cuộc chiến khốc liệt tranh giành ảnh hưởng - 2