1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến Iraq - 4 năm nhìn lại

(Dân trí) - Bốn năm trước, với lý do "truy tìm vũ khí huỷ diệt hàng loạt và giải phóng người dân Iraq khỏi ách độc tài", liên quân dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã xâm lược Iraq và lật đổ chế độ của Cựu Tổng thống Saddam Hussein. Đến nay, tất cả những gì mà nước Mỹ muốn lúc này có lẽ là một lối thoát trong danh dự.

Hậu quả không mong đợi

           

Bốn năm sau cuộc chiến, nước Mỹ mất hơn 3.200 lính, hàng trăm tỷ USD, khiến đảng Cộng hoà mất quyền kiểm soát tại Quốc hội và khiến cho hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế bị sứt mẻ nghiêm trọng.

           

Liên minh do Mỹ cầm đầu đang ngày một teo tóp. Kế hoạch rút quân khỏi Iraq của Thủ tướng Anh Tony Blair dường như nằm trong một hiệu ứng đôminô, bởi Đan Mạch cũng đã tuyên bố sẽ rút 460 binh sĩ vào tháng 8/2007. Lítva cũng sẽ làm như vậy với 53 binh sĩ của mình, trong khi Hàn Quốc với 2.300 binh sĩ đang có mặt tại Iraq, sẽ giảm một nửa số quân vào tháng 4 và rút hết số còn lại vào tháng 12 năm nay. Đó là chưa kể đến việc Tây Ban Nha và Italia trước đó đã rút hết quân của họ khỏi Iraq.

 

Giới phân tích cho rằng việc Anh quyết định rút lực lượng khỏi Basra nói riêng và miền Nam Iraq nói chung đã đẩy Mỹ và một thực trạng ngày càng đơn độc, bất chấp những phát biểu lạc quan từ Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Quyết định của Tony Blair có thể được nhìn nhận như một sự bỏ cuộc, có thể gây hiệu ứng đôminô đối với các đồng minh còn lại của Mỹ.

           

Cuộc chiến cũng khiến cho tình hình nội bộ Mỹ bất đồng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống Mỹ George W. Bush xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ. Chỉ tính riêng cho tới lúc này, cuộc chiến cũng đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng cho nước Mỹ trong tương lai. Theo các chuyên gia, chi phí dành cho việc chăm sóc y tế lâu dài sau chiến tranh ước tính sẽ mất khoảng từ 350 đến 700 tỷ USD. Ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế Mỹ nhận giải thưởng Nôben, ước tính các tác động của cuộc chiến Iraq đối với nền kinh tế Mỹ có thể từ một đến hai nghìn tỷ USD.

 

Một Iraq đang ở trên bờ của hủy diệt

 

Trong báo cáo trước quốc hội ngày 14/3 vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết 3 tháng cuối năm 2006, số vụ tấn công tại Iraq đã lên tới mức cao nhất kể từ năm 2003. Theo báo cáo, trong 3 tháng cuối 2006, Bátđa đã bị tấn công với con số kỷ lục là 45 vụ mỗi ngày. Báo cáo thừa nhận: "Tổng số vụ tấn công và thương vong của lực lượng liên quân, lực lượng an ninh Iraq (ISF) và thường dân Iraq trong thời gian từ tháng 10-12/2006 lên đến mức cao nhất so với bất kỳ quý nào kể từ năm 2003".

           

Theo báo cáo, tình hình bạo lực tại Iraq trong những tháng đầu năm 2007 không những giảm mà còn tăng. Tính từ tháng 1/2007 đến 9/2/2007, trung bình mỗi tuần có hơn 1.000 vụ tấn công xảy ra tại Iraq, so với 6 tháng cuối năm 2006 là khoảng 900 vụ. Báo cáo dẫn lại ước tính gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho  rằng  thuật ngữ "nội chiến" không thể hiện được hết tính chất phức tạp của cuộc xung đột hiện nay tại Iraq, bao gồm bạo lực sắc tộc trên phạm vi rộng, tình trạng chia rẽ giữa các giáo phái, phân cực ngày càng lớn trong nội bộ chính phủ và xã hội Iraq, tình trạng thiếu lực lượng an ninh và xu thế của các nhóm vũ trang muốn sử dụng bạo lực như một công cụ để tạo ra một tình hình căng thẳng.

           

Trong báo cáo ra ngày 2/2, các quan chức Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết các lực lượng của Mỹ kiểm soát được rất ít tình hình tại Iraq và tiên đoán rằng rất có thể tình hình tại nước này sẽ xấu hơn nữa.

 

Chiến lược mới - Nỗ lực vô vọng

           

Đứng trước những khó khăn trên, Mỹ đã buộc phải thay đổi các chiến lược của mình tại Iraq. Hồi tháng 1/2007, Tổng thống Bush đã ra lệnh đưa thêm 21.500 lính chiến đấu tới Iraq để bình định tình hình bạo lực đang ngày một gia tăng tại đây. Con số này sau đó lên đến gần 30.000 quân, nhưng theo Tướng Wesley Clark, Cựu Tư lệnh các lực lượng NATO tại Kosovo, cho biết việc tăng quân này không chỉ là "quá ít và quá muộn mà còn có thể làm cho tình hình của liên quân trở nên tồi tệ hơn.

 

Ông Clark nói: "Chúng ta chưa bao giờ có đủ quân tại Iraq. Tại Kosovo, chúng ta đã có 40.000 quân cho 2 triệu người. Còn đối với Iraq, tỷ lệ đó sẽ đòi hỏi ít nhất 500.000 binh sĩ, do vậy hiện bổ sung vài chục nghìn lính là quá ít và quá muộn. Những gì nổi lên sẽ là đẩy thêm nhiều lính Mỹ vào con đường khó khăn, làm cho tinh thần của các lực lượng Mỹ sa sút và có cơ làm cho dân chúng Iraq càng thêm ghét bỏ lính Mỹ".

           

Theo Tướng Clark, thời điểm cho một giải pháp quân sự tại Iraq đã qua. Ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích an ninh của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói: "Cơ hội thành công của việc tăng quân này có thể thấp hơn dự kiến, song cái giá phải trả cho sự thất bại đắt tới mức người Mỹ sẽ phải đóng quân lâu dài... Người Mỹ chỉ có khoảng một năm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị cũng như những mâu thuẫn phe phái hiện nay ở Iraq".

           

Bên cạnh việc tăng quân tới Iraq, ngày 10/3 vừa qua, Mỹ đã đồng ý cùng Iran và Syria tham dự một hội nghị bàn về an ninh của Iraq. Theo giới phân tích đánh giá, dù hội nghị này "nặng về hình thức và nhẹ về thực chất" nhưng nó cũng cho thấy một sự thay đổi rất lớn trong lập trường của Mỹ. Bằng việc tham gia vào hội nghị này, Mỹ đã chấp nhận vứt bỏ một nguyên tắc mà nước này theo đuổi trong nhiều năm qua, đó là không được phép đối thoại với những đối thủ độc tài.  

             

Dự kiến, hội nghị bàn về vấn đề Iraq lần hai sẽ được triệu tập trong vài tuần tới, với sự tham gia đông đảo hơn của các nước trong vùng. Ông Wayne White, một cựu chuyên gia về Iraq của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đang làm việc cho Viện Trung Đông, cho rằng cuộc gặp Mỹ-Iran vừa qua đã mở đường cho những cuộc tiếp xúc thực chất hơn, theo đúng kiến nghị can dự với Iran và Xyri mà "Nhóm nghiên cứu Iraq" đã đưa ra.

           

Song song với những chính sách trên, Mỹ cũng đang vạch ra một chiến lược rút quân trong trường hợp kế hoạch tăng quân ở Iraq thất bại. Kế hoạch này bao gồm việc rút dần lực lượng chiến đấu Mỹ ra khỏi Iraq và tập trung nhiều hơn vào công tác huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng vũ trang Iraq. Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, việc rút quân sẽ được thực hiện nếu kế hoạch trên của chính quyền Bush không bình ổn được tình hình ở Iraq.

           

Theo giới phân tích, sau 4 năm, cam kết của Mỹ về một "đất nước Iraq tự do và dân chủ" đang ngày một trở nên xa vời. Trái lại, những chính sách của Wasinhton đã đẩy Iraq vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy. Một số nhà phân tích cho rằng dù Mỹ có biện luận thế nào thì cuộc nội chiến tại Iraq trên thực tế đã bắt đầu. Và xét về mặt lịch sử của những cuộc chiến dạng này cho thấy, Wasinhton sẽ không thể ngăn chặn được nó.

           

Wasinhton có lẽ đã nhận thức rõ điều này nên mới đưa ra hàng loạt những phương án kể trên. Tựu chung lại, tất cả những chính sách này có lẽ chỉ nhằm giúp cho Mỹ tìm ra được một lối thoát tốt nhất khỏi "vũng lầy" Iraq. Nhưng, xét trong bối cảnh tình hình Iraq hiện nay, việc Mỹ có thể nhanh chóng thoát ra vũng lầy này trong danh dự có lẽ cũng là điều không tưởng.

 

Kiến Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm