1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến chống IS và dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ Putin-Obama

(Dân trí) - Quan hệ căng thẳng giữa Điện Kremlin và Washington đang có những dấu hiệu “tan băng” khi Mátxcơva và Washington dường như đã tìm được tiếng nói chung trên mặt trận tiêu diệt IS sau một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu.

 

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama vui vẻ tại hội nghị G20 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama vui vẻ tại hội nghị G20 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)

Các máy bay quân sự Nga đã tấn công vào các căn cứ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria trong đó, có thành phố Raqqa bị tổ chức này chiếm đóng.

Nhiều tuần qua, Nga tuyên bố chiến dịch ở Syria là nhằm vào IS và các tổ chức khủng bố khác. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn cho rằng các cuộc không kích chủ yếu nhằm vào lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một đồng minh của Nga.

Tuy nhiên, sau khi IS đứng ra nhận trách nhiệm tấn công máy bay dân sự A321 của Nga thì có vẻ như các đợt không kích của Nga đang đánh trúng vào mục tiêu khủng bố thực sự.

Các cuộc không kích có thể coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ căng thẳng và có những giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Nga đến nay có triển vọng tan băng khi sự đối kháng mở đường cho những lợi ích chung.

Sự thay đổi rõ nét đó không chỉ thấy ở trên chiến trường. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã một cuộc hội đàm thiện chí tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ thay vì những lần đối đầu gần đây. Hai bên đều bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với nhau hơn nữa.

Cuộc gặp chớp nhoáng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tại cuộc hội đàm diễn ra vào hôm 16/11, hai nhà lãnh đạo cùng mỉm cười với nhau, hay thậm chí bật cười, mà không phải là sự xa cách thường thấy trong những cử chỉ xã giao giữa họ trong những năm qua như cái bắt tay khiên cưỡng cách đây 6 tuần tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Bên lề hội nghị diễn ra ngày 15/11, ông Obama và ông Putin ngồi đối diện với nhau qua một chiếc bàn nhỏ để tập trung thảo luận về vấn đề Syria trong vòng 30 phút. Đây là một cuộc thảo luận mà Nhà Trắng cho rằng mang tính chất xây dựng.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Putin đã bày tỏ ủng hộ việc chuyển giao quyền lực ở Syria - một bước đi quan trọng nhằm trung hòa quan điểm đối lập giữa 2 quốc gia về tương lai chính trị của Syria.

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đối với những nỗ lực quân sự của Nga ở Syria - những nỗ lực mà trước đó bị giới chức trong chính quyền của ông Obama chỉ trích là chỉ có lợi cho chính quyền Assad.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, ông Putin cho biết, trước kia Nga đã đề nghị hợp tác với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu và bị từ chối. Tuy nhiên, đến nay mặc dù quân đội Mỹ vẫn tuyên bố không hợp tác với Nga và rằng chiến dịch không kích IS của hai bên không liên quan đến nhau, nhưng rõ ràng họ đã hợp tác hơn với nhau. Một quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết, Nga đã đưa ra thông báo trước khi tiến hành một loạt vụ tấn công IS hôm 17/11 vừa qua.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái, lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo ông Putin với cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Ông Putin đã bỏ họp sớm với lý do chuyến bay quá dài và ông cần nghỉ ngơi để sẵn sàng cho buổi làm việc ngày mai.

Điều này cho thấy ông Putin bị cô lập giữa các nguyên thủ, nhưng cũng cho thấy sự cứng rắn luôn khiến ông Obama tức giận mỗi khi làm việc cùng nhau.

Các lệnh trừng phạt, cô lập khỏi các hội nghị quốc tế không đủ làm lay chuyển chiến lược của ông Putin ở Ukraine. Giới phân tích và các quan chức chính phủ Mỹ lo ngại việc Nga can thiệp vào Syria sẽ theo một kịch bản tương tự.

Khi Syria rơi vào nội chiến, Moscow và Washington rơi vào thái cực mẫu thuẫn: Mỹ yêu cầu Tổng thống Syria Assad phải từ bỏ quyền lực và không liên quan gì đến tương lai của Syria. Trong khi đó, Nga dùng sức mạnh không kích để ngăn chặn lực lượng chống chính quyền Assad để củng cố vai trò kiểm soát đối với quốc gia này.

Sự bất đồng về quan điểm cũng thể hiện ở cuộc “khẩu chiến”. Giới chức Mỹ cho rằng ông Putin muốn bảo vệ đồng minh cuối cùng ở Trung Đông, trong khi Điện Kremlin cho rằng ông Obama không có phương án nào thay thế ông Assad.

Trước cuộc gặp mới đây giữa ông Putin và Obama, dư luận cho rằng hai bên sẽ lại rơi vào bế tắc khi hoạt động của Nga ở Ukraine không có dấu hiệu giảm bớt, trong khi Mỹ cho rằng Nga đang xen vào việc Syria.

Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay, mặc dù cuộc họp kéo dài 60 phút nhưng ít ai kỳ vọng họ sẽ tìm được tiếng nói chung. Bởi trước đó Nhà Trắng tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ là chủ đề chính, trong khi Điện Kremlin tuyên bố chỉ thảo luận vấn đề này nếu có thời gian - một động thái cho thấy ông Putin phớt lờ sự chỉ trích quốc tế về hoạt động ở Ukraine.

Mới là khởi đầu

Tuy nhiên, rõ ràng vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris đã gây bức xúc cho phương Tây, buộc ông Obama tiến tới hợp tác với ông Putin - điều mà trước đó ông không sẵn lòng.

Việc Nga cuối cùng thừa nhận máy bay A321 bị khủng bố cho thấy Nga đã coi trọng hơn vấn đề chống IS. Hôm 17/11, ông Putin tuyên bố trừng phạt và ngăn chặn những kẻ đứng sau vụ tấn công A321.“Chúng tôi sẽ tìm ra chúng dù ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này và trừng phạt chúng”.

Hợp tác trong cuộc chiến chống IS ở Syria, nói cách khác có thêm Nga, đã mang lại cho hội nghị G20 năm nay một bầu không khí khác hẳn. Ông Putin không phải rời hội nghị sớm, và thay vì bị xa lánh, ông Putin được kéo vào các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, ông Putin để ngỏ rằng ông sẵn sàng làm việc lại với lãnh đạo các quốc gia khác về nhiều vấn đề. Ông Putin thừa nhận rằng, hội nghị G20 năm nay khác xa so với năm ngoái.

“Rõ ràng quan hệ trước kia căng thẳng hơn hiện nay. Bạn có thể thấy điều này là đúng. Tuy nhiên, cuộc sống cứ trôi đi, mọi thứ thay đổi. Những vấn đề mới nảy sinh, mối đe dọa mới, thách thức mới khó có thể tự giải quyết mà không có sự hợp tác. Chúng ta cần phải hợp lực lại”, ông Putin nói.

Tuy vậy, quan hệ Nga - phương Tây vẫn chưa hoàn toàn tan băng. Mặc dù xác nhận các cuộc không kích của Nga thực tế nhằm trực tiếp vào IS, nhưng người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook vấn nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy Nga sẽ hành động gì tiếp theo cũng như ý định sắp tới của họ”. Ông Peter nói thêm, Nga sẽ không nhận được sự hợp tác đáng kể từ Lầu Năm Góc cho đến khi ngừng hỗ trợ ông Assad.

Minh Phương

 

Cuộc chiến chống IS và dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ Putin-Obama - 2