Cuộc chiến chống IS - một năm nhìn lại
Đầu năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bất ngờ công bố điều chỉnh chiến lược chống khủng bố (CKB) mà ông mới thông qua chưa đầy 1 năm.
Theo đó, thay vì dàn trải lực lượng để CKB trên toàn cầu Mỹ sẽ tập trung nguồn tài lực vào cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố mà ông coi là đang đe dọa lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Tháng 6-2014, một liên minh quốc tế đông đảo với sự tham gia của hơn 60 nước, do Mỹ đứng đầu đã thành lập “mặt trận chung” để chống IS. Gần 2 năm trôi qua, cuộc chiến của Mỹ và liên minh quốc tế chống IS tuy thu được một số kết quả nhất định, nhưng dường như IS không suy yếu mà lại đang mạnh lên, tàn bạo hơn, trở thành mối hiểm họa toàn cầu.
Chuyên gia quân sự của nhiều nước cho rằng, cuộc chiến chống IS mà Mỹ và liên minh quốc tế tiến hành thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong đợi là bởi nhiều nguyên nhân, nổi lên mấy nguyên nhân chính sau.
Mỹ và các nước liên minh quốc tế đã đánh giá “quá thấp” khả năng của IS. Buổi ban đầu IS được biết đến là một nhánh của Al-Qaeda ở Iraq, với tên gọi là Al-Qaeda Iraq (AQI). Năm 2014, AQI đổi tên thành IS với tham vọng là thành lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất toàn Trung Đông, tiến tới chi phối thế giới Hồi giáo trên toàn cầu.
So với các tổ chức khủng bố khác, IS không chỉ có tôn chỉ, mục tiêu tham vọng, mà là tổ chức khủng bố có thực lực: Được tổ chức chặt chẽ, bài bản, có kinh tế, tài chính dồi dào, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, nhất là có nhiều chiến binh thiện chiến, thông thạo địa hình và biết cách thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu tác chiến cụ thể. Do vậy, IS không chỉ đối phó một cách hiệu quả với các cuộc không kích của Mỹ và liên minh quốc tế mà còn đánh chiếm được nhiều địa bàn quan trọng ở Iraq và Syria.
IS hành hình con tin ngày càng dã man, tàn ác
Theo thống kê, trong gần 2 năm qua, IS đã đánh chiếm được nhiều thành phố, ngân hàng, mỏ dầu, nhiều cứ điểm quân sự trọng yếu của hai nước này để mở rộng địa bàn hoạt động và làm căn cứ cung cấp tài chính - hậu cần lâu dài. Riêng ở Iraq, IS đang kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu một lượng lương thực gần bằng một nửa sản lượng lương thực của nước này; lượng dầu IS bán ra từ các giếng dầu chiếm được cũng thu về hàng tỉ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, IS còn nhận được nhiều nguồn tài trợ bí mật về tài chính, vũ khí, trang bị quân sự từ một số quốc gia, tổ chức mafia, một số nhà tài phiệt quốc tế và từ tiền chuộc do bắt cóc con tin...
Nhờ các nguồn thu đó, IS có tiềm lực về tài chính, quân sự mạnh nhất trong các tổ chức khủng bố hiện nay. Không chỉ vậy, IS còn là tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo. Thời gian qua, IS đã tàn sát hàng ngàn người dân vô tội, những người mà IS coi là phản bội luật Hồi giáo Sa-ri, kể cả người Hồi giáo dòng Shitte, Ki-tô giáo, nhiều tộc người thiểu số khác.
IS cũng cho quay video ghi lại các cuộc thảm sát rùng rợn các nạn nhân tựa như thời Trung Cổ rồi tung lên mạng Internet nhằm phô trương thanh thế và truyền bá, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan trên thế giới. Với hình thức đó, IS đã thu nạp được hàng ngàn “chiến binh thánh chiến” là những kẻ cuồng tín, tội phạm, “bất mãn”, kể cả sĩ quan, binh lính của một số nước phương Tây và tạo ra “luồng khí độc” lan truyền tư tưởng thánh chiến cực đoan gây mất ổn định ở nhiều nước châu Âu, châu Á.
IS đang nổi lên trở thành tổ chức khủng bố tàn bạo, nguy hiểm nhất trên toàn cầu. Các vụ IS tiến hành khủng bố ở nước ngoài ngày càng nhiều, điển hình là vụ tiến công gần như đồng thời tại ba nơi khác nhau (Tunisia, Iraq, Pháp) hồi tháng 6-2015 làm dư luận bàng hoàng, lo ngại IS có thể “xuất quỷ, nhập thần” để tiến hành khủng bố ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tổng thống Mỹ B. Obama mới đây phải thừa nhận, Mỹ đã sai lầm khi đánh giá “quá thấp” khả năng của IS. Chính phủ nhiều nước đã phải nâng cấp độ báo động, tăng cường các biện pháp an ninh hàng không, an ninh biên giới, an ninh nội địa để đối phó với IS. Nhiều nguồn tin mật còn tiết lộ, IS đang tìm cách phát triển các vũ khí “bẩn” để phục vụ khủng bố hết sức nguy hiểm.
Mỹ và liên minh quốc tế tiến hành cuộc chiến “không có hồi kết”. Thực hiện chiến lược CKB mới, Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế thực hiện 2 mũi tiến công chống IS ở Iraq và Syria. Mũi tiến công chính là sử dụng không quân tiến hành không kích tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của IS ở hai nước này. Mũi thứ hai là trợ giúp tiền của, vũ khí trang bị cho quân đội chính phủ ở Iraq, lực lượng đối lập và những nhóm người thiểu số… ở Syria, lấy đây làm lực lượng “xung kích” để tiến hành các chiến dịch tiến công trên bộ chống IS.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong thời gian qua, quân đội của Mỹ và liên minh quốc tế đã tiến hành hàng ngàn cuộc không kích vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Iraq và Syria. Đặc biệt, đa số các cuộc không kích đều do các chiến đấu cơ hiện đại, như: F-15, F-16, F/A-18, F-22, AV-8B, kể cả máy bay ném bom B-1 thực hiện, chi phí lên đến hàng chục tỉ USD.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc chiến mà Mỹ và liên minh quốc tế tiến hành chống IS trong gần 2 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, khiếm khuyết về tổ chức và thực hành tác chiến. Mặc dù chiếm ưu thế tuyệt đối về lực lượng, vũ khí trang bị, nhưng Mỹ và liên quân vẫn không thể đánh quỵ được IS.
Trước hết và cũng là nhược điểm lớn nhất là Mỹ và các nước liên quân có rất ít thông tin tình báo về IS, nhất là các thông tin về tổ chức, biên chế, kế hoạch bố phòng, tác chiến, công tác đảm bảo nguồn cung cấp hậu cần, tài chính... lại không thông thạo địa hình ở các khu vực trên lãnh thổ Syria; do vậy không có được sự phối hợp giữa trên không và mặt đất nên các cuộc không kích dù được tiến hành liên tục với tần xuất cao, nhưng đều không đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của IS, vốn được các chiến binh IS tổ chức phòng vệ chu đáo.
Trong khi đó, quân đội của chính quyền Syria - lực lượng chủ yếu đang chiến đấu chống IS trên chiến trường, thông thuộc địa bàn, có thể cung cấp nhiều thông tin tình báo có giá trị về IS thì lại bị Mỹ và liên quân coi là thù địch và tìm cách gạt ra ngoài cuộc chiến. IS đã tận dụng sự “khập khiễng”, “rối ren” này để đối phó hữu hiệu với Mỹ, liên quân và cả quân chính phủ Syria và giành lợi thế trên chiến trường. Bởi vậy, nhiều mục tiêu sau khi bị mất về tay quân đội chính phủ Syria, hay quân nổi dậy nhưng IS vẫn tái chiếm được.
Thứ nữa là, liên minh quốc tế chống IS tập hợp nhiều nước ở trong và ngoài khu vực đều có những toan tính và lợi ích riêng. Trong cái tập hợp ấy, nhiều nước chỉ tham gia theo kiểu “đánh trống ghi tên” để lấy danh nghĩa, nhiều nước mượn cớ chống IS để ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính quyền Damascus, loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc chĩa mũi dùi chống phá Iran.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành phần của liên quân, được coi là có vị trí “tiền tiêu” trong cuộc chiến chống IS, nhưng cũng tham gia rất “chiếu lệ” với mục đích là để bảo vệ “vùng biên giới an toàn” và truy kích tiêu diệt lực lượng vũ trang người Kurd - thành phần ngăn chặn IS hiệu quả nhất ở Syria hiện nay. Nhiều chuyên gia đánh giá, tình trạng lộn xộn “chín người mười ý” khó có thể giải quyết được vấn đề này, nên liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu là một liên minh lỏng lẻo “đông nhưng không mạnh”, không tạo được sức mạnh tổng hợp cần thiết trong cuộc chiến chống IS.
Mặt khác, vào tháng 9-2015, khi Nga tham gia không kích IS ở Syria tạo ra một cục diện mới có lợi cho liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS trên chiến trường nước này. Thay vì phải nhận được sự ủng hộ, phối hợp thì nhiều nước trong liên minh quốc tế chống IS lại có những hành động ngăn cản, cực đoan, gây khó khăn cho Moskva vì sợ vai trò của Nga làm ảnh hưởng tới tham vọng, lợi ích bá quyền của họ ở khu vực có địa chính trị trọng yếu này.
Nhiều người còn cho rằng, gần đây Mỹ tuy đã tuyên bố “tìm ra các lĩnh vực có thể” để hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS, nhưng do xung đột lợi ích gay gắt về vấn đề Ukraina, nghi ngờ Nga mượn cớ tấn công IS để tiêu diệt các lực lượng nổi dậy do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad nên sự hợp tác giữa Mỹ với Nga, hai cường quốc chính trong cuộc chiến chống IS này khó có thể đi vào thực chất.
Họ cũng lo ngại, một số nước trong liên minh quốc tế chống IS đang chơi trò “hai mặt” nhằm kéo dài xung đột ở Syria để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và loại bỏ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Những động thái đó không chỉ tác động xấu tới cuộc chiến chống IS, mà còn làm cho cục diện trên chiến trường Syria nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.
Một vấn đề cốt lõi nữa, Mỹ và liên quân đang tiến hành một cuộc chiến chống IS dựa trên sức mạnh quân sự là chủ yếu mà thiếu đi các giải pháp đồng bộ khác nên khó có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề của IS. Thực tiễn đã cho thấy, sự bất công, chủ nghĩa can thiệp, bá quyền, cường quyền khu vực và thế giới là căn nguyên chính làm cho các quốc gia Trung Đông luôn trong thảm cảnh xung đột, bạo lực, kéo theo đó là nghèo đói, chia rẽ giữa các tộc người, giữa các tôn giáo. Đây là mảnh đất màu mỡ để khủng bố sinh sôi, phát triển mà IS chỉ là một đại diện của chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo cực đoan.
Do vậy, cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu đang tạo ra nghịch lý “hận thù - bạo lực” nối tiếp không bao giờ chấm dứt. Hệ lụy của nó không ai khác chính là hàng vạn người dân vô tội ở Iraq, Syria và nhiều nước Trung Đông khác bị thiệt mạng, phải sống trong cảnh đất nước tương tàn, phải rời bỏ nhà cửa quê hương đi lánh nạn, tạo ra làn sóng người di cư khổng lồ sang châu Âu hiện nay, làm lãnh đạo các nước này và thế giới hết sức đau đầu. Điều này cũng lý giải vì sao rất điên cuồng, tàn bạo, nhưng IS vẫn thu nạp được nhiều kẻ cuồng tín, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về kinh tế, tài chính từ nhiều quốc gia, tổ chức giấu mặt.
Dư luận cho rằng, cuộc chiến của Mỹ và liên quân chống IS ở Syria đang rơi vào “bế tắc”, đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc cần phải có những cách tiếp cận mới thực tế và hiệu quả hơn. Theo đó, xung đột ở Trung Đông, trong đó có Syria phải do chính người Arập đứng ra giải quyết trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tôn giáo và phe phái để cùng chung sống hòa bình.
Đồng thời, tất cả các nước, các dân tộc và cộng đồng quốc tế cần đoàn kết trong công cuộc xây dựng một thế giới hòa bình, bình đẳng, bác ái, hợp tác cùng phát triển; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời chủ nghĩa cực đoan, bạo lực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để phục vụ những mưu đồ, lợi ích riêng trái với công lý, đạo lý quốc tế. Chỉ có như vậy, IS và chủ nghĩa cực đoan, khủng bố mới có thể bị đẩy lùi trên toàn thế giới.
Theo Kiều Loan
PetroTimes