1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến chống IS kéo dài, ai hưởng lợi?

Quân đội Iraq và thế giới đang reo mừng trước việc Iraq giành lại được thành phố Ramadi từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhưng theo lời tuyên bố của IS thì chúng "vẫn khỏe".

Vì sao sau hơn một năm không kích, ba liên minh quốc tế vẫn không tiêu diệt được nhóm khủng bố này?

Chớ vội hả hê với chiến thắng

Ngày 28-12, quân đội Iraq thông báo đã chiếm được trung tâm thành phố Ramadi và cơ quan chính quyền địa phương sau một tuần lễ phản công dưới sự yểm trợ của không quân liên minh quốc tế. Ramadi nằm cách Baghdad 100 km về hướng tây bị rơi vào tay IS hồi tháng 5-2015.

Theo AFP, các chiến binh cuối cùng của IS đã rời các cơ quan chỉ huy chiến lược Ramadi, tạo cơ hội cho quân đội Iraq giành được chiến thắng quan trọng nhất từ khi tổ chức khủng bố này mở chiến dịch tấn công ở Iraq và Syria cách đây một năm. Cuộc phản công của quân đội Iraq khai diễn từ ngày 22-12 sau những trận oanh kích dữ dội do không quân chính phủ và liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Ngày 27-12, lực lượng chính phủ còn gặp sự kháng cự mãnh liệt của các chiến binh Hồi giáo cực đoan, chúng bố trí xạ thủ và mìn trong thành phố nhưng đến buổi chiều thì giành lại đuợc thế thượng phong.

Dân Iraq ở các thành phố khác ngày 28-12 đổ ra đường mừng chiến thắng. Mỹ, Anh, Pháp trong liên quân quốc tế lên tiếng khen ngợi quân đội Iraq. Chiến thắng Ramadi phục hồi uy tín cho quân đội chính phủ Iraq từng bị chỉ trích thậm tệ sau khi đánh mất một vùng lãnh thổ ở phía bắc Baghdad vào tháng 6-2014. Tuy đã tái chiếm thủ phủ tỉnh Al Anbar nhưng quân đội Iraq còn phải đối đầu với một công việc rất nặng nề là tháo gỡ bom mìn mà IS gài đặt trước khi rút quân.

Cuộc chiến chống IS kéo dài, ai hưởng lợi? - 1

Một binh sĩ Iraq giương cờ trên trụ sở hành chính ở Ramadi, Iraq ngày 28-12.

Theo một sĩ quan Iraq, ít nhất 300 quả bom được gài trong các cơ quan chính quyền và các ngả đường xung quanh. Baghdad thông báo mục tiêu sắp đến là tái chiếm tỉnh Ninive và thủ phủ Mossoul, nơi IS đã xây nhiều pháo đài phòng thủ.

Hiện có tới 3 liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria. Một do Mỹ dẫn đầu với khoảng 69 quốc gia. Một do Nga dẫn đầu với Iran, chính quyền Bashar Assad, Hezbollah và Iraq. Cách đây 2 tuần, Arập Xêút đã kêu gọi liên minh mới gồm 34 thành viên chống khủng bố, có trụ sở tại Riyadh.

Ngày 28-12, liên minh này đã tiến hành đợt không kích đầu tiên với hơn 30 cuộc oanh kích vào các khu vực phía bắc và phía tây của Yemen, giết chết 10 phiến quân. Không có báo cáo chính thức về số lượng các cuộc không kích IS của cả ba liên minh trên. Nhưng chỉ riêng tại Ramadi, quân đội Mỹ thực hiện ít nhất 29 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu IS trong tuần qua. Đại tá Steve Warren, người phát ngôn cho lực lượng liên minh chống IS của Mỹ, nói kể từ tháng 5 đến nay, liên quân đã thực hiện 630 cuộc oanh kích nhắm vào các mục tiêu bên trong và xung quanh thành phố Ramadi.

Hãng tin BBC cho biết, liên minh không kích do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện khoảng 9.000 cuộc không kích chống IS kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào mùa hè năm 2014. Ngày 14-12-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng xác nhận Mỹ đang tấn công tổ chức IS nhiều hơn bao giờ hết. Ông Obama cũng cam kết sẽ tiêu diệt các lãnh đạo của tổ chức khủng bố này và giành lại lãnh thổ cho các quốc gia ở Trung Đông.

Những "ngư ông đắc lợi"

Với ba liên minh quốc tế huy động gần như… cả thế giới đánh IS, hàng chục nghìn quả bom, tên lửa đã được rải xuống các mục tiêu của chúng, nhưng thủ lĩnh của nhóm này cho rằng chúng vẫn "sống khỏe". Trong một đoạn audio mới đây, thủ lĩnh IS tuyên bố rằng vương quốc của chúng đang hoạt động rất tốt bất chấp việc bị tấn công.

Trong băng audio dài 24 phút, Abu Bakr al-Baghdadi nói rằng, các cuộc không kích của liên minh quốc tế chỉ làm tăng quyết tâm của IS. Đây là thông điệp đầu tiên của Al-Baghdadi kể từ tháng 5-2015, và được tung ra vào thời điểm IS thất bại trên chiến trường. Al-Baghdadi hùng hồn tuyên bố "liên minh do Mỹ đứng đầu không làm chúng ta sợ hãi, không làm rơi rụng quyết tâm của chúng ta bởi chúng ta là người chiến thắng trong bất kỳ việc gì".

Al-Baghdadi cũng chế nhạo Mỹ không đưa bộ binh đến: "Chúng không dám tới, bởi trái tim chúng đầy sự sợ hãi với các chiến binh thánh chiến".

Ngày 10-12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lên tiếng cảnh báo IS vẫn đang kiểm soát 70% lãnh thổ Syria. Quân số của bọn chúng vào khoảng 60.000 người.

Có nhiều người sẽ thắc mắc là tại sao một liên minh đông như thế với trang bị vũ khí tối tân hiện đại lại không thể thắng nổi một đạo quân ô hợp với vũ khí thô sơ. Có rất nhiều lý do giải thích cho việc này nhưng có một thực tế không thể bỏ qua là nếu dẹp IS thì ai sẽ là "khách hàng" mua vũ khí của các cường quốc.

Cuộc chiến chống IS kéo dài, ai hưởng lợi? - 2

Lực lượng an ninh Iraq ăn mừng chiến thắng sau khi giải phóng Ramadi.

Ngày 27-12, một cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ công bố báo cáo cho biết Mỹ lãi to với doanh thu xuất khẩu vũ khí trong năm 2014, tăng 35% so với năm trước. Mức gia tăng này ước tính khoảng 10 tỉ USD. Cụ thể, năm 2014, Mỹ thu được  36,2 tỉ USD từ thị trường vũ khí. Nga chiếm vị trí thứ hai một cách vững chắc trên thị trường với 10,2 tỉ USD, tiếp theo là Thụy Điển (5,5 tỉ USD). Trong Top 5 có Pháp và Trung Quốc với 4,4 và 2,2 tỉ USD tương ứng. Tổng cộng trong năm 2014, trên thế giới đã thực hiện các giao dịch hợp pháp lý với 71,8 tỉ USD.

Đáng chú ý là những khách hàng mua vũ khí của Mỹ. Hợp đồng nhiều tỉ USD giữa Mỹ với Hàn Quốc, Qatar, Arập Xêút cho phép Washington kiểm soát hơn 50% thị trường vũ khí thế giới. Đồng thời Mỹ đã lợi dụng sự căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, từ hậu quả đó Seoul trở thành khách hàng chính mua vũ khí của Mỹ với hơn 7 tỉ USD. Iraq chiếm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các quốc gia nhập khẩu vũ khí, chi trả 7,3 tỉ USD cho các nhà sản xuất vũ khí để xây dựng lực lượng vũ trang của mình sau khi quân đội Mỹ rút về nước.

Việc Mỹ thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới được các nhà phân tích giải thích bằng những lý do sau đây: Mỹ rất khéo léo sử dụng bản đồ địa chính trị để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Mỹ và làm thay đổi cán cân lực lượng quân sự ở các bộ phận khác nhau của thế giới. Chẳng hạn, Mỹ thường lớn tiếng về nguy cơ hạt nhân của Iran, để từ đó gia tăng xuất khẩu vũ khí vào khu vực Vịnh Persic với lý do "giúp" khu vực này củng cố hệ thống phòng thủ trước sự tấn công của Iran.

V. Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội của Nga, nêu ví dụ về việc Mỹ kiếm lợi nhờ "đục nước béo cò" như thế nào. Ông nói: "Mỹ đang mở rộng phạm vi xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh một số quốc gia hết sức lo ngại về an ninh của nước mình. Chẳng hạn, trước nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các chế độ quân chủ Arập và Cộng hòa Hồi giáo Iran, các quốc vương Arập đã thông qua quyết định mua thêm khối lượng đáng kể vũ khí từ Mỹ, trong đó chủ yếu là vũ khí phòng thủ tên lửa".

Đó cũng là lý do giải thích vì sao các nước như Arập Xêút, Tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Qatar, Oman… sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỉ USD để mua hệ thống tên lửa hiện đại và máy bay thế hệ mới của Mỹ, giúp Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới và kiểm soát đến 54,4% thị trường vũ khí thế giới. Có thể kể ra đây thương vụ bán vũ khí trị giá 11 tỉ USD hồi tháng 7-2015 của Mỹ với Qatar, bao gồm 10 khẩu đội tên lửa Patriot, 24 máy bay trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin.

Trên quy mô toàn cầu, Mỹ đang là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Khi các điểm nóng trên thế giới chẳng những không hạ nhiệt mà còn xuất hiện nhiều thêm, Mỹ sẽ còn có thêm nhiều cơ hội kiếm lời từ bán vũ khí.

Trong khi đó, giữa tháng 12-2015, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nói rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang gia tăng việc bán vũ khí của mình. Trong bảng xếp hạng 100 công ty quốc phòng lớn nhất thế giới năm 2014 có 11 công ty của nước Nga. Đáng chú ý là hầu hết khách hàng tiềm năng đều quan tâm đến các loại vũ khí Nga đang được sử dụng ở Syria. Tức là, bất chấp vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, thành công trong hoạt động của Nga chống khủng bố IS tại Syria đã trở thành một kiểu quảng cáo cho vũ khí Nga.

Các đoạn ghi hình không kích và tấn công tên lửa của Nga chống chiến binh khủng bố IS được đăng trên YouTube đã trở thành video clip quảng cáo phổ biến cho vũ khí Nga.

Với "tin vui" từ thị trường buôn bán vũ khí như trên thì thử hỏi cuộc chiến chống IS bao giờ mới chấm dứt, quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc bao giờ mới hạ nhiệt, ai sẽ được lợi nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng, xung đột ở Syria kéo dài 4 năm rồi khi nào mới kết thúc...

Đã hơn một năm kể từ khi Mỹ cùng liên minh chống khủng bố phát động cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria nhưng xem ra để tiêu diệt sạch bóng  phiến quân cực đoan còn rất gian nan. Theo các nguồn tin, năm 2015, IS đã bị suy giảm 15% lãnh thổ, nhưng đó chủ yếu là những vùng đất sa mạc, còn những thành phố lớn và chiến lược ở Syria và Iraq thì IS vẫn vững như bàn thạch, thậm chí chúng còn mở rộng lãnh thổ sang Bắc Phi: Lybia, Tunisia và Nam Á: Pakistan và Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia…

Cuối tháng 9-2015, Nga đẩy mạnh không kích IS trên toàn lãnh thổ Syria, nhưng thống kê cho thấy, IS  vẫn chiếm 70% diện tích lãnh thổ nước này. Còn tại Iraq, ngoài thành phố Ramadi thuộc tỉnh lớn nhất Anbar vừa được giải phóng thì có tới gần 1/3 lãnh thổ quốc gia Trung Đông này vẫn nằm trong tay IS. Giới quan sát tình hình quốc tế cảm thấy khó hiểu, bởi xét về tổng thể, thực lực của nhóm khủng bố này, chúng yếu hơn rất nhiều so với các lực lượng đối địch xung quanh. Vậy đâu là sự thật của cuộc chiến chống IS?

 
Cuộc chiến chống IS kéo dài, ai hưởng lợi? - 3

Theo chuyên gia Andrew Bowen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, di sản mà Tổng thống Obama để lại cho người kế nhiệm là một thách thức lớn với rất ít lựa chọn ngoài việc theo đuổi mạnh mẽ hơn với chính sách hiện nay và tái xây dựng niềm tin cũng như cải thiện quan hệ với các đồng minh trong khu vực. Với việc chỉ còn một năm nữa trong nhiệm kỳ, ông Obama có rất ít thời gian để cải thiện tình hình. Có lẽ ông sẽ gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ để quản lý tốt hơn khu vực biên giới vốn là tuyến đường chính cho lực lượng jihad nước ngoài xâm nhập Syria.

Tương tự, ông Obama cũng có thể tăng gấp đôi các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy tiến trình hòa bình Vienna và đạt nhận thức lớn hơn với Nga về IS. Ông cũng có thể hợp tác với Pháp và Anh, cũng như một mức độ nào đó với Moscow nhằm mở rộng chiến dịch không kích phiến quân nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến và đem lại danh dự trong nhiệm kỳ của ông. Thực tế, cuộc chiến chống IS mỗi ngày tiêu tốn khoảng 11 triệu USD của quốc gia giàu nhất thế giới này. 

Văn Nguyễn

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm