1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc chiến chống IS: Khó như gỡ chỉ rối

(Dân trí) - Chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu nhằm vào IS đã kéo dài hơn 2 tháng kể từ khi quả bom đầu tiên được ném xuống Iraq hôm 8/8. Tuy nhiên, càng đánh khó khăn càng lộ rõ. Mục tiêu triệt hạ IS xem ra cũng khó như gỡ cuộn chỉ rối.

Phương Tây ngày càng lúng túng trong cuộc chiến chống IS.
Phương Tây ngày càng lúng túng trong cuộc chiến chống IS.

Những kết quả hạn chế

Nhìn lại hơn 2 tháng qua, chiến dịch không kích của liên quân nhằm vào các mục tiêu của tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Iraq và Syria chỉ đem lại kết quả rất hạn chế.

Cụ thể tại Iraq, máy bay chiến đấu của liên quân chỉ phá hủy được một số cơ sở và trang thiết bị quân sự chứ không thu hẹp được phần lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của IS. Thành quả lớn nhất đến nay mà chiến dịch không kích này có thể đem lại ở Iraq là giúp chính phủ và quân đội sở tại giành lại quyền kiểm soát đập Mosul ở thành phố chiến lược cùng tên. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Iraq và được coi là một trong những thành trì vững chắc nhất của IS, một tổ chức khủng bố được đánh giá tinh nhuệ và giàu có bậc nhất thế giới hiện nay.

Tại Syria, kết quả thu được thậm chí còn hạn chế hơn. Các cuộc không kích của hàng trăm máy bay liên quân chỉ phá hủy được một cứ địa, một trại huấn luyện, một số cơ sở sản xuất dầu mỏ và một số lượng nhỏ thiết bị chiến đấu của IS. Tuy nhiên, những thành quả này không thực sự có nhiều ý nghĩa khi xét đến thực tế đây đều là những thứ đã bị IS bỏ lại khi chủ động chơi trò “vườn không, nhà trống” để đánh lạc hướng tấn công của máy bay liên quân.

Tất nhiên, theo tuyên bố mang tính trấn an của các tướng lĩnh chóp bu Mỹ, các đợt tấn công của liên quân đã chặn đứng phần nào dòng thu nhập “khủng” từ dầu mỏ lên tới 2 triệu USD/ngày của IS. Liên quân cũng đã triệt hạ được hàng trăm tay súng của tổ chức này ở Kobane, một thị trấn biên giới của Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ và được coi là thành trì thứ hai của IS bên cạnh thành phố Mosul ở Iraq.

Nhưng đó chỉ là những tuyên bố của phía Mỹ, quốc gia phát động và cũng đang đi đầu trong cuộc chiến chống IS hiện nay.

Còn theo tuyên bố của các thành viên khác trong liên quân vốn đã lên tới gần 60 nước, dường như IS không phải chịu tổn thất nhiều về sinh mạng lẫn vật chất. Không chỉ thế, tổ chức cực đoan này còn đang có những bước tiến vững chắc trên thực địa khi từng bước khép chặt vòng vây từ 3 phía để đẩy thị trấn chiến lược Anbane vào nguy cơ thất thủ trong nay mai. Giới chức Washington, dù không muốn, cũng đã phải thừa nhận thực tế này khi công nhận “cuộc chiến (chống IS) sẽ còn nhiều cam go”.

Điểm yếu cơ bản của liên quân

Các hoạt động huấn luyện của phiến quân IS.
Các hoạt động huấn luyện của phiến quân IS.
 
Những kết quả hạn chế trên không chỉ phô bày điểm yếu cơ bản trong chiến dịch không kích của liên quân, mà còn cho thấy mục tiêu mà Mỹ và các đồng minh đặt ra còn lâu mới trở thành hiện thực.

Theo các nguồn tin sở tại, với kinh nghiệm nhiều năm gây bạo loạn ở Iraq và Syria, các tay súng IS hoạt động rất linh hoạt và cơ động. Để hạn chế tối đa thương vong do bom dội của liên quân, IS đã quyết định chia nhỏ đội hình, áp dụng chiến thuật di chuyển thường xuyên và tìm cách trà trộn vào các cộng đồng dân cư dòng Sunni. Các trang thiết bị chiến đấu hiện đại cũng được IS đưa vào sâu trong rừng, ngụy trang gần các khu dân sinh hoặc thường xuyên thay đổi địa điểm cất giấu để tránh bị phát hiện.

Bên cạnh việc hạn chế thiệt hại, IS còn tìm cách lấy lòng người dân ở Iraq và Syria thông qua việc sống theo thế “cài răng lược” và vung tiền mua chuộc. Những đối tượng được ưu tiên nhắm tới là dân nghèo và những người bị gạt ra rìa xã hội vì mâu thuẫn sắc tộc với chính phủ cầm quyền. Không chỉ thế, IS còn chiêu mộ được các thành viên mới từ chính các cộng đồng dân cư dòng Sunni và kích động hận thù ở những người có thân nhân thiệt mạng do bom đạn từ trời cao dội xuống. Với những người không thể dọa dẫm hay mua chuộc, IS sử dụng các hình thức tra tấn dã man để ép buộc, thị uy.

Với những “đối sách” thâm hiểm trên, IS đang từng bước chuyển từ bị động sang chủ động và tập hợp trong tay nhiều công cụ để uy hiếp ngược trở lại liên quân. Việc chúng cô lập nhiều nhóm dân cư, lấy những người chống đối ra làm lá chắn sống và hành hình các con tin Mỹ, Anh là ví dụ điển hình.

Điều đáng quan ngại ở đây là trong khi IS rất biết cách đối phó với sức mạnh tập thể của liên quân thì Mỹ, phương Tây và một số quốc gia Arập trong khu vực vẫn trù chừ trong việc viện đến bộ binh. Lịch sử chiến tranh cho thấy, không kích rất khó đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến quy mô lớn, trừ phi các mục tiêu cần tiêu diệt gần như lộ thiên và nằm cách xa hoàn toàn khu dân cư. Đối chiếu với cuộc chiến chống IS hiện nay, do các mục tiêu cần tiêu diệt được IS cất giấu kỹ càng và để gần khu dân cư nên chừng nào bộ binh của liên quân chưa vào cuộc, chừng đó IS sẽ không bị tổn hại nhiều, đừng nói đến việc bị tiêu diệt.

Hẳn nhiên Mỹ và các nước trong liên quân đều biết rõ điều này, nhưng vì nhiều lý do họ vẫn chưa thể triển khai binh sĩ trên bộ.

Và cuộn chỉ rối chưa thể tháo gỡ

Thế giới Hồi giáo có lịch sử lâu đời và là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới. Hồi giáo đang có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay với số tín đồ hiện đã lên tới hơn 1,57 tỷ người, chiếm 23% dân số thế giới. Người Hồi giáo tôn sùng tuyệt đối những giáo lý và quy định trong tôn giáo của mình, thậm chí một số còn có tư tưởng hà khắc và cực đoan như IS chẳng hạn.

Vì thế, việc liên quân đặt mục tiêu xóa sổ IS, ngay từ đầu, đã được xem là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí bất khả thi nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược ứng phó tổng thể.

Thứ nhất, các cuộc không kích sẽ chỉ như muối bỏ bể khi IS đã lựa chọn hình thức sống cài vào dân. Liên quân và quốc gia đầu tàu Mỹ có thể lấy lý do tiêu diệt IS để thả bom ở Iraq và Syria, nhưng mọi lời giải thích sẽ trở nên vô nghĩa khi thương vong lại rơi vào dân thường thay vì các tay súng phiến quân.

Thứ hai, việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng Hồi giáo Sunni ôn hòa ở Trung Đông cũng không phải là lựa chọn an toàn. Các tín đồ cùng tôn giáo, nhất là tôn giao mang tính giáo lý cao như đạo Hồi, thường có xu hướng co cụm để bảo vệ nhau. Những chính sách thất bại trước đây của Nhà Trắng đối với nhiều chính thể Hồi giáo trong khu vực và việc Washington khôi phục hợp tác với các chế độ Arập độc tài để chống lại các lực lượng chính trị Hồi giáo đã và đang tạo ra những sai lầm chết người, khiến người Hồi giáo ngày càng gia tăng tư tưởng đối đầu với phương Tây.

Thứ ba, trào lưu tư tưởng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni đang có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, ông Obama lại chưa có ý định hợp tác với những người Shi’ite ở Iran, Iraq và Syria để tạo thế đối trọng, nên cuộc chiến chống IS càng đứng trước nhiều nguy cơ thất bại.

Thứ tư, IS đã rất khôn ngoan khi đẩy mạnh chiêu mộ các tay súng nước ngoài. Theo con số không chính thức, hiện các chiến binh nước ngoài chiến đấu trong hàng ngũ của IS lên tới 15.000 người, chiếm 50% tổng quân số. Trong số này có khoảng 2.000 tay súng từ Mỹ và các nước châu Âu. Những tay súng này đang có nguy cơ trở thành “bom nổ chậm ngay tại sân nhà” một khi được phái cử trở về nước.

Với những khó khăn trên, không khó để nhận thấy chiến dịch không kích của liên quân càng kéo dài càng gây hậu quả tiêu cực. Nó không chỉ làm mất đi tính răn đe của Mỹ, mà còn làm cho các ổ nhóm vũ trang hoạt động hung hăng hơn. Vì vậy, bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung cũng phải được bắt nguồn từ nỗ lực chung tổng thể, trong đó không thể không kể đến sự ủng hộ của cộng đồng người Sunni và Shi’ite, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các chính thể có đủ sức mạnh trong khu vực.

Đức Vũ