1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến cam go phía trước của thế giới với đại dịch Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 có thể còn nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới cho dù ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trước đó đã kiểm soát tốt dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

Cuộc chiến cam go phía trước của thế giới với đại dịch Covid-19 - 1
Hơn 16 triệu người trên thế giới đã mắc Covid-19. (Ảnh minh họa: EPA)

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Covid-19 nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu nghiêm trọng nhất mà tổ chức này từng đối mặt. Ông cũng nhấn mạnh: "Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Vẫn còn chặng đường dài khó khăn phía trước chúng ta".

Cảnh báo được đưa ra khi đại dịch Covid-19 đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại, thậm chí ở cả những nước mà trước đó được cho là đã kiểm soát tốt dịch. Ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên đối phó và kiểm soát được Covid-19, điều khiến giới chức và người dân ở đây lo ngại là tình trạng số người mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại, trong đó nhiều ca không rõ nguồn lây. Các nước, vùng lãnh thổ từng được đánh giá cao về năng lực ứng phó dịch thì đến nay cũng chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm mới.

Đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho các nước mà hiện giờ vẫn đang phải đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên, chưa kể đến các tâm dịch như Mỹ, Brazil. Nhiều chuyên gia lo ngại, đại dịch Covid-19 có thể đạt đỉnh một lần nữa vào mùa đông tới.

Châu Á - Thái Bình Dương ứng phó sóng Covid-19 thứ hai

Cuộc chiến cam go phía trước của thế giới với đại dịch Covid-19 - 2

Covid-19 bùng phát mạnh khi các quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa trở lại. (Ảnh: AFP)

Các nước từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Australia, đều đang phải đối mặt với tình trạng số người mắc Covid-19 tăng vọt trở lại. Trong tuần này, số ca mắc mới tại Trung Quốc tăng hơn 60 ca/ngày, cao nhất kể từ tháng 4, trong đó chủ yếu là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại đặc khu Hong Kong, giới chức địa phương phải siết các biện pháp ứng phó dịch khi xuất hiện những ca mắc Covid-19 không rõ nguồn lây. Ben Cowling, giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho rằng họ có thể “không bao giờ” tìm ra căn nguyên khiến làn sóng Covid-19 bùng phát, song các dữ liệu cho thấy nó có thể bắt nguồn từ bên ngoài. “Khi đại dịch đã được kiểm soát, điều quan trọng là phải ngăn chặn dịch tái bùng phát thông qua việc xét nghiệm và cách ly có hiệu quả những người vào Hong Kong. Một khi để làn sóng lây nhiễm mới bắt đầu, việc dập dịch sẽ đòi hỏi rất nhiều công sức”, ông Cowling nói.

Giới chức Hong Kong hứng không ít chỉ trích về cách ứng phó làn sóng Covid-19 mới nhất, đặc biệt là việc miễn cách ly cho một bộ phận đông đảo nhân viên phi hành đoàn hay các thương gia. Họ nói rằng, chính sách này là cần thiết để phục hồi kinh tế, trong khi đó giới chức y tế đến nay chật vật vẫn không thể tìm ra nguồn gốc nhiều ca ca mắc Covid-19 mới.

Tại Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 tại ít nhất 5 tỉnh tăng thậm chí mạnh hơn trong thời gian Nhật Bản ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia vì đại dịch. Thực trạng này làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp ứng phó hiện nay ở xứ sở anh đào. Không giống biện pháp trong thời gian ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia hồi tháng 4 và tháng 5, hiện giờ Nhật bản không khuyến cáo đóng cửa doanh nghiệp trên toàn quốc hay yêu cầu người dân ở nhà.

Cuộc chiến cam go phía trước

Cuộc chiến cam go phía trước của thế giới với đại dịch Covid-19 - 3
Cuộc chiến chống Covid-19 còn nhiều thử thách ở phía trước. (Ảnh minh họa: Reuters)

Khó khăn ngày càng chồng chất với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy một cuộc chiến chống Covid-19 thậm chí còn cam go hơn ở phía trước với các khu vực khác trên thế giới ít nhất cho đến khi có vắc xin phòng ngừa hiệu quả.

Mặc dù số người mắc ở Trung Quốc, Australia hay Nhật Bản có xu hướng tăng, nhưng vẫn chưa tới mức nghiêm trọng như ở Mỹ và Brazil - hai tâm dịch lớn nhất thế giới vẫn đang “oằn mình” đối phó làn sóng Covid-19 đầu tiên và vẫn chưa thực sự có một chiến lược ứng phó theo khuyến nghị của giới chuyên gia.

Thời tiết nắng nóng của tháng 7 có thể khiến mùa đông ở bán cầu bắc còn xa, nhưng nó đang đến. Các nhà khoa học khuyến cáo, các nước cần chuẩn bị sẵn cho kịch bản số người mắc Covid-19 có thể tăng mạnh trở lại, thậm chí nghiêm trọng hơn làn sóng bùng phát đầu tiên. Điều này là bởi, thời tiết giá lạnh khiến mọi người có xu hướng ở trong các không gian kín với điều kiện thông gió hạn chế - môi trường lý tưởng cho virus lây lan.

Hơn bao giờ hết, hy vọng ngăn chặn Covid-19 phụ thuộc vào các loại vắc xin tiềm năng đang được nghiên cứu, phát triển. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nói rằng nếu một vắc xin có hiệu quả và mọi người được tiếp cận, cuối cùng đại dịch này sẽ bị đẩy lùi. Để đến được thời điểm đó, thế giới vẫn sẽ đối mặt với một cuộc chiến cam go và thử thách.