Cuộc chiến bảo vệ cộng đồng người bạch tạng ở Zimbabwe
Lần đầu tiên, Zimbabwe tổ chức Cuộc thi “Hoa hậu bạch tạng”. Mục đích của cuộc thi nhằm đấu tranh, ngăn chặn sự kỳ thị của người dân với cộng đồng người bạch tạng. Cô gái Sithembiso Mutukura (22 tuổi) đã giành chiến thắng ở cuộc thi này
“Hoa hậu bạch tạng” đầu tiên ở Zimbabwe
Sithembiso Mutukura hiện là một sinh viên. Cô đã vượt lên 12 thí sinh khác để giành vương miện của Cuộc thi “Hoa hậu bạch tạng Zimbabwe” lần đầu tiên được tổ chức. Chia sẻ với báo giới sau cuộc thi, Sithembiso Mutukura hy vọng, sẽ truyền cảm hứng cho những người khác đang phải sống chung với bạch tạng. “Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của những người bạch tạng. Tôi hy vọng chiến thắng của mình sẽ truyền cảm hứng đến cộng đồng người bạch tạng, đặc biệt là những người bạch tạng mang giới tính nữ. Tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Tôi muốn những người đang chung sống với bệnh bạch tạng luôn tự tin, can đảm và kiên trì trong cuộc sống”, Sithembiso Mutukura nói.
“Hoa hậu bạch tạng Zimbabwe” được tổ chức tại Harare với sự tham gia của 13 thí sinh trên khắp cả nước. Các thí sinh phải trải qua các phần thi như trình diễn trang phục truyền thống Zimbabwe, trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo. Người giành ngôi vị cao nhất được nhận phần thưởng khá khiêm tốn, trị giá 85 USD.
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi, bà Brenda Mudzimu cho biết, mục đích của cuộc thi là tạo niềm tin cho các cô gái bạch tạng ở Zimbabwe cũng như mong muốn xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với cộng đồng này. Công tác tổ chức cuộc thi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu kinh phí tổ chức. Không nhiều nhà tài trợ mặn mà với sáng kiến của Ban tổ chức. Cuối cùng, cuộc thi chỉ có được một nhà tài trợ duy nhất. Tuy nhiên, bà Brenda Mudzimu nói rằng, hy vọng một ngày nào đó, cuộc thi sẽ trở thành sự kiện mang tầm cỡ quốc tế.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
“Đây sẽ là một sự kiện được tổ chức hàng năm. Sau đó, cuộc thi sẽ được mở rộng ra trên phạm vi toàn châu Phi. Chúng ta sẽ có “Hoa hậu bạch tạng châu Phi”, rồi “Hoa hậu bạch tạng thế giới”. Chúng tôi muốn mang thông điệp của cuộc thi đến mọi nơi trên thế giới”, bà Brenda Mudzimu nói.
“Giáo dục là chìa khóa để giải quyết vấn đề kỳ thị người bạch tạng. Hiệp hội bảo vệ người bạch tạng Kenya đã đưa ra các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, trao quyền cho người bạch tạng, giúp họ bắt đầu các hoạt động kinh doanh, tự chủ về kinh tế để chăm sóc bản thân và gia đình. Chúng tôi mang đến cho người bạch tạng cơ hội việc làm để họ cảm thấy mình là một phần có ích cho xã hội”.
Daniel Shisia (Phát ngôn viên Hiệp hội bảo vệ người bạch tạng Kenya)
Tapuwa Muchemwa, một đại diện của Chính phủ Zimbabwe, khách mời danh dự của cuộc thi nói rằng, các nhà lãnh đạo của đất nước ủng hộ mạnh mẽ cuộc thi cũng như các hoạt động bảo vệ người bạch tạng. Những người bạch tạng có quyền sống, đảm bảo an ninh như những người khác.
Bạch tạng là chứng rối loạn di truyền, ngăn cản tế bào da sản xuất melanin, dẫn đến sự bất thường trong sắc tố da, tóc và mắt. Bạch tạng là do di truyền nhưng hầu hết trẻ em bạch tạng được sinh ra trong khi cha mẹ có sắc tố da bình thường. Nếu cả cha và mẹ đều có gen khiếm khuyết, tỷ lệ con bạch tạng là ¼. Những người bị bạch tạng có thể mắc các vấn đề liên quan đến thị giác và dễ bị ung thư da.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, người bị bạch tạng thường xuyên phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Bảo vệ người bạch tạng vẫn là bài toán “hóc búa” khiến giới chức các quốc gia châu Phi đau đầu. Tỷ lệ người bị bạch tạng ở châu Phi cao hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Ước tính, một trong số 5.000 - 15.000 người ở khu vực này mắc bạch tạng.
Ở một diễn biến khác, thực tế đã có không ít những vụ tấn công, bắt cóc và giết hại người bạch tạng ở các quốc gia châu Phi. Theo thống kê của Liên hợp quốc, đã có hơn 600 cuộc tấn công nhằm vào người bạch tạng được ghi nhận tại 28 quốc gia ở vùng cận Sahara trong thập kỷ qua, nhiều trường hợp không được báo cáo.
Theo Tường Phạm
An ninh thủ đô