1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến âm thầm: Ngoài đường đua không gian

Trong suốt gần 20 năm qua, công ty Blue Origin của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos được coi là bí ẩn lớn nhất của ngành công nghiệp vũ trụ.

CEO của công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon đã tự mình thành lập một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ tên lửa, tạo nên những cú sốc sau vài lần phóng thử nghiệm tên lửa. Mới đây, Blue Origin đã tạo nên lịch sử khi phóng và hạ cánh thành công tên lửa đẩy New Shepard sau khi đưa nó lên phần ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và ngoài vũ trụ (khoảng 100km so với mặt đất).

Đây là một dấu mốc lớn trong lịch sử du hành vũ trụ tư nhân, và nó khiến cho dự án tàu vũ trụ tái sử dụng của tỷ phú người Mỹ Elon Musk bị đe dọa. Thành lập Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX, Elon Musk muốn khẳng định vị thế độc tôn của một doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp vũ trụ. Thế nhưng, thành công của Jeff Bezos đã khiến ông chủ SpaceX cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Và từ đây, một cuộc chiến âm thầm giữa hai tỷ phú đang diễn ra gay gắt để tiến những bước dài trên đường đua ngoài không gian.

Cạnh tranh gay gắt

Blue Origin đã phóng thành công tàu vũ trụ lên độ cao dưới quỹ đạo Trái Đất, và mang tên lửa đẩy quay trở lại Trái Đất. Phần tên lửa đẩy New Shepard hạ cánh chỉ cách điểm phóng lên khoảng 1,3m, cho dù sức gió thổi lên đến 200 km/giờ. Ngay sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc thành công, Jeff Bezos đã lập tức đăng những lời chúc mừng lên trang Twitter cá nhân. “Chúng tôi đã tạo nên một con quái vật chưa từng có – một tên lửa tái sử dụng”, Bezos cho biết. “Đây sẽ là người thay đổi cuộc chơi, và Blue Origin không thể đợi được đến lúc nạp lại nhiên liệu và bay vào không gian”.

Tuy nhiên ngay sau đó, tỷ phú Elon Musk đã phản hồi bằng những câu chữ có vẻ ghen tị, tuyên bố đây không phải là lần hạ cánh trở lại Trái Đất đầu tiên trong lịch sử của một tên lửa sau khi được phóng lên. Trên thực tế, SpaceX đã từng thử nghiệm thành công rất nhiều lần hạ cánh, đặc biệt là khi phóng con tàu mang tên lửa đẩy Falcon 9 lên không trung với khoảng cách vài trăm mét, sau đó tên lửa này đã hạ cánh trở lại bề mặt Trái Đất vài năm trước đây.

Elon Musk không ngần ngại chế giễu người đồng nghiệp Jeff Bezos và công ty Blue Origin, tự tin khẳng định SpaceX sẽ tiếp tục tiến hành lần hạ cánh tên lửa tái sử dụng tiếp theo sau khi phóng lên quỹ đạo Trái đất.

Cuộc chiến âm thầm: Ngoài đường đua không gian - 1

Một cuộc chiến âm thầm mà gay gắt giữa hai "ông lớn" Jeff Bezos (trái) và Elon Musk (phải) trên đường đua ngoài không gian.

Trong một nỗ lực “phản đòn”, Jeff Bezos cho rằng SpaceX cũng không phải là đơn vị đầu tiên thử nghiệm thành công việc hạ cánh kiểu này. Vị CEO dẫn ra nhiều nguồn tư liệu liên quan tới Không quân Mỹ với tên lửa X-15. Tuy nhiên, có vẻ như Jeff Bezos đã nhầm lẫn khi mà X-15 là một máy bay phản lực tên lửa chứ không phải một dạng tên lửa không gian truyền thống. Bên cạnh đó, đây là dự án được tài trợ bởi chính phủ Mỹ chứ không phải là của một công ty tư nhân, và cũng không mang theo một tàu vũ trụ.

Vậy nên, Elon Musk được cơ lấn tới, tiếp tục buông chữ coi thường thành quả đầu tiên của Jeff Bezos với niềm tin rằng: phải còn rất lâu nữa Blue Origin mới bắt kịp tốc độ hiện thời của SpaceX. Tỷ phú này lại đề cập đến việc các công ty khác có thể đã hạ cánh thành công tên lửa của họ trên các chuyến bay, nhưng ở độ cao “dưới quỹ đạo” mà SpaceX làm được trong quá khứ. Thực chất, “dưới quỹ đạo” là cách mà Elon Musk ám chỉ về Blue Origin, “kỹ thuật của Jeff Bezos còn quá non yếu”.

Mâu thuẫn giữa Elon Musk với Jeff Bezos không có gì xa lạ. Khi Jeff Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000, ông đã trở thành một người giàu có nhờ vào Amazon. Ông tiếp tục đầu tư và cho phép các kỹ sư làm việc gần như bí mật trong nhiều năm, cho dù tiến độ chậm chạp. Ông đã đưa ra cách tiếp cận thong thả hơn để trở thành ông trùm không gian.

Trong khi đó, Elon Musk vận hành SpaceX từ năm 2002 với chỉ vài trăm triệu USD. Để giữ SpaceX hoạt động, ông đã phải nhanh chóng biến công ty thành một đối thủ toàn cầu trong ngành công nghiệp vũ trụ, tuyên chiến với các công ty khác được chính phủ tài trợ ở nhiều quốc gia. Các áp lực này gần như phá hủy SpaceX trong những ngày đầu thành lập, khiến Elon Musk cảm thấy khó chịu nếu bỗng dưng có kẻ nhảy vào “phá bĩnh”.

Bởi cách tiếp cận khác nhau, nên Elon Musk đã nhiều lần châm chọc Jeff Bezos. Trong một lần hiếm hoi, CEO của SpaceX đã chế giễu nỗ lực của Blue Origin để xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ tên lửa tái sử dụng. Cả hai công ty thậm chí còn tìm cách lôi kéo nhân viên của nhau. SpaceX thiết lập bộ lọc thư điện tử để tìm xem ai nhận được e-mail với chữ “Blue Origin” trong nội dung, khiến nhân viên thường phải viết tắt tên đối thủ cạnh tranh là B.O.

Trong bối cảnh này, Blue Origin luôn tránh công khai tin tức và dường như “an phận”, không có gì nổi bật nếu so với SpaceX. Chỉ bằng thành công với New Shepard, Blue Origin mới “dằn mặt” Elon Musk, sẵn sàng để tiến những bước xa hơn chinh phục không gian.

Mở ra những cơ hội mới

Công bằng mà nói, thử nghiệm thành công của Blue Origin đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi mà SpaceX đã liên tiếp thất bại trong các cuộc thử nghiệm tên lửa tái sử dụng gần đây. Để thực sự đánh dấu “một bước ngoặt vĩ đại” trong lịch sử du hành vũ trụ, cả Blue Origin và SpaceX trước hết sẽ phải thực hiện được việc phóng tên lửa đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo Trái Đất và sau đó điều khiển nó quay trở lại để hạ cánh trên bề mặt Trái Đất, có thể tiếp tục được sử dụng cho lần sau. Hiện tại, cả hai công ty này đều chưa thực hiện được điều này.

Trên thực tế, đây mới chỉ là lần phóng thử, và Blue Origin vẫn chưa thực sự phóng thành công tên lửa cho bất cứ một khách hàng nào. New Shepard dường như nhắm nhiều hơn đến lĩnh vực du lịch không gian. Trong khi đó, các chuyên gia kỹ thuật lại khắt khe hơn khi yêu cầu phóng tên lửa đủ cao để đưa vệ tinh lên hoặc mang đồ cung cấp cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Cuộc chiến âm thầm: Ngoài đường đua không gian - 2

Mọi nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa đều đã phải nghiên cứu về công nghệ tái sử dụng để cạnh tranh.

Về phần SpaceX, dù đã chế tạo thành công mẫu tên lửa đẩy Falcon 9 nhưng vẫn chưa thể điều khiển cho quá trình hạ cánh được an toàn. SpaceX đang cố gắng tìm cách cho tên lửa đáp xuống mặt đất trong lần phóng tiếp theo. Cho đến nay thì công ty chỉ mới làm cho tên lửa hạ cánh xuống biển. Nếu họ thành công trong lần phóng tiếp theo, thì Falcon 9 sẽ là tên lửa có thể tái sử dụng đầu tiên của SpaceX.

Nếu gạt sang một bên những tranh cãi về kỹ thuật, cả SpaceX và Blue Origin đã mở ra tiềm năng cho những tiến bộ đáng kinh ngạc trong ngành công nghiệp vũ trụ. Những công ty truyền thống không quan tâm nhiều đến việc tái sử dụng tên lửa cho đến khi xuất hiện nhiều đối thủ trên thị trường. Giờ  đây mọi nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa đều đã phải nghiên cứu hoặc bắt đầu thảo luận về công nghệ này, vì họ biết rằng cũng cần công nghệ tái sử dụng để cạnh tranh. Từ đây, việc thương mại hóa ngành công nghiệp vũ trụ sẽ thay đổi mãi mãi, đầu tiên là mở ra cơ hội về việc du lịch vào không gian, cho khách du lịch, các nhà nghiên cứu và nhiều công ty khác.

Theo như dự kiến, New Shepard sẽ được thương mại hoá và sử dụng cho những chuyến du lịch vào không gian có độ cao dưới quỹ đạo. Jeff Bezos cho biết hiện chưa có lịch trình cụ thể cho những chuyến bay sắp tới nhưng tiết lộ rằng chuyến bay sẽ bao gồm 6 phi hành đoàn được đưa lên độ cao 100 km so với mặt đất. Trong khi đó, SpaceX cung cấp dịch vụ phóng tên lửa không gian với giá thành rẻ, khoảng 60 triệu USD cho một lần vào vũ trụ. SpaceX hy vọng rằng, với các tên lửa tái sử dụng, giá thành có thể sẽ giảm xuống còn 6 triệu USD cho mỗi lần phóng. Nhờ vậy, SpaceX đã có một danh sách dài khách hàng đặt chỗ trước, đồng thời cũng có nhiều cơ hội liên kết phát triển những công nghệ bí mật một cách nhanh chóng.

Dù còn nhiều cạnh tranh nhưng Elon Musk và Jeff Bezos, với hai công ty tư nhân, đã chứng minh rằng tỷ phú với những giấc mơ khoa học vũ trụ cũng có thể cạnh tranh được với các công ty được chính phủ chống lưng với kinh phí khổng lồ và hàng thập kỷ kinh nghiệm. Giờ đây, nước Mỹ gần như đã trở thành đối thủ không thể cạnh tranh trên thị trường phóng tên lửa toàn cầu, với SpaceX và Blue Origin có triển vọng nhất và được dự đoán sẽ đứng đầu thế giới về công nghiệp vũ trụ trong tương lai. Việc lên vũ trụ thư giãn và thưởng ngoạn cảnh không gian, rồi quay về Trái Đất, có lẽ chỉ còn là vấn đề tiền bạc mà thôi…

Theo Việt Dũng

An ninh thế giới