1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chạy đua của các “vị khách” trên bàn cờ chính trị Triều Tiên

(Dân trí) - Bàn cờ chính trị trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ có sự tham gia của Mỹ và Triều Tiên, mà còn ghi dấu ấn của một loạt quốc gia trong khu vực - những “vị khách” không muốn bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình vận động chung.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump hy vọng có thể thông qua một chương trình nghị sự nhanh chóng và suôn sẻ với Triều Tiên trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào tháng tới. Điều nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn là những kết quả ngay tức thì, chủ yếu là một thỏa thuận hạt nhân ổn thỏa với Triều Tiên, đổi lấy viện trợ về lương thực, đầu tư cũng như các khoản hỗ trợ khác cho Bình Nhưỡng.

Mặc dù hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên là sự kiện song phương, song các nước trong khu vực cũng muốn tham gia vào tiến trình này. Theo cây bút Simon Tisdall của Guardian, các bên đều mong muốn nhận được những lợi thế chiến lược, do vậy tất cả đều vội vã vào cuộc để đảm bảo rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình, trong đó nổi bật hơn cả là tiếng nói của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nga

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov tại Triều Tiên ngày 31/5 (Ảnh: TASS)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov tại Triều Tiên ngày 31/5 (Ảnh: TASS)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là vị khách mới nhất tham gia vào “bàn tiệc” của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Lavrov hôm nay đã tới Bình Nhưỡng để gặp người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho.

Đây là lần thứ hai ngoại trưởng Nga và ngoại trưởng Triều Tiên gặp nhau trong tháng này sau một thời gian xa cách. Điều này đã phản ánh phần nào sự quan tâm của Nga trong việc định hình tương lai của Triều Tiên sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc thành công. Nhờ vào những nỗ lực của Tổng thống Trump trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga dường như đang kỳ vọng có thể hồi sinh và mở rộng thêm mối quan hệ song phương lâu đời với quốc gia Đông Bắc Á.

Nga là nước ủng hộ Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953) và cả sau khi Triều Tiên giành độc lập. Hai nước đã duy trì mối quan hệ gần gũi trong các lĩnh vực ngoại giao, công nghiệp và đầu tư trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và ký hiệp ước hữu nghị từ năm 2000. Tuy vậy, mối quan hệ này có chiều hướng đi xuống trong thời gian gần đây liên quan tới tới vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nga chứng kiến tầm ảnh hưởng của nước này bị sụt giảm trong vấn đề Triều Tiên, do vậy Moscow đang nỗ lực để không bị gạt ra ngoài lề trong cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất khu vực. Theo đó, Ngoại trưởng Lavrov ủng hộ đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân nhằm duy trì vị thế của Nga trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trung Quốc vẫn luôn để mắt tới các kế hoạch của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên và có thể tìm cách tác động theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc muốn thiết lập vị trí của nước này như một yếu tố trung tâm trong chính sách ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên, vì an ninh của bán đảo Triều Tiên gắn liền với sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng đưa tin chuyến đi của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc gần đây là theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây được xem là nỗ lực chiến lược của Bắc Kinh nhằm bảo vệ các lợi ích trong vấn đề Triều Tiên hiện nay.

Cuộc gặp bất ngờ lần thứ hai giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào cuối tuần trước đã khiến Trung Quốc dè chừng. Theo nhà phân tích Simon Tisdall, bất kỳ động thái hữu nghị nào trong quan hệ liên Triều cũng sẽ tạo điều kiện để Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực và đây là điều Trung Quốc không hề mong muốn.

Trung Quốc ủng hộ phương án giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu đã mong muốn bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa vì nhiều lý do, trong đó có mối lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ khu thử hạt nhân ở biên giới Trung - Triều. Ngoài ra, bất kỳ phương án nào giúp ổn định nền kinh tế của Triều Tiên cũng là điều Trung Quốc hoan nghênh. Bắc Kinh không mong muốn quốc gia láng giềng bất ổn vì điều đó có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư khi hàng triệu người tị nạn Triều Tiên có thể tràn qua biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ngay cả khi Tổng thống Trump có suy nghĩ hay đưa ra quyết định gì, Trung Quốc vẫn có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu đó là điều mà Bắc Kinh cho là không mang lại lợi ích cho mình.

Hàn Quốc

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Hàn Quốc là nước đóng vai trò chính trên bàn cờ chính trị Triều Tiên, trong đó nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in nhằm kết nối hai nhà lãnh đạo khó đoán Donald Trump và Kim Jong-un là không thể phủ nhận. Sau khi Triều Tiên chỉ trích Nhà Trắng vì so sánh chính quyền Bình Nhưỡng với mô hình phi hạt nhân kiểu Libya, cùng với đó là lời de dọa hủy cuộc gặp song phương của Tổng thống Trump, Tổng thống Moon Jae-in đã nhanh chóng vào cuộc để hạ nhiệt căng thẳng.

Những nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rốt cuộc cũng được đền đáp và kế hoạch tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim lại diễn ra như lịch trình ban đầu. Tuy vậy, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Moon phải vào cuộc để “cứu” Mỹ từ chính những hành động theo kiểu bản năng của nước này.

Tổng thống Moon có đủ động lực cũng như vị thế để quay lưng với Mỹ, đồng thời sẵn sàng duy trì thỏa thuận riêng rẽ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu Tổng thống Trump không thể đưa mối quan hệ Mỹ - Triều trở nên tốt đẹp hơn hoặc thất bại trong việc đạt thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc cho đến nay vẫn muốn ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên và tăng cường giao lưu giữa hai quốc gia cả về kinh tế và xã hội. Hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên có thể nghi ngờ rằng Tổng thống Trump không thực lòng quan tâm tới lợi ích của họ.

Các nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul ủng hộ các cuộc đàm phán 3 bên với Mỹ và Triều Tiên thông qua cơ chế ngoại giao tập thể do lo ngại rằng ảnh hưởng của nước này sẽ bị mờ nhạt trong các cuộc đàm phán 4 bên (với Trung Quốc) hoặc 6 bên (với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản). Mục tiêu của Hàn Quốc là phi hạt nhân hóa nhưng không để xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời không để bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình hòa giải căng thẳng với Bình Nhưỡng.

Nhật Bản

Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 4 (Ảnh: New York Times)
Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 4 (Ảnh: New York Times)

Theo SCMP, mặc dù bị gạt ra ngoài lề trong các diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang tìm cách để Tokyo có thể đóng góp tiếng nói bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh riêng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhật Bản có thể đàm phán với Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn tiếp tục duy trì “sức ép tối đa” với Bình Nhưỡng. Điều Thủ tướng Abe mong muốn là bảo vệ lợi ích cũng như vị thế của Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á.

Mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản hiện nay là liệu Bình Nhưỡng có đồng ý thả các công dân Nhật Bản từng bị Triều Tiên bắt giữ cách đây hàng chục năm hay không. Bất kỳ thỏa thuận nào do Tổng thống Trump đạt được với Triều Tiên trong quá trình đàm phán mà không giúp thúc đẩy vấn đề trên chắc chắn sẽ khiến Tokyo thất vọng.

“Tất cả mọi người đều muốn trở thành một phần của cuộc chơi khi Tổng thống Trump và Tổng thống Moon gặp ông Kim Jong-un. Thủ tướng (Nhật Bản) Shinzo Abe sẽ đối mặt với rủi ro thực sự nếu bị gạt ra ngoài lề. Rốt cuộc không có ai muốn mình bị bỏ lại ngoài lề”, Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên tại Đại học Montreal, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp