DMagazine

Cuộc cạnh tranh ở đồi Capitol: Liệu đảng Dân chủ có giữ thế đa số?

(Dân trí) - Lịch sử Mỹ cho thấy đảng của tổng thống thường mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ và sự kiện ngày 8/11 tới dường như khó tránh khỏi quy luật này, bất chấp ưu thế có được sau khi Tòa án tối cao đảo ngược vụ kiện hợp pháp hóa lựa chọn phá thai.

CUỘC CẠNH TRANH Ở ĐỒI CAPITOL: LIỆU ĐẢNG DÂN CHỦ CÓ GIỮ THẾ ĐA SỐ?

Lịch sử Mỹ cho thấy đảng của tổng thống thường mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ và sự kiện ngày 8/11 tới dường như khó tránh khỏi quy luật này, bất chấp ưu thế có được sau khi Tòa án tối cao đảo ngược vụ kiện hợp pháp hóa lựa chọn phá thai.

Cuộc cạnh tranh ở đồi Capitol: Liệu đảng Dân chủ có giữ thế đa số? - 1

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama vận động cho đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Pennsylvania ngày 5/11 (Ảnh: Reuters).

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ ngày 8/11 được gọi là bầu cử giữa kỳ vì nó xảy ra vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống. Năm nay, tất cả 435 ghế hạ nghị sỹ tại Hạ viện và 35 ghế tại Thượng viện bao gồm 100 thành viên phải bầu lại. Theo quy định, Hạ viện Mỹ chỉ có nhiệm kỳ 2 năm nên cứ 2 năm bầu lại một lần toàn bộ, trong khi Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, và cứ mỗi 2 năm sẽ bầu lại 1/3 số thượng nghị sỹ.

Giống các kỳ bầu cử Quốc hội trước, cử tri sẽ quyết định đảng nào, Dân chủ hay Cộng hòa, chiếm đa số trong cả hai viện của Quốc hội. Kết quả sẽ tác động sâu sắc đến đường hướng chính trị của Mỹ trong 2 năm tới, liệu Tổng thống Joe Biden có thể thông qua bất kỳ chính sách mới nào hay không, hoặc liệu đảng Cộng hòa có khả năng ngăn chặn hầu hết những điều ông Biden muốn làm hay không.

Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này cũng sẽ bầu lại thống đốc ở 36 tiểu bang, góp phần định hình lại chính trị Mỹ một cách đáng kể. Những người chiến thắng trong các cuộc đua đó sẽ ảnh hưởng đến các chính sách của tiểu bang về các vấn đề khác nhau như phá thai, quyền bầu cử và Covid-19.

Do cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ, một dự luật cần phải được thông qua từ cả Hạ viện và Thượng viện của nhánh lập pháp trước khi được tổng thống bên hành pháp ký thông qua. Do đó, chỉ cần đảng Cộng hòa chiếm đa số trong một viện của Quốc hội, họ sẽ có thể chặn phần lớn những gì Tổng thống Biden và đảng Dân chủ mong muốn đạt được cho đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2024.

Dù ông Biden sẽ không có tên trên lá phiếu của các cử tri, nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ lần này được coi là trưng cầu dân ý về độ tín nhiệm vị Tổng thống sau 2 năm cầm quyền.

Các vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm

Cuộc cạnh tranh ở đồi Capitol: Liệu đảng Dân chủ có giữ thế đa số? - 2

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại mít tinh trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Miami, Florida ngày 6/11 (Ảnh: Reuters).

Các vấn đề chính như lạm phát, phá thai, quyền bỏ phiếu, tội phạm, vụ tấn công đồi Capitol (Quốc hội) ngày 6/1 của những người ủng hộ ông Trump, và nhập cư là các chủ đề quan tâm bầu cử của cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, các chủ đề quan trọng nhất xác định lá phiếu dường như khác nhau đối với cử tri của mỗi bên.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của đài NPR, các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa nói rằng họ quan tâm nhất đến lạm phát, nhập cư trong khi vấn đề phá thai nằm ở thứ yếu. Trong khi đó, các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đã xếp vấn đề phá thai, các cuộc điều trần của ủy ban ngày 6/1 về vụ tấn công đồi Capitol của những người ủng hộ ông Trump và chăm sóc sức khỏe là các ưu tiên quan trọng hàng đầu.

Nền kinh tế và lạm phát kỷ lục trong nhiều thập niên qua hiện trở thành những ưu tiên lớn hơn đối với người Mỹ. Vấn đề "cơm áo gạo tiền" trở nên gần gũi và quyết định lá phiếu hơn là những vấn đề mang tính thiếu cấp thiết như quyền được lựa chọn phá thai của phụ nữ được bảo vệ bởi luật liên bang.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy nhiều cử tri tin tưởng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ để xử lý vấn đề kinh tế. Lịch sử nước Mỹ cũng từng chứng kiến lạm phát kỷ lục của nước Mỹ do khủng hoảng năng lượng trong thập niên 1970 đã khiến người dân Mỹ bầu cho ứng cử viên mang đường lối bảo thủ của đảng Cộng hòa Ronald Reagan làm tổng thống vào đầu thập niên 1980.   

Chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, các cuộc thăm dò ý kiến và dự báo thống kê của riêng báo The Economist đã cho thấy đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế mạnh mẽ hơn. Đảng này đã tập trung khai thác vấn đề lạm phát và tội phạm, vốn là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm hàng đầu.

Tuần trước, một cuộc thăm dò ý kiến cử tri của hãng tin ABC News/Ipsos được thực hiện cho thấy 49% người Mỹ, tức khoảng một nửa dân số Mỹ, cho rằng nền kinh tế hoặc lạm phát là vấn đề quan trọng nhất quyết định lá phiếu của họ đối với Quốc hội, so với 14% người nói tương tự về việc phá thai. Công ty thăm dò ý kiến nổi tiếng Gallup, theo dõi các vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri trong vài tháng qua, cũng nhận định tương tự như vậy.

Họ nhận thấy các vấn đề kinh tế luôn được quan tâm hàng đầu, còn phá thai chỉ là một trong những vấn đề lớn của mùa bầu cử này, cùng với sự không hài lòng chung với chính phủ và vấn đề nhập cư.

Điều đó cũng có nghĩa là đảng Dân chủ đang mất lợi thế khi tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, mặc dù đây không phải hoàn toàn là lỗi của chính quyền Tổng thống Biden. Lạm phát hiện nay xảy ra trên toàn thế giới khi nó đang được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt sau đại dịch Covid-19, các cú sốc của đứt gãy nguồn cung ứng toàn cầu, do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và cuộc xung đột ở Ukraine đang góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, thực phẩm và các thành phần công nghệ cao. Theo mức trung bình trong các cuộc khảo sát của hãng điều tra ý kiến cử tri FiveThirtyEight, đảng Cộng hòa hiện có lợi thế 1,3 điểm phần trăm so với đảng Dân chủ.

Cơ hội nào cho đảng Dân chủ?

Cuộc cạnh tranh ở đồi Capitol: Liệu đảng Dân chủ có giữ thế đa số? - 3

Người dân xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Ohio, Mỹ ngày 5/11 (Ảnh: Reuters).

Các hãng phân tích thăm dò ý kiến bao gồm FiveThirtyEight cho biết Hạ viện mà đảng Dân chủ đang nắm giữ đa số, hiện xoay chuyển cho đảng Cộng hòa. Nếu không có đa số trong Hạ viện sau cuộc bầu cử, Tổng thống Biden sẽ không thể thông qua bất kỳ luật nào khác và có thể đe dọa cơ hội bầu cử của đảng Dân chủ vào năm 2024. Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy, đảng Dân chủ từng dẫn đầu thoải mái trong các cuộc khảo sát mùa hè trong một số cuộc đua ghế vào Thượng viện, nhưng hiện nay cuộc đua đang trở nên sít sao và có chiều hướng hiện nghiêng về đảng Cộng hòa khi lạm phát cao vẫn tiếp diễn.

Việc mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến 2 năm tiếp theo trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, với việc các đảng viên Cộng hòa dự kiến sẽ ngăn chặn luật về phá thai và các ưu tiên khác của Biden trong khi thúc đẩy các luật mới để hạn chế nhập cư và chi tiêu. Nếu đảng Dân chủ để mất cả hai viện, họ sẽ buộc phải dựa vào Tổng thống Biden để phủ quyết các dự luật mà họ không đồng ý. Đối với đảng Cộng hòa, việc giành được quyền kiểm soát Hạ viện sẽ cho thấy vẫn còn sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa sau khi ông Trump rời Nhà trắng.

Mỹ cũng vừa công bố các số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 2,6% trong quý 3 (từ tháng 7 đến tháng 9) sau 2 quý liên tiếp hoạt động kinh tế giảm tổng cộng 2,2%. Dữ liệu chỉ xuất hiện chưa đầy 2 tuần trước cuộc bầu cử về tăng trưởng kinh tế đã củng cố tuyên bố của đảng Dân chủ về năng lực quản lý kinh tế, trong khi các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử vẫn cho thấy cử tri thích đảng Cộng hòa hơn trong việc giải quyết vấn đề kinh tế.

Thật khó cho đảng Dân chủ lật ngược thế cờ khi tăng trưởng kinh tế đang thách thức các nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc chiến chống lạm phát khi cố cắt giảm nhu cầu tiêu dùng. Tuần trước, Fed vừa mới thông báo tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp ở mức 0,75 điểm phần trăm nhằm đạt được mức độ kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát.

Nhà Trắng đã thất bại trong việc tận dụng một loạt các thành công lập pháp, khi thông qua các đạo luật về chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và mở rộng lợi ích xã hội trong hai năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Biden, thành những ủng hộ lớn hơn cho đảng Dân chủ.

Tám năm trước, sự quan tâm đến các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã chạm đáy. Mỹ là một trong những quốc gia phát triển có tỷ lệ đi bầu thấp nhất. Năm 2014, chỉ 36% cử tri đã bỏ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Nhưng mọi chuyện đã khác sau đó 4 năm với tỷ lệ 49,4% vào năm 2018, đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất trong lịch sử bầu cử giữa kỳ của Mỹ kể từ năm 1914.

Năm 2022, tỷ lệ đi bầu cao vẫn được kỳ vọng khi có sự gia tăng trong bỏ phiếu sớm, đặc biệt là bỏ phiếu qua thư, vốn được các cơ quan lập pháp bang chấp thuận thông qua sau cuộc bầu cử năm 2018. Chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hình thức bỏ phiếu qua thư. Hiện nay, ở cả 2 bang đang có sự cạnh tranh ráo riết giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Michigan và Pennsylvania đều cho phép mọi người bỏ phiếu qua thư mà không cần lý do.  

Do đó, cũng có một sự chênh lệch trong niềm tin giữa cử tri hai đảng về độ trung thực của bầu cử. Cuộc khảo sát cho thấy chỉ 43% cử tri hoàn toàn tin tưởng vào tính bảo mật trong lá phiếu của họ, trong khi 30% khác hơi tự tin. 91% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ có mức độ tin cậy phần nào hoặc toàn bộ vào sự trung thực của cuộc bầu cử, nhưng chỉ 55% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa cảm thấy như vậy.

Ông Biden đã tuyên bố rằng điều đầu tiên ông sẽ làm nếu đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội là ký một đạo luật đảm bảo quyền phá thai trên toàn quốc, với hy vọng thu hút cử tri trẻ có khuynh hướng tự do. Tuy nhiên, có vẻ điều này cũng không đủ để giúp bảo đảm đảng Dân chủ giành chiến thắng khi tỷ lệ người trẻ đi bầu ở các bang chiến trường vẫn thua sút tỷ lệ cử tri lớn tuổi hơn. 

TS. Nguyễn Thành Trung

TS Nguyễn Thành Trung hiện là giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chính trị học so sánh. Ông trước đây là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG-HCM cũng như giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS).