55 trí thức trẻ gửi tâm thư tới Tổng Bí thư: Nỗi lo mất việc khi sáp nhập
(Dân trí) - Sau 10 năm cống hiến, nhiều cán bộ tham gia Đề án đưa 500 trí thức trẻ về cơ sở vẫn chưa được vào công chức, viên chức. Họ lo bị mất việc khi kết thúc hoạt động với người không chuyên trách.
55 trí thức trẻ chơi vơi khi kết thúc Đề án 500
Quảng Bình hiện có 15 đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ, tình nguyện về công tác tại các xã thuộc khu vực nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500). Nhiều năm qua, những cán bộ này đã nỗ lực, có nhiều đóng góp, giúp các xã miền núi và vùng sâu, vùng xa từng bước phát triển. Tuy nhiên, khi đề án kết thúc vào năm 2020, nhiều người vẫn chưa được tuyển dụng.
Đến thời điểm này có 11/15 đội viên diện này chưa được tuyển dụng và không biết tương lai đi về đâu.
11 cán bộ này cùng 44 đội viên khác tại các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cùng trong cảnh này mới gửi tâm thư tới Tổng Bí thư Tô Lâm phản ánh nỗi lo lắng, băn khoăn khi làm việc theo diện hợp đồng lao động có thời hạn, chưa được tuyển dụng.

Một địa phương miền núi tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).
Đề án 500 được Chính phủ phê duyệt năm 2013, tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về công tác tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trên cả nước.
Thực tế, sau khi đề án kết thúc, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136 về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án 500. UBND các tỉnh có trách nhiệm xây dựng phương án và thực hiện việc tuyển dụng, bố trí đội viên tham gia đề án vào làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trước ngày 31/12/2025.
55 người vẫn là "nhân viên hợp đồng" đang lo lắng về nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống nếu không được sắp xếp trước thời hạn kết thúc hợp đồng vào ngày 31/12.
10 năm, 2 lần thất nghiệp?
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1991, trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - một trong những trường hợp chưa được tuyển dụng sau nhiều năm tham gia Đề án 500.
Chị Linh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đã hoàn thành chương trình thạc sĩ kế toán. Chị Linh thi đỗ Đề án 500 và được tuyển dụng làm kế toán tại UBND xã Phú Trạch (nay là xã Hải Phú, huyện Bố Trạch) vào tháng 3/2015.
Đến tháng 3/2020, đề án kết thúc, chị Linh thành thất nghiệp, thấp thỏm chờ đợi chính sách từ cấp trên. Năm 2021, khi có Nghị quyết của Chính phủ, chị Linh được địa phương gia hạn hợp đồng và tiếp tục bố trí công tác tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch.
"Tôi cống hiến hơn 10 năm rồi nhưng vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng. Sắp tới sáp nhập xã, tỉnh, nguy cơ mất việc với tôi càng lớn hơn. Tôi rất mong nhà nước sắp xếp hoặc có chính sách hỗ trợ để chúng tôi chuyển đổi công việc", chị Linh bày tỏ.
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Như Trang (SN 1987, phụ trách văn hóa - xã hội xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy). Chị Trang tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng và có thêm văn bằng 2 ngành kế toán.
Năm 2015, chị Trang trúng tuyển vào Đề án 500. Thế nhưng sau nhiều năm cống hiến, chị vẫn chưa có được một vị trí ổn định.
"Ngày trước để lọt vào Đề án 500 rất khó, chúng tôi đã phải cạnh tranh, phấn đấu suốt thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa có được chính sách phù hợp. Đến tháng 12 này là hết hợp đồng, giờ tôi chưa biết mình sẽ đi về đâu", chị Trang lo lắng.
Đốc thúc địa phương bố trí biên chế
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Quảng Bình, hằng năm đơn vị cũng có văn bản gửi các địa phương, đề nghị nếu có nhu cầu tuyển dụng cần ưu tiên đội viên Đề án 500. Tuy nhiên, những năm qua, do thực hiện tinh giản biên chế, chỉ tiêu tuyển dụng không còn, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận đội viên đề án vào công chức, viên chức.

Một số đội viên thuộc Đề án 500 tại Quảng Bình đến nay vẫn chưa được tuyển dụng (Ảnh: Nhật Anh).
Bộ Nội vụ xác nhận có 55 đội viên thuộc Đề án 500 tại 16 tỉnh được ký hợp đồng lao động và đang công tác tại các xã trong thời gian chờ được bố trí, sắp xếp.
Cơ quan quản lý đánh giá, bên cạnh một số tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện việc tuyển dụng, bố trí đội viên Đề án 500, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm, thiếu chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng nhân lực.
Theo Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ, hạn chót để các tỉnh thuộc phạm vi đề án hoàn thành việc bố trí, sắp xếp đội viên có nhu cầu là ngày 31/12. Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiêm túc đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết của Chính phủ.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất giao UBND các tỉnh khẩn trương xây dựng và gửi phương án bố trí, sử dụng cán bộ thuộc Đề án 500 về Bộ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 30/6.
Hiện còn 16 tỉnh chưa hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng đội viên thuộc Đề án 500.
Cụ thể, Hà Tĩnh còn 4 đội viên chưa được bố trí; Quảng Bình và Hòa Bình mỗi tỉnh còn 11 đội viên; Lai Châu và Điện Biên mỗi tỉnh còn 2 đội viên; Hà Giang, Thanh Hóa và thành phố Huế mỗi địa phương còn 4 đội viên; Bắc Giang còn 5 đội viên; Quảng Ngãi còn 2 đội viên.
Ngoài ra, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định và Bến Tre mỗi tỉnh còn 1 đội viên chưa được sắp xếp, tuyển dụng.