DMagazine

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới

(Dân trí) - Cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới được nhận định sẽ có sức ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới cục diện chính trường Mỹ trong thời gian tới.

BẦU CỬ GIỮA KỲ 2022: CUỘC ĐUA ĐỊNH HÌNH CHÍNH TRƯỜNG MỸ 2 NĂM TỚI

Cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới được nhận định sẽ có sức ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới cục diện chính trường Mỹ trong thời gian tới.

Ngày 8/11, người dân Mỹ sẽ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Đây được đánh giá là một kỳ bầu cử vô cùng quan trọng với chính trường Mỹ trong thời gian tới.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 1

Một người dân thành phố New York bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ sớm vào ngày 29/10 (Ảnh: Reuters).

Với cá nhân Tổng thống Joe Biden, 2 năm sau chiến thắng trước cựu Tổng thống Donald Trump để trở thành nhà lãnh đạo của nước Mỹ, đây sẽ là một trong những thử thách lớn nhất mà ông sẽ phải đối mặt. Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới nhiều khả năng sẽ quyết định thành bại của không chỉ nhiệm kỳ tổng thống mà còn là khả năng tái cử vào năm 2024 của ông.

Cuộc bầu cử quan trọng

Được tổ chức vào ngày 8/11, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 bao gồm một chuỗi các cuộc bỏ phiếu nhỏ, nơi người dân Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện, một phần ba số ghế của Thượng viện, 36 ghế thống đốc các tiểu bang cùng hàng loạt các vị trí lãnh đạo chính quyền địa phương khác. Cuộc bầu cử này cũng mang một tính chất đặc biệt vì nó là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức dựa theo việc chia lại khu vực bầu cử mới dựa theo tổng điều tra dân số năm 2020 tại Mỹ.

Hai cuộc bầu cử bầu nghị sĩ lưỡng viện hiển nhiên sẽ là các cuộc bầu cử quan trọng nhất với người dân Mỹ.

Tại Hạ viện, đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát với 220 ghế đại biểu so với 212 ghế của đảng Cộng hòa. Khoảng cách 8 ghế mong manh đấy hoàn toàn có thể bị san lấp và vượt qua khi toàn bộ 435 ghế hạ nghĩ sĩ sẽ phải được bầu lại vào tháng 11 tới đây.

Tính đến cuối tháng 10, 49 hạ nghị sĩ đương nhiệm, trong đó có 31 của đảng Dân chủ và 18 của đảng Cộng hòa, đã tuyên bố không tái tranh cử. Một điều bất lợi cho đảng Dân chủ đó là do việc chia lại khu vực bầu cử làm cho tại 3 quận bầu cử Georgia 7, Illinois 6 và Michigan 11, mỗi quận sẽ có 2 hạ nghị sĩ đương nhiệm của đảng Dân chủ chạy đua cho một tấm vé đại diện cho đảng để tiến vào vòng bầu cử cuối cùng với ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Điều này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ sẽ mất ít nhất 3 hạ nghị sĩ đương nhiệm và tại các khu vực bầu cử mới, họ sẽ phải tìm ra và hỗ trợ cho các ứng cử viên mới vốn ít kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị hơn.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 2

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Barack Obama tham gia vận động cho đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Philadelphia, Pennsylvania ngày 5/11 (Ảnh: Reuters).

Trong các thông báo được đưa ra trong thời gian gần đây, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tuyên bố đảng này đang có mục tiêu tham vọng là chiếm được 70 ghế hạ nghị sĩ đang được nắm giữ bởi đảng Dân chủ. Ở chiều ngược lại, đảng Dân chủ chỉ đặt mục tiêu giành thêm 24 ghế đang được đảng Cộng hòa kiểm soát.

Cuộc đua giành quyền kiểm soát Thượng viện cũng được dự đoán là vô cùng quyết liệt, khi 100 ghế thượng nghị sĩ hiện tại đang được chia đều giữa 2 đảng, và đảng Dân chủ chỉ đang nắm giữ cơ quan này nhờ lá phiếu quyết định của phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Kamala Harris.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới, 34 ghế thượng nghị sĩ sẽ được bầu lại, trong đó có 14 ghế của đảng Dân chủ và 20 ghế của đảng Cộng hòa. Trong số này, 5 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 1 thượng nghị sĩ Dân chủ đã công bố quyết định không tái tranh cử. Theo những cuộc khảo sát gần đây, chiến trường chính của cuộc bầu cử Thượng viện giữa kỳ năm 2022 sẽ diễn ra tại các bang Arizona, Georgia, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, khi cơ hội giành chiến thắng cho các ứng viên của cả 2 đảng tại các cuộc bầu cử tại các bang kể trên hiện chênh lệch nhau không nhiều.

Cũng trong cuộc bầu cử giữa kỳ này, người dân của 36 tiểu bang sẽ bầu lại thống đốc. Hiện nay, trong số 50 tiểu bang của Mỹ, 28 thống đốc là người của đảng Cộng hòa trong khi 22 người đứng đầu các bang còn lại là đảng viên của đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa sẽ phải bảo vệ 20 ghế thống đốc trước sự thách thức từ các ứng viên đảng Dân chủ. Con số này với đảng Dân chủ là 16 ghế. Khảo sát hiện tại cho thấy các bang chiến trường trong cuộc bầu cử thống đốc gồm có Arizona, Wisconsin, Michigan, Nevada, Maryland, Kansas và Pennsylvania.

Ngoài ra, một loạt các vị trí lãnh đạo trong chính quyền địa phương cũng sẽ được bầu lại vào tuần tới. Tiêu biểu trong số đó có thể kể các cuộc bỏ phiếu nhằm chọn ra tân tổng chưởng lý ở 30 tiểu bang và tân ngoại trưởng ở 27 tiểu bang khác nhau. Cùng với đó, thị trưởng của một số thành phố lớn và quan trọng như Los Angles và San Jose (bang California), Austin (bang Texas), Charlotte (bang North Carolina), Newark (bang New Jersey) hay thủ đô Washington D.C cũng sẽ được bầu lại trong dịp này.

Thách thức của Tổng thống Joe Biden

Trong lịch sử chính trường Mỹ, đảng của đương kim tổng thống thường sẽ gặp bất lợi và mất ghế tại lưỡng viện Quốc hội trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Điều này được lý giải một phần thông qua hiệu ứng "áo đuôi tôm" trong các kỳ bầu cử tổng thống. Khi một ứng viên tổng thống được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, các ứng viên vào lưỡng viện Quốc hội đến từ cùng đảng sẽ được hưởng lợi và nhận được nhiều phiếu bầu hơn nhờ ảnh hưởng tích cực của vị ứng viên tổng thống đó.

Tuy nhiên, khi các lời hứa khi tranh cử của vị tân tổng thống không được thực hiện hoặc thực hiện một cách không hiệu quả, tỉ lệ ủng hộ đối với tân tổng thống sẽ sụt giảm và điều đó dẫn đến việc tỉ lệ ủng hộ các ứng viên trong đảng của ông ta sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng cháu gái đi bỏ phiếu sớm tại quê nhà, thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tính đến thời điểm đầu tháng 11, tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden đang ở mức 40%, cao hơn so với mức thấp kỷ lục 36% vào tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh so với tỷ lệ tín nhiệm 57% hồi đầu nhiệm kỳ.

Theo giới phân tích, việc nền kinh tế Mỹ phục hồi không như mong đợi sau đại dịch Covid-19 chính là bước ngoặt khiến cho tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden lao dốc. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC)+ khiến giá cả nhiều mặt hàng và lạm phát leo thang, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân Mỹ.

Bên cạnh đó, một bộ phận lớn cử tri vẫn bày tỏ sự thiếu tin tưởng với chính quyền của Tổng thống Biden trong công tác đối ngoại, đặc biệt là sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan và để lại ở quốc gia Nam Á một cuộc khủng hoảng nặng nề về chính trị và nhân đạo dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban.

Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm của Tổng thống Joe Biden là một lời cảnh tỉnh với chính ông và các hoạch định chiến lược của đảng Dân chủ trong thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra. Chắc hẳn, vị tổng thống 80 tuổi cũng sẽ không muốn rơi vào tình cảnh như người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama, trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 4

Các cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu đang khiến cuộc sống của nhiều người dân Mỹ trở nên vô cùng khó khăn (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã mất quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội. Điều đó dẫn đến việc chương trình nghị sự trong 2 năm cuối của vị tổng thống Mỹ thứ 44 gặp vô vàn khó khăn và thách thức do sự bất hợp tác từ đảng Cộng hòa. Thậm chí, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã dùng mọi cách trì hoãn để làm thất bại một số kế hoạch của ông Obama, ví dụ như việc đề cử đương kim Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.

Tuy đối mặt với vô vàn thách thức trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng những nỗ lực của tổng thống Joe Biden là rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong hoàn cảnh ông phải lãnh đạo một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ.

Gần đây, Tổng thống Biden cũng đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua Đạo luật giảm lạm phát trị giá hàng trăm tỷ USD. Đạo luật này được xem là thắng lợi quan trọng của đảng Dân chủ và cá nhân ông Biden trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Vì vậy, những người ủng hộ vẫn tin rằng với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dặn được tích lũy qua hơn 50 năm hoạt động chính trị, Tổng thống Biden sẽ biết cách để vượt qua khó khăn hiện tại và đưa nước Mỹ và đảng Dân chủ trở lại một cách mạnh mẽ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Ẩn số cựu Tổng thống Trump

Các chuyên gia nhận định rằng, bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới tại Mỹ sẽ là cuộc trưng cầu dân ý đối với vị thế và hình ảnh của cựu Tổng thống Donald Trump.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 5

Cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa tại bang Ohio (Ảnh: AFP).

Để khẳng định vị thế là "người lãnh đạo không chính thức của đảng Cộng hòa", cựu Tổng thống Trump đã ra sức dùng ảnh hưởng cá nhân để vận động cho các ứng viên có cùng quan điểm với ông.

Theo Fox News, ông Trump đã có mặt ở 200 cuộc vận động để ủng hộ các ứng viên Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, Hạ viện hoặc ghế thống đốc bang ở 39 trong số 50 bang. Đây là một con số cao bất thường. Trước đó, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, ông Trump ủng hộ chưa đến 90 ứng cử viên cho các vị trí tương tự, theo thống kê của trang Ballotpedia.

Hồi tháng 9, cựu Tổng thống Trump và các đồng minh thân cận cũng thành lập một siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) thời hậu Nhà Trắng có tên Maga Inc để tạo cơ sở tài trợ cho các ứng viên đảng Cộng hòa có chung chí hướng trong các cuộc bầu cử.

Những nỗ lực của ông Trump cùng đồng minh đã phát huy hiệu quả bước đầu khi hầu hết các ứng viên được cựu tổng thống ủng hộ đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và sẽ đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Ở chiều ngược lại, những chính trị gia đương nhiệm có tư tưởng "chống Trump" lại không giành được những kết quả khả quan.

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Hạ nghị sĩ Liz Cheney của bang Wyoming. Bà đã bị đối thủ Harriet Hageman đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và qua đó sẽ chính thức mất ghế tại Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới.

Bà Liz Cheney, 56 tuổi, là con gái của cựu phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney. Bà được đánh giá là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa sau khi được bầu làm Hạ nghị sĩ đại diện cho bang Wyoming vào tháng 1/2017.

Tuy nhiên, con đường chính trị của bà bắt đầu gặp trở ngại sau những phát ngôn và hành động quyết liệt nhằm chống lại cựu Tổng thống Trump. Bà Cheney hiện giữ vai trò phó chủ tịch Ủy ban Điều tra vụ bạo loạn đồi Capitol của Hạ viện. Trước đó, bà cũng là một trong số ít nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ biểu ủng hộ luận tội ông Trump.

Giới quan sát nhận định lòng trung thành là chìa khóa cho sự ủng hộ của cựu Tổng thống Trump. Bởi theo một cách nào đó, phần lớn các ứng cử viên được ông Trump hỗ trợ đều lan truyền các tuyên bố cựu tổng thống đưa ra về việc thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vốn bị cho là vô căn cứ.

Tuy tạo được một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ cho các ứng viên đảng Cộng hòa, những ảnh hưởng của ông Trump đến các ứng viên này trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới cũng khiến nhiều người lo ngại.

Tổng thống Biden ngày 2/11 đã phải lên tiếng cảnh báo về những hỗn loạn sau bầu cử giữa kỳ do các ứng viên Cộng hòa đã tuyên bố từ chối công nhận thất bại nếu kết quả của cuộc bỏ phiếu không có lợi cho họ.

Bầu cử giữa kỳ 2022: Cuộc đua định hình chính trường Mỹ 2 năm tới - 6

Tổng thống Joe Biden cảnh báo về hỗn loạn hậu bầu cử giữa kỳ hôm 2/11 (Ảnh: AFP).

Ông Biden cho rằng mục tiêu của các ứng viên Cộng hòa này là thực hiện theo những gì cựu tổng thống Donald Trump từng làm trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và tìm cách "phá hủy hệ thống bầu cử".

"Nhiều ứng viên đang tranh cử tuyên bố sẽ không cam kết chấp nhận kết quả cuộc bầu cử mà họ tham gia. Họ đã kích động bạo lực và đe dọa cử tri, quan chức bầu cử", ông nói. "Đó là con đường dẫn đến sự hỗn loạn ở Mỹ. Điều này là chưa từng có, bất hợp pháp và phi Mỹ ", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Tùng Nguyễn

Theo Reuters, New York Times, Ballotpedia, Washington Post, Fox News