1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tốn kém nhất lịch sử

(Dân trí)- Theo số liệu của Trung tâm theo dõi chính trị Mỹ (CRP), chi phí cho cuộc bầu cử Quốc hội và thống đốc bang vừa diễn ra lên tới hơn 2,8 tỷ đôla, tăng 20% so với cuộc bầu cử giữa kỳ cách đây 4 năm.

Đây là diễn biến hết sức bất ngờ ngoài phỏng đoán của nhiều nhà quan sát, vì năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật McCain-Feingold nhằm bịt kín những lỗ hổng trong luật pháp Mỹ vốn cho phép các đảng phái chính trị được quyền quyên góp tài chính không hạn chế từ các cá nhân, công ty và tổ chức tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử. Trước khi luật này bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2002, nhiều nhà tài trợ đã không ngần ngại ký những tấm séc trị giá nhiều triệu đôla cho các ứng cử viên. Kỷ lục về số tiền do cá nhân đóng góp cho quỹ bầu cử thuộc về đảng Dân chủ: Tháng 3/2002, họ đã nhận được một ngân phiếu 7 triệu đôla từ triệu phú Haim Saban, người sáng lập chương trình truyền hình dành riêng cho trẻ em “Power Ranger”. Nhà sản xuất phim Steve Bing của Los Angeles cũng đóng góp cho đảng Dân chủ một số tiền không nhỏ: 5 triệu đôla.

 

Theo luật, trong chiến dịch vận động tranh cử năm nay, những khoản đóng góp có giá trị hơn 101.400 đôla cho quỹ vận động của các đảng đều bị cấm. Tuy nhiên, có nhiều cách để các chuyên gia gây quỹ lách luật. Chẳng hạn, thay vì đóng góp trực tiếp cho đảng, nhà tài trợ có thể hỗ trợ tiền cho các nhóm vận động đặc biệt, thường gọi là nhóm 527. Lấy ví dụ nhà triệu phú Bob Perry, người nổi tiếng với chiến dịch tuyên truyền chống lại thượng nghị sỹ John Kerry trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004. Ông ta đã đóng góp cho quỹ của một trong các nhóm 527 tới 10 triệu đôla - đưa ông ta thành nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử năm 2006. Số tiền này được chi cho các chiến dịch quảng cáo chống lại hai  ứng cử viên thượng nghị sỹ đảng Dân chủ  bang Tennessee,  Harold Ford và bang New Jersey, Bob Menendez. Nhưng có vẻ như Bob Perry đã chi không đúng chỗ, vì cả hai đối thủ của ông ta đều giành chiến thắng.

 

Số người đóng góp tài chính cho chiến dịch vận động bầu cử năm 2006 tương đương với cuộc bầu cử giữa kỳ cách đây 4 năm, nhưng trung bình mỗi người bỏ ra nhiều hơn. CRP cho biết có hơn 603.000 người Mỹ góp từ 200 đôla trở lên, trong đó 71 người đóng kịch trần 101.400 đôla. Trong số này có nhiều luật sư và chuyên gia vận động hành lang.

 

Trong hai đảng, đảng Cộng hoà giỏi kiếm tiền hơn. Uỷ ban bầu cử Liên bang cho biết các nhà tài trợ đã đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử cấp liên bang của đảng này khoảng 1,2 tỷ đôla. Nhưng Đảng Dân chủ lại khéo chi tiền hơn. Mặc dù kiếm ít hơn (khoảng 1 tỷ đôla), nhưng trong giai đoạn nước rút, tài khoản của các ứng cử viên và uỷ ban vận động tranh cử của họ đầy hơn đảng Cộng hoà (đảng Dân chủ còn 294 triệu đôla, trong khi đảng Cộng hoà còn 290 triệu trong ngân hàng). Đến ngày 18/10, tài khoản Uỷ ban vận động tranh cử vào Quốc hội của đảng Dân chủ vẫn có số dư tới 36 triệu đôla, gấp đôi đảng Cộng hoà.

 

Thành công trong việc vận động tài chính vào giai đoạn nước rút của đảng Dân chủ một phần do thu hút được sự ủng hộ của tầng lớp có thu nhập thấp, nhưng mặt khác, nhiều nhà doanh nghiệp “đánh hơi” thấy chiến thắng tương đối gần của đảng này trong cuộc bầu cử Quốc hội nên chuyển hướng sang ủng hộ họ. Tập đoàn đầu khí hàng đầu của Mỹ Valero Energy trước kia thường là nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hoà, nhưng sau khi đảng Dân chủ cam kết sẽ giảm thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty dầu khí, nên đã quay sang ủng hộ đảng Dân chủ. Valero đã góp 25.000 đôla cho quỹ vận động tranh cử thượng viện của đảng này.

 

Ngọc Nhàn

Theo Newsweek