1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cục diện Trung Đông thay đổi với thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian

An Bình

(Dân trí) - Việc Israel ký thỏa thuận hòa bình với UAE và Bahrain không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông, mà còn giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump ghi điểm ở trong nước khi bầu cử đang đến rất gần.

Theo BBC, các phái đoàn cấp cao từ Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hôm nay dự kiến ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử do Mỹ làm trung gian tại Nhà Trắng, có tên gọi là "Hiệp ước Abraham".

Ngoại trưởng Bahrain cũng sẽ tham dự sự kiện và ký một thỏa thuận của nước này nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước.

Dưới đây là những lý do khiến các thỏa thuận trên rất quan trọng và có thể thay đổi cục diện tại Trung Đông.

Cơ hội về thương mại và nhiều hơn thế

Cục diện Trung Đông thay đổi với thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian - 1

Cố vấn an ninh quốc gia của Israel (trái) trong chuyến bay lịch sử tới UAE hôm 1/9 (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận mang lại lợi ích cho UAE, một quốc gia đầy tham vọng đã vươn lên thành một cường quốc quân sự và cũng là một địa điểm du hút kinh doanh và đầu tư trong khu vực.

Dường như là, Mỹ giúp các bên đạt được thỏa thuận trên với lời hứa về các loại vũ khí tiên tiến mà trước đây UAE phần lớn chỉ muốn mà không có được, trong đó có các máy bay chiến đấu tiên tiến tàng hình F-35 và các máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.

UAE đã triển khai các lực lượng vũ trang được trang bị tốt của nước này tại Libya và Yemen. Nhưng đối thủ tiềm tàng lớn nhất của nước này là Iran, nằm ngay bên kia bờ Vùng Vịnh.

Israel và Mỹ cũng có chung quan điểm ngờ vực giống UAE về Iran. Cho tới tận năm 1969, Iran vẫn tuyên bố Bahrain là một phần lãnh thổ của nước này. Các lãnh đạo dòng Sunni của Bahrain cũng xem một số khu vực tại nước này là tổ chức bí mật hoạt động tiềm tàng cho Iran.

Cả Bahrain và UAE đều hầu như không che giấu quan hệ với Israel. Họ sẽ mong đợi việc thúc đẩy thương mại cởi mở và Israel có một trong những lĩnh vực công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới.

Trong các thời kỳ không có Covid-19, người Israel là những người yêu thích du lịch, luôn mong muốn khám phá các sa mạc, bãi biển và trung tâm thương mại tại Vùng Vịnh. Đó là mối quan hệ có đi có lại.

Israel dần phá thế cô lập trong khu vực

Việc bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain rõ ràng là một thành công lớn đối với người Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rất tin vào chiến lược được miêu tả lần đầu tiên vào những năm 1920 là “Bức tường Sắt” giữa nhà nước Do thái và thế giới Ả rập. Việc Israel mạnh lên sẽ khiến người Ả rập nhận ra rằng lựa chọn duy nhất của họ là phải thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Israel cũng không thích bị cô lập ở Trung Đông. Hòa bình với Ai Cập và Jordan chưa bao giờ ấm lên. Họ có thể hi vọng hơn về mối quan hệ tương lai với các quốc gia Vùng Vịnh vượt xa ngoài Jerusalem và các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Việc tăng cường liên minh chống lại Iran cũng là một thắng lợi khác của Israel. Thủ tướng Netanyahu luôn coi Iran là kẻ thù số 1 của Israel. Ông đã thôi phàn nàn về các thỏa thuận vũ khí tiềm tàng của UAE.

Ông Netanyahu cũng bị tấn công tứ phía khi đối mặt với một phiên tòa tham nhũng mà có thể khiến ông phải ngồi tù. Cách đối phó với đại địch của ông ban đầu có hiệu quả nhưng hiện chuyển biến rất xấu. Những người chỉ trích đã tiến hành các cuộc biểu tình hàng tuần bên ngoài nơi ở của ông tại Jerusalem. Một buổi lễ tại Nhà Trắng diễn ra vào thời điểm không thể tốt hơn với ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ăn mừng chiến thắng chính sách đối ngoại

Cục diện Trung Đông thay đổi với thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về lễ ký Hiệp ước Abraham hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận hòa bình Trung Đông mang lại một số đòn bẩy đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là một cú huých lớn đối với chiến lược gia tăng sức ép tối đa của ông lên Iran. Đó cũng là một vũ khí hữu ích đặc biệt trong năm bầu cử để minh chứng cho thành tích mà ông tự nhận là “nhà trung gian hòa giải giỏi nhất thế giới”.

Bất kỳ điều gì mà ông Trump thực hiện nhằm có lợi cho Israel, đặc biệt là chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đều nhận được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ gốc Do Thái, một phần quan trọng trong lực lượng ủng hộ ông trong bầu cử.

Liên minh “những người bạn của Mỹ” chống lại Iran có thể hoạt động trơn tru hơn nếu các quốc gia Vùng Vịnh cởi mở, thay vì bí mật, về mối quan hệ với Israel.

Cái gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Trump nhằm mang lại hòa bình giữa Israel và Palestine không có triển vọng thành công. Nhưng Hiệp ước Abraham là một sự dịch chuyển quan trọng trong cán cân quyền lực tại Trung Đông và đang được Nhà Trắng xem là một sự thay đổi chính sách ngoại giao quan trọng.

Palestine cảm thấy bị phản bội

Cục diện Trung Đông thay đổi với thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian - 3

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Ảnh: Reuters)

Một lần nữa người Palestine cảm thấy họ đang bị bỏ rơi. Palestine đã lên án Hiệp ước Abraham là một sự phản bội. Thỏa thuận mới đã phá vỡ lập trường thống nhất trong khối Ả rập lâu nay rằng các giá của bình thường hóa quan hệ với Israel là độc lập cho người Palestine.

Nhưng giờ đây, Israel đang củng cố quan hệ công khai mới với các quốc gia Ả rập trong khi người Palestine vẫn sống mòn mỏi dưới sự chiếm đóng ở Đông Jerusalem và Bờ Tây và trong cái gọi là giống như một nhà tù ở mở Gaza.

Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi gọi cái giá của ông cho Hiệp ước Abraham là việc Israel đồng ý ngừng sáp nhập các khu vực rộng lớn ở Bờ Tây.

Nhưng Thủ tướng Israel Netanyahu dường như đã bác bỏ ý tưởng đó, hay ít nhất là lúc này, vì sức ép quá lớn từ cộng đồng quốc tế. UAE đã cho ông một lối thoái khỏi cái gọi là một ngõ cụt chính trị khó xử.

Sự lo lắng của người Palestine giờ đây sẽ gia tăng khi Bahrain cũng tham gia thỏa thuận. Sự tham gia của Bahrain chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra nếu không được sự hậu thuẫn của Ả rập Xê út. Ả rập Xê út vốn là tác giả của kế hoạch hòa bình Ả rập nhằm đòi độc lập cho người Palestine.

Vị thế của Vua Ả rập Xê út Salman tư cách là người giám sát hai ngôi đền linh thiêng nhất của 2 tôn giáo khiến ông có quyền lực to lớn. Nhiều khả năng ông sẽ không ngay lập tức công nhận Israel. Nhưng với con trai và người kế nhiệm ông là Mohammed bin Salman, tương lai có thể sẽ khác.

Cơn đau đầu chiến lược mới với Iran

Cục diện Trung Đông thay đổi với thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian - 4

Người Iran biểu tình giận dữ phản đối thỏa thuận của Israel với UAE (Ảnh: EPA)

Giới lãnh đạo Iran đã lên án mạnh mẽ thỏa thuận trên. Nó không chỉ mang tính tượng trưng. Hiệp ước Abraham đặt Tehran vào thế căng thẳng mới.

Các lệnh cấm vận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang gây ra cơn đau đầu kinh tế đối với Iran. Giờ đây, họ lại có cơn đau đầu chiến lược mới.

Các căn cứ quân sự chủ chốt của Israel cách khá xa Iran. Nhưng các căn cứ của UAE ở ngay bên kia bờ Vùng Vịnh của Iran. Điều đó có thể rất quan trọng nếu xuất hiện trở lại các cuộc thảo luận về khả năng không kích các cơ sở hạt nhân của Iran.

Israel, Mỹ, Bahrain và UAE đều có một loạt các lựa chọn mới, trong khi với người Iran, không gian hoạt động của họ sẽ bị thu hẹp đáng kể.