1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cử tri Venezuela bỏ phiếu trong cuộc bầu cử gay cấn nhất 14 năm

(Dân trí) - Gần 19 triệu cử tri Venezuela ngày 7/10 đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử mà theo giới phân tích là cuộc đua gay cấn nhất Tổng thống cánh tả Hugo Chavez lần đầu tiên gặp phải trong 14 năm cầm quyền.

 

Tổng thống Chavez (trái) và đối thủ Capriles

Tổng thống Chavez (trái) và đối thủ Capriles

 

Ông Chavez cho biết ông tham gia tranh cử lần thứ tư này là nhằm tiếp tục cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ông đã theo đuổi trong suốt những năm nắm quyền, trong khi đối thủ Capriles cam kết sẽ phục hồi phát triển kinh tế.

 

Ông Chavez bị chẩn đoán ung thư vào năm ngoái tuy nhiên hiện ông cho biết ông đã hoàn toàn bình phục.

 

Khi bỏ phiếu ở Caracas, ông Chavez cho biết cần phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu.

 

Hàng dài người xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu ở Caracas trước khi mặt trời mọc. Một người đàn ông đã đến điểm bỏ phiếu thẳng từ ca làm đêm. Hàng người xếp hàng dài thêm khi ngày mới ló rạng, với nhiều người háo hức bỏ phiếu trong kỳ bầu cử được xem là gay cấn nhất trong vòng một thập niên qua.

 

Hệ thống bỏ phiếu bằng máy tính của Venezuela mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên giới chức bầu cử cho biết họ đã sẵn sàng mở cửa một số điểm bỏ phiếu nếu dòng người xếp hàng vẫn dài vào 18h (giờ địa phương), thời gian dự kiến kết thúc bỏ phiếu.

 
Hàng dài người xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu.
Hàng dài người xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu.
 

Do mọi người đều tập trung vào bỏ phiếu nên thành phố đặc biệt vắng vẻ, ít xe cộ trên đường. Rượu bị cấm bán trong dịp bầu cử nhưng khi ngày tàn, những người ủng hộ của cả hai phe sẽ sẵn sàng tổ chức ăn mừng chiến thắng, nếu phần thắng thuộc về họ.

 

Đối thủ Capriles cũng bỏ phiếu ở Caracas và cho biết dù kết quả thế nào, ông Chavez sẽ là người đầu tiên ông gọi điện khi kết quả được công bố.

 

Sau 14 năm nắm quyền, Tổng thống 58 tuổi Chavez vẫn được lòng một phần lớn dân chúng, nhất là thành phần nghèo. Ông đã quốc hữu hóa một số ngành chính của nền kinh tế.

 

Venezuela là nước sản xuất dầu lửa lớn của thế giới và giá dầu tăng cao suốt một thập niên qua đã cho phép chính phủ tiến hành chính sách an sinh xã hội, y tế, thuốc men, viện phí đều miễn phí cho dân nghèo. Ông Chavez cho biết ông cần thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn thành cuộc “Cách mạng Bolivia” tiến tới xã hội chủ nghĩa.

 

Tuy nhiên, đối thủ Capriles, 40 tuổi, lại cho rằng chính sách hữu sản hóa đã làm cho nền công kỹ nghệ của Venezuela bị suy yếu, mất khả năng cạnh tranh và thiếu thốn.

 

Ông Capriles cũng cho rằng ông Chavez đã phạm sai lầm khi đặt toàn người thân cận vào cơ quan tư pháp. Do vậy, guồng máy này bị tê liệt, không hiệu quả, vũ khí tự do lưu hành, làm cho tình hình bạo động ở Venezuela còn trầm trọng hơn một số quốc gia láng giềng đang bị nội chiến.

 

Ông Capriles cam kết thay đổi toàn diện, vừa phát huy lĩnh vực kinh tế tư nhân, vừa chia lợi nhuận vào an sinh xã hội theo mô hình đang thành công tại Brazil.

 

Ngoài ra một câu hỏi đặt ra trong cuộc đua tranh quyền tổng thống này là vấn đề sức khỏe của tổng thống. Ông Chavez nói rằng ông đã hoàn toàn hết bệnh ung thư sau khi phát hiện ra bệnh cách đây hơn một năm, nhưng tần suất xuất hiện trước công chúng của ông giảm khiến nhiều người không khỏi nghi ngại.

 

Trước cuộc đầu phiếu, các cuộc thăm dò cho thấy hoặc ông Chavez dẫn trước đối thủ Capriles. Nếu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, ông Chavez có thể sẽ cầm quyền đến năm 2019, cũng là thời điểm đánh dấu 20 ông làm tổng thống Venezuela.

 

Vũ Quý

Theo BBC, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm