1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Cú sốc hiện đại hóa” tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

(Dân trí) - Công nghệ và các vấn đề xã hội liên quan tới quá trình hiện đại hóa đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới “cảm xúc” của người dân Bhutan, vốn tự cho mình là hạnh phúc nhất thế giới.

Trẻ em Bhutan (Ảnh: Reuters)
Trẻ em Bhutan (Ảnh: Reuters)

Trong nhiều năm qua, quốc gia châu Á bé nhỏ Bhutan đã định nghĩa rằng một đất nước thành công không đo lường thông qua nền kinh tế mà bằng hạnh phúc. Đất nước Phật giáo này đã đi tiên phong trong khái niệm “tổng hạnh phúc quốc dân” (GNH), tức là Bhutan tính toán mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, chứ không phải dựa trên chỉ số GDP - tổng sản lượng nội địa.

Ý tưởng của Bhutan từng một thời khiến cả thế giới phải nhắc đến quốc gia châu Á bé nhỏ này. Trong một bài diễn thuyết nổi tiếng vài năm trước đây, Thủ tướng Tshering Tobgay đã từng ca ngợi rằng đất nước Bhutan của ông là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Tuy nhiên, người dân Bhutan gần đây dường như đã khám phá ra rằng nhận thức không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế. Bằng chứng là theo bản báo cáo về chỉ số hạnh phúc toàn cầu do Liên Hợp Quốc (LHQ) thực hiện năm 2018, Bhutan chỉ đứng thứ 97 trên tổng số 156 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là “cú sốc" đến từ công nghệ và tiến trình hiện đại hóa mà người dân Bhutan tiếp nhận. Trong hàng chục năm qua, mặc dù Bhutan duy trì cuộc sống ít phụ thuộc vào công nghệ, nhưng những vật dụng như điện thoại di động, TV, máy vi tính đã dần dần xuất hiện ở quốc gia châu Á, khiến cuộc sống cũ xưa truyền thống của đất nước này dần thay đổi và mang tới những hệ lụy.

Trong những năm gần đây, TV và truyền hình bị cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ tội phạm ở Bhutan tăng nhanh, cũng như thúc đẩy cuộc di cư từ nông thôn lên khu vực thành thị tại đây để tìm kiếm sinh kế.

“Các quảng cáo trên truyền hình tạo nên những khao khát, và người dân Bhutan cảm thấy không thể thỏa mãn với tình hình kinh tế hiện tại. Tình trạng tội phạm và tham nhũng thường sinh ra từ những tham vọng về vật chất”, chuyên gia Phuntsho Rapten của Trung tâm nghiên cứu Bhutan, nhận định.

Bhutan nổi tiếng với phong cảnh đẹp và cuộc sống thanh bình (Ảnh: AFP)
Bhutan nổi tiếng với phong cảnh đẹp và cuộc sống thanh bình (Ảnh: AFP)

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới cảm giác hạnh phúc của người Bhutan. Hiện tượng băng tan chảy đang đe dọa trực tiếp tới các công trình công nghiệp cung cấp năng lượng, điện năng cho quốc gia, làm cản trở sự tiến bộ của quốc gia mà LHQ xếp vào danh sách những nước kém phát triển nhất thế giới.

“Chênh lệch giàu nghèo đã bắt đầu gia tăng ở Bhutan, thêm vào đó là tình trạng thất nghiệp ở người trẻ tăng nhanh, cũng như môi trường bị tổn hại. Chúng tôi đang có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm”, ông Needrup Zangpo, giám đốc điều hành của Hiệp hội nhà báo Bhutan nói.

Kết quả từ chính khảo sát của Bhutan về chỉ số hạnh phúc của nước này cũng cho thấy sự chuyển đổi tương tự. Theo báo cáo gần đây nhất về chỉ số GNH của Bhutan từ năm 2015, số lượng những người bắt đầu có cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi và ích kỷ tăng so với kỳ khảo sát trước, trong khi những người có cảm xúc tích cực như lòng cảm thông và sự tha thứ đã giảm đi.

Mặc dù 90% những người được hỏi vẫn trả lời rằng họ cảm thấy hạnh phúc, nhưng tới một nửa trong số họ (48%) cho rằng họ chỉ “hơi hạnh phúc”, phần còn lại là những người nói rằng họ “rất hạnh phúc” và “cực kỳ hạnh phúc”.

Theo các chuyên gia, ngoài việc phải học cách thích nghi với những thách thức tới từ công cuộc hiện đại hóa, Bhutan cần phải chuẩn bị cho người dân để họ có thể dễ dàng tiếp nhận những “cú sốc” trong tiến trình này.

Đức Hoàng

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm