Crimea, Syria và công lao tướng tình báo Nga vừa đột tử
Các phương tiện thông tin đưa tin: Thượng tướng Igor Sergun, Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình báo Quốc phòng Nga (GRU) đã đột ngột qua đời ở tuổi 58 ngày 03/01/2016.
Những thông tin đã có trong các bài báo, xin không nhắc lại, chỉ bổ sung một số chi tiết.
Ông Igor Sergun. (Ảnh: Stanislav Krasilnhikov)
1. Theo một số nguồn tin thì Igor Sergun qua đời do bị nhồi máu cơ tim (“Lenta.ru” 05/01/2016).
2. Do tính chất công việc đặc thù - ông Igor Sergun đã phục vụ trong ngành tình báo quân sự hơn 30 năm, rất khó để biết thêm những chi tiết khác, ngoài những thông tin được thông báo chính thức.
3. Những đánh giá tốt đẹp của Tổng thống Nga V.Putin về ông đã được đăng tải. Quan trọng nhất có lẽ là: “Ông là một con người yêu nước chân chính”. Khi một sỹ quan tình báo qua đời, nhận xét trên trong lời chia buồn là quan trọng nhất vì không thể công khai “kể lại” công lao của họ.
4. Igor Sergun sinh ngày 28/3/1957. Đã tốt nghiệp: Trường cao đẳng quân sự Xuvorov danh giá, Trường sỹ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cao cấp Matxcova mang tên Xô Viết tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga, Học viện quân sự Quân đội Xô Viết (chính là Học viện ngoại giao quân sự GRU – chuyên đào tạo sỹ quan tình báo quân sự), Học viện quân sự Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga. Phó tiến sỹ khoa học quân sự (quy sang bằng cấp của ta là tiến sỹ).
5. Igor Sergun bắt đầu làm việc trong ngành tình báo quân sự từ năm 1984. Đã từng giữ nhiều chức vụ trong Tổng cục tình báo. Năm 1998, với quân hàm đại tá, ông là Tùy viên quốc phòng Nga tại Albania.
Tháng 12/2011, được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga – Phó tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga (không phải thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Ngày 21/02/2015 được phong quân hàm thượng tướng.
6. Igor Sergun xuất hiện trước công chúng mùa xuân năm 2014 khi phát biểu tại Hội nghị quốc tế về an ninh lần thứ ba tại Matxcova. Ông cũng tham dự Hội nghị lần thứ tư năm 2015, cả hai lần phát biểu của ông đều về vấn đề an ninh ở Afganistan và Trung Á trong bối cảnh Mỹ và đồng minh cắt giảm sự hiện diện quân sự của họ tại quốc gia này.
Ông Igor Sergun tại Hội nghị về an ninh quốc tế tại Matxcova. (Ảnh: Cơ quan báo chí Bộ quốc phòng Nga)
7. Trong bậc thang quyền lực của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga – cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy điều hành bộ đội và lập kế hoạch các hoạt động tác chiến, Tổng cục trưởng GRU được coi là nhân vật có quyền lực thứ ba chỉ sau Tổng tham mưu trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục tác chiến.
8. Hiện nay, Tổng cục tình báo (quân sự) mới được đổi tên là “Tổng cục Bộ Tổng tham mưu” (GU – viết tắt tiếng Nga).
Tiền thân của Tổng cục này là “Cục đăng ký” được thành lập tháng 11/1918 chịu trách nhiệm trực tiếp về tình báo quân sự. Sau nhiều lần được tái tổ chức và sát nhập, chia tách, từ tháng 2/1942 cho đến nay, Cơ quan tình báo quân sự liên tục nằm trong thành phần của Bộ Tổng tham mưu, cấp tổng cục trực thuộc.
9 . Một số chức năng (công khai trên trang mạng Bộ Quốc phòng Nga) của Tình báo quân sự được xác định như sau:
“ Tổng cục (tình báo quân sự) giải quyết các nhiệm vụ trong lĩnh vực quân sự, quân sự - chính trị, quân sự- kinh tế và sinh thái.
Mục tiêu hoạt động tình báo của Tổng cục là:
Đảm bảo cho Tổng thống Liên Bang Nga, Hội đồng Liên Bang (Thượng viện), Chính phủ Liên Bang Nga, Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga những thông tin tình báo cần thiết để ra các quyết định trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật và sinh thái;
Đảm bảo các điều kiện để thực hiện thành công chính sách của Liên Bang Nga trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh;
Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học - kỹ thuật của đất nước và đảm bảo an ninh quân sự - kỹ thuật Liên Bang Nga”.
10. Cơ cấu tổ chức của GRU (xin sử dụng từ viết tắt quen thuộc là GRU) dĩ nhiên là được giữ bí mật, tuy nhiên theo những thông tin có được thì trong GRU có các cục được gọi là “cục khu vực“ ( tức là phụ trách một khu vực địa lý cụ thể) chịu trách nhiệm thu thập, hệ thống hóa, phân tích… thông tin về các khu vực trên thế giới (trong đó có Cục phụ trách các nước NATO).
Còn có các cục chuyên ngành – ví dụ Cục tình báo vô tuyến kỹ thuật, Cục trinh sát vũ trụ, Lực lượng đặc nhiệm, Cục thu thập thông tin về các công nghệ quân sự hiện đại và kinh tế quân sự các nước, Cục phát triển học thuyết chiến lược và vũ khí. Cuối cùng, đó là Cục chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến tranh thông tin.
Có thể nói chắc chắn rằng, nếu không có GRU, sẽ không thể giải quyết được các nhiệm vụ quân sự quan trọng cần phải có các thông tin từ bên ngoài.
11. Trong những sự kiện hai năm trở lại đây – như chiến dịch Crimea với “những người lịch thiệp”, chiến dịch hiện nay ở Syria, chắc chắn là có sự tham gia trực tiếp của GRU – không thể tiến hành các chiến dịch đó nếu không có đủ tin tức tình báo, từ thu thập thông tin ban đầu đến việc kiểm tra xác nhận thông tin hàng ngày của GRU .
Tại các cuộc họp báo về chiến dịch của Nga tại Syria, mỗi khi đại diện của Bộ quốc phòng Nga thông báo về những mục tiêu mới được phát hiện ở Syria, chắc chắn đó là các số liệu do GRU cung cấp.
12. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, GRU với những điệp viên huyền thoại như Richard Sorge, George Koval …. được đánh giá mà một trong những cơ quan tình báo tốt nhất thế giới – thậm chí có ý kiến cho rằng: tốt nhất.
Ai là người đứng đầu cơ quan này thay ông Igor Sergun sau ngày 03/01/2016, hiện chưa thể biết.
Theo Lê Hùng (tổng hợp)
Đất Việt