1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Công nghệ tuyệt mật Nga không chia sẻ khi bán “rồng lửa” S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Moscow đã thông qua thương vụ 2,5 tỷ USD bán tổ hợp phòng không S-400 cho Ankara và lên kế hoạch thành lập các nhà máy quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Nga không sẵn lòng chuyển giao toàn bộ công nghệ và giữ lại những thông tin tuyệt mật nhằm đảm bảo S-400 hoạt động hiệu quả đúng với chức năng phòng thủ vốn có.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (Ảnh: Sputnik)
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (Ảnh: Sputnik)

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã thông qua vụ mua bán 2 tổ hợp S-400 Triumph hồi năm ngoái. Ngày 4/4, trong cuộc gặp cấp cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thống nhất thời gian bàn giao 2 hệ thống vào tháng 4 năm sau.

Theo RBTH, mỗi hệ thống S-400 gồm 4 bệ phóng, mỗi bệ phóng gồm 4 tên lửa. Như vậy một tổ hợp phòng không sẽ bao gồm 16 tên lửa có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, tên lửa hành trình ở khoảng cách 200 km. Ngoài ra, Nga còn chuyển giao các bộ phận dự phòng, hệ thống radar, trạm chỉ huy và các phương tiện hỗ trợ. Song song với đó, Nga sẽ đào tạo các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ để vận hành S-400.

Nga cũng đồng ý chia sẻ một phần công nghệ cho Ankara, một thành viên của NATO, bằng cách mở nhà máy quân sự trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vyacheslav Davydenko, đại diện tập đoàn Rosoboronexport cho biết do 2 bên đồng ý đẩy nhanh tiến độ bàn giao S-400 và dời lịch lên giữa năm 2019 nên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Ankara sẽ bị hoãn lại tới đầu những năm 2020.

Tuy nhiên, ông Davydenko không nói rõ chi tiết về công nghệ mà Nga sẽ chuyển giao, cho biết các yếu tố này sẽ được cân nhắc cẩn trọng không chỉ dựa vào các yếu tố thương mại mà còn dựa vào các yếu tố chính trị.

Chia sẻ với TASS, chuyên gia quân sự Victor Litovkin cho biết Nga đồng ý mở nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sản xuất các bộ phận nhỏ cho S-400, nhưng Nga dường như sẽ không chia sẻ thông tin tuyệt mật cho Ankara. Theo chuyên gia này, Nga được cho là sẽ không trao cho Thổ Nhĩ Kỳ công nghệ bên trong và mật mã điện tử của hệ thống. Nga dường như sẽ thực hiện các hoạt động bảo trì quy mô lớn tại nhà máy của Almaz-Anteya, tập đoàn chế tạo S-400.

Mật mã điện tử sẽ cho phép người sở hữu cài đặt cho hệ thống bên trong tổ hợp S-400 nhằm xác định mục tiêu nào là bạn và mục tiêu nào là kẻ thù. Vì vậy, để đảm bảo S-400 hoạt động đúng với tôn chỉ một tổ hợp phòng không, Nga được cho là sẽ không để các bên, các đối tác có thể lập trình lại chương trình bên trong.

Ngoài ra, các tên lửa dùng cho S-400 cũng sẽ được sản xuất ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phải mua những vũ khí này. Ông Litovkin cho biết việc sản xuất tên lửa trên đất Ankara có thể sẽ rẩt tốn kém thời gian và chi phí.

Đức Hoàng

Theo RBTH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm